1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề nhẹ nhàng, nhiều thí sinh ra sớm

(Dân trí) - Đề thi môn Văn và môn Sinh không quá khó, thời tiết lại mát mẻ nên nhiều thí sinh hồ hởi ra về khi kết thúc buổi thi sáng nay. Một số thí sinh “phớt lờ” quy chế, cố tình mang điện thoại và “phao” vào phòng thi đã bị đình chỉ.

Đề không khó nhưng có câu phân loại

Sau trận mưa to đêm qua, sáng nay thời tiết Hà Nội khá mát mẻ, giảm đi một phần căng thẳng cho các thí sinh dự thi ĐH đợt 2. Các thí sinh dự thi môn Văn ra về với tâm trạng rất phấn khởi.

Tại Hội đồng thi trường ĐH Văn Hoá, Vũ Đức Việt, quê ở Tuyên Quang làm bài môn Văn chỉ hết có 2/3 thời gian. Việt cho biết, đề bình thường, không quá quá, em trúng tủ được bài “Tây Tiến” của Quang Dũng nên ngồi làm một lèo. Trong 2 tiếng, Việt viết được 4 tờ giấy thi và yên tâm thấp nhất mình cũng được 6 điểm.

Cùng ra khỏi phòng thi với Việt, Nguyễn Thị Thuỷ, quê ở Nam Trực, Nam Định cho rằng câu 2 (5 điểm) hơi khó là em mất nhiều thời gian nhất vì phải nêu cảm nhận về 2 đoạn thơ bộc lộ nỗi nhớ về Tây Bắc trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên.

Với Ngọc Lan quê TP Vinh thì: Đề bình thường, nhưng có câu IIIa khó quá, câu có nội dung là Trong tác phẩm Chữ người tử tù, vì sao tác giả Nguyễn Tuân lại ví tấm lòng của nhân vật quản ngục như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”?. Thực sự câu này mất khá nhiều thời gian của em.

Vẫn nhiều thí sinh mang điện thoại và phao

Mặc dù đã được các trường phổ biến quy chế chặt nhưng nhiều thí sinh vẫn “phớt lờ”, mang điện thoại vào phòng thi.

Tại hội đồng thi trường Dịch Vọng 1A của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi làm bài thi được 20 phút thì có tiếng chuông điện thoại của một thí sinh vang lên, giám thị ngay lập tức đã lập biên bản đình chỉ thi và giao cho công an điều tra. Cũng tại hội đồng thi này, một thí sinh bỏ thi vì bị viêm tai giữa.

 

Tại điểm thi số 1 của trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, tuy chưa sử dụng nhưng đã bị đình chỉ.

Bà Phạm Thị Quy, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Ngoại thương cho biết, tại điểm thi ở Thái Thịnh có một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, để chế độ tắt, mặc dù rất thương em nhưng các giám thị vẫn phải làm theo quy chế.

Đặc biệt, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có 3 thí sinh mang “phao” vào phòng thi. PGS.TS Phạm Gia Lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, theo quy chế chỉ mang tài liệu vào phong thi là bị đình chỉ, trong 3 thí sinh này thì 2 thí sinh đã sử dụng được 10 phút; còn 1 thí sinh chưa sử dụng nhưng chúng tôi đã đình chỉ. Chiều nay, trường yêu cầu các giám thị tăng cường giám sát chặt chẽ thí sinh mang tài liệu vào phòng thi.

Một thí sinh giấu tên dự thi vào ĐH Văn hóa, tại Phòng 78, điểm thi trường THCS Tân Trào - Hoàn Kiếm cho biết tại phòng thi của mình có thi sinh mang tài liệu vào. Giám thị phòng thi chỉ phát hiện ra khi tài liệu này được vứt ra sàn và không xác định được là của ai.

Nhiều thí sinh nộp… 9 bộ hồ sơ

Ông Đỗ Duy Truyền, Phó Chủ tịch Hội đồng thi ĐH Hà Nội cho biết, số thí sinh đến dự thi của trường sáng nay chỉ đạt 55%, thấp hơn rất nhiều so với năm trước.

Đề nhẹ nhàng, nhiều thí sinh ra sớm - 1
Một phòng thi thuộc Hội đồng thi ĐH Hà Nội.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vì thi khối D nên có nhiều thí sinh nộp đến 9 hồ sơ vào trường (thường thì mỗi thí sinh nộp 2 hồ sơ) với nhiều ngành khác nhau nhưng đến phút chót, thí sinh nghe ngóng xem ngành nào ít thí sinh đăng ký dự thi thì đăng ký vào. Do vậy, số ảo của trường rất cao, đến 45% - ông Truyền nói.

Được biết, đợt thi này ĐH Hà Nội có hơn 5.000 thí sinh dự thi. Điểm chuẩn vào các ngành năm trước của trường từ 28-29 điểm (có nhân hệ số Ngoại ngữ).

Trường ĐH Công đoàn đợt thi này cũng chỉ có 60,9% thí sinh đến dự thi. Ông Vũ Quang Thọ, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh của trường cho biết, trường chấp nhận ảo và chấp nhận bù lỗ khoảng vài trăm triệu để tuyển thí sinh.

“Tôi kiến nghị với Bộ nâng cao tiền lệ phí hồ sơ để tránh bù lỗ cho các trường và giảm hồ sơ ảo. Bên cạnh đó, Bộ nên có phần mềm về tuyển sinh cho các trường để quản lý hồ sơ đăng ký dự thi vào trường” - ông Thọ đề xuất.

ĐH Văn hoá Hà Nội sáng nay chỉ có 65% thí sinh đến dự thi, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường cho biết, số thí sinh đến dự thi năm nay tăng hơn so với năm trước là 3.000.

Tại trường ĐH Y Hà Nội, số thí sinh đăng ký dự thi năm nay giảm gần 600 thí sinh so với năm ngoái. Kết thúc ngày 8/7, số thí sinh dự thi đạt 67,81% (7354/10.859 TS) và sáng nay, tỷ lệ này tăng lên 70,69%, đạt gần xấp xỉ so với năm ngoái.

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH Y năm nay là 800 sinh viên. Theo ông Đào Văn Long, Phó hiệu trưởng nhà trường, trường cũng chỉ tuyển hết số chỉ tiêu này, không tuyển thêm bởi với ngành

TPHCM: Nhiều thí sinh đến sớm, về sớm

Quá sợ tình trạng kẹt xe xảy ra như cơm bữa tại TPHCM, các sĩ tử đợt 2 tiếp tục khăn gói đến trường ngay từ sớm. Đề thi sáng nay khá nhẹ nhàng nên đa số sĩ tử cũng ra về rất sớm với tâm trạng hồ hởi.

Dạo quanh các địa điểm thi của ĐH Nông Lâm, ĐH An ninh, ĐH Khoa học Tự nhiên (cơ sở Linh Trung), ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng và cơ sở Linh Trung), THCS Linh Trung, THCS Lê Quý Đôn, THPT Thủ Đức… phóng viên Dân trí nhận thấy thí sinh và phụ huynh đến từ rất sớm. 5g sáng mà tại cổng các trường đều có vài chục người chờ đợi. 

Đề nhẹ nhàng, nhiều thí sinh ra sớm - 2

Phụ huynh đến từ rất sớm tại điểm thi trường ĐH Nông lâm.

Ngay các đồng chí cảnh sát tương lai cũng hết sức nôn nao phải đến sớm. Đó là các sĩ tử trường ĐH Cảnh Sát Nhân Dân. Ngay từ 5g sáng đã có hơn trăm thí sinh đến trường. Rất may là trường mở cửa từ sáng sớm. Tại địa điểm này, phụ huynh chỉ được đưa con đến và ra về, không được chờ đợi quanh khu vực cổng trường. 

Thầy Nguyễn Văn Công - Trưởng phòng đào tạo, cho biết: “Vì lượng thí sinh tham gia dự thi rất đông nên phải làm vậy để đảm bảo an ninh. Năm nay trường có gần 12.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 420 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi là 1/30”. Sáng nay, đoàn Thanh tra của Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT do Thanh tra viên chính Đinh Nhất Linh dẫn đầu cũng đã đến thanh tra địa điểm thi này nhưng không phát hiện ra sai phạm nào. 

Có lẽ do chuẩn bị kỹ lưỡng, đến phòng thi sớm, tạo tâm lý thoải mái nên buổi thi sáng nay diễn ra rất thuận lợi với nhiều thí sinh. Tại khu vực Thủ Đức, thí sinh ra về đầu tiên vào lúc 9 giờ kém 10 là thí sinh Phan Anh Kiệt, quê ở Kon Tum. Em Kiệt thi khối B (sáng nay thi môn Sinh). Theo em, đề thi môn Sinh bám sát chương trình học, có câu dễ, câu khó nên phân loại thí sinh tốt. 

Tại địa điểm thi trường ĐH KHXH&NV, cơ sở Đinh Tiên Hoàng (quận 1), ngay từ 9g30’ thí sinh đã lác đác ra về, dù các em thi môn Văn, thời gian làm bài đến 180’, còn đến 1 tiếng 30 phút mới hết giờ. Em Dương Thanh Vân ngụ tại quận 10 (TPHCM) thi vào khoa Đông Phương học ra khỏi cổng trường vào lúc 9g35’ cho biết: “Đề khá dễ, nằm hết trong chương trình ôn tập nên không có gì bất ngờ”. 

Tại địa điểm thi này có 3 thí sinh khiếm thị đăng ký dự thi nhưng sáng nay chỉ có 1 thí sinh là em Huỳnh Hữu Cảnh, quê tại An Giang đến thi. Em Cảnh là học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài ra, trường ĐH KHXH&NV TPHCM năm nay có đến 68 thí sinh người nước ngoài thuộc các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Uzbekistan… tham dự kỳ thi tuyển sinh. Hầu hết trong số đó dự thi vào khoa Việt Nam học. (Tùng Nguyên - Đoàn Quý - Nguyên Tuấn - An Hội - Phước Tuần)

Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Sử (khối C) và Toán (khối D).

Hồng Hạnh