Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương:

Tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị

(Dân trí)- Chiều 2/2, hội thảo thi ca nằm trong khuôn khổ liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra với sức “nóng” từ các bài tham luận của các nhà thơ trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam mở đầu buổi hội thảo bằng diễn văn mang tính chất đề dẫn có tên “Vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị” khẳng định: “Thiền định dạy chúng ta phép vệ sinh tinh thần trong trạng thái tĩnh. Thơ ca dạy ta phép nuôi dưỡng tâm hồn trong tư thế động. Đó là vẻ đẹp của tư tưởng nhập thế Phương Đông. Và hiệu ứng xã hội mà nó mong đạt tới là đồng điệu và gắn kết.

 

Về điều này, Thơ ca không cần phải cạnh tranh với tôn giáo, bởi chính nó đã là một tôn giáo. Tôn giáo của niềm tôn vinh con người. Vì thế, còn con người thì còn thơ ca. Mọi dự báo ảm đạm về số phận của thơ ca chỉ là sự rên rỉ bất tài và tuyệt vọng không lối thoát”.


Tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị  - 1
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị.

Thay mặt chính quyền đại phương, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đọc diễn văn chào mừng. Liên hoan và hội thảo thơ diễn ra tại Hạ Long là một niềm vinh dự của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Là người yêu thơ, ông cảm thấy thông diệp hòa bình và hữu nghị giữa các nước của festival, hy vọng nhân loại sẽ biết đến thi ca và tâm hồn châu Á sâu sắc hơn nữa qua festival và hội thảo này. Ông cũng cảm ơn các nhà thơ quốc tế đã dành cho Hạ Long những áng thơ bất hủ, đã đem đến cho Hạ Long niềm vinh hạnh và cổ vũ to lớn.

 

Thể hiện sự trân trọng và chuẩn bị chu đáo cho buổi hội thảo tại Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, giáo sư - nhà thơ/dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (đoàn Trung Quốc) đã đọc bản tham luận bằng tiếng Việt với những vấn đề “bếp núc” của thơ và dịch thơ. Nhà thơ Chúc Ngưỡng Tu khẳng định: “Việt Nam là đất nước nên thơ, con người Việt Nam là người yêu thích thơ. Trong tiếng Việt, thơ không những là một danh từ, mà còn chuyển nghĩa sang một tính từ, nó chỉ một cái gì đó rất đẹp, ví dụ “nên thơ”, “thơ mộng”..., ta có thể nói phong cảnh nên thơ, phong cảnh rất thơ, phong cảnh thơ mộng, mối tình thơ mộng…Tại miền Trung Việt Nam, có cả nón bài thơ hoặc nón thơ chỉ loại nón mỏng, trắng, soi thấy các hình trang trí ở bên trong, trông rất đẹp. Miền Nam Việt Nam thậm chí có cả tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ”.


Tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị  - 2
Giáo sư - nhà thơ dịch giả Chúc Ngưỡng Tu: “Việt Nam là đất nước nên thơ, con người Việt Nam là người yêu thích thơ.
 

Nhà thơ Nga N. V. Pereiaxlov đã dành thời gian của mình kể lại một kỷ niệm vui về việc ông đã dịch bài thơ “Người đàn bà gánh nước sông” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đăng trên Tạp chí Văn học của Nga, đã được bạn đọc bình chọn là bài thơ dịch hay nhất trong năm 2011. Ông đã đọc nó để các bạn Việt Nam và quốc tế nghe cái nhịp, cái âm điệu Nga của bài thơ.

 

Với bản tham luận mang tên “Đức tin, bản sắc văn hóa và hòa bình”, nhà thơ tiến sĩ Mamta G. Sagar (đoàn Ấn Độ) mô tả kỷ ức của mình về đức tin tôn giáo, về vũ lực của tôn giáo này chống tôn giáo khác nhưng thơ ca và tình yêu đã chuyển hóa những bức tường kỳ thị thành những cánh cửa mà trên những bức tường ấy, con người hiểu nhau hơn nhờ thơ ca.


Tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị  - 3
Toàn cảnh buổi hội thảo thơ tại Festival Thơ châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Việt Nam khẳng định: “Thơ ca góp phần nâng cao chất lượng sống của con người”. Ông nói về sự ra đời bài thơ sớm nhất viết về Hạ Long của vua Lê Thánh Tông năm 1468, được tạc vào vách đá núi Truyền Đăng, nay gọi là núi Bài Thơ. Về sự kỳ diệu của thơ, về thơ bảo vệ tổ quốc nhưng cao hơn là thơ nâng cao chất lượng sống của con người ở bất cứ quốc gia nào: Ta mong mọi quốc gia bước lên những đỉnh cao mới/ Bằng những nấc thang không có máu người”.

 

Buổi hội thảo thơ đã diễn ra trong không khí hết sức cởi mở với tinh thần chia sẻ để mỗi một nhà thơ được bày tỏ những quan điểm sáng tác của mình về sức mạnh và giá trị của thi ca. Trước khi kết thúc buổi hội thảo chiều, nhà thơ Hữu Thỉnh trân trọng đề nghị các nhà thơ đại biểu hãy ký tên mình vào lá cờ Thơ để Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu giữ lâu đời.

 

Ngày hôm nay 3/2, chương trình hội thảo thi ca nằm trong khuôn khổ Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất sẽ tiếp tục diễn ra với thông điệp tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị đưa con người đến gần nhau hơn bằng tình yêu và những giá trị nhân văn cao cả.  Thế Cường - Phong Lan