“Ngày thơ Việt Nam” tại Cần Thơ:

Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu

(Dân trí) - Ánh trăng Rằm tháng Giêng tại Cần Thơ sáng soi bóng trên dòng sông Hậu khiến cho đêm thơ nhân dịp “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức tại đình Bình Thủy - cạnh bờ sông Hậu hiền hòa nhiều cảm xúc hơn.

Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 1
Khung cảnh sân khấu "rất thơ" trong đêm thơ tổ chức tại đình Bình Thủy (TP Cần Thơ)

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tối 6/2 (15 tháng Giêng), Cần Thơ tổ chức đêm thơ “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ X. Đêm thơ được Liên hiệp các Hội VHNT TP tổ chức ngay tại sân đình Bình Thủy đã thu hút đông đảo người yêu thơ đến xem và nghe ngâm những vần thơ hay.

Giữa hàng trăm người yêu thơ thì trên bầu trời, ánh trăng tròn Rằm tháng Giêng sáng vằng vặc soi bóng mình dưới mặt nước sông. Có thêm ánh trăng, dòng sông Hậu như hiền hòa hơn, một bụi hoa lục bình trôi ngang cũng làm người ta có nhiều cảm xúc, đặc biệt là với thơ.

Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 2
 Một tiết mục văn nghệ chào mừng "Ngày thơ Việt Nam" tại đêm thơ

Mở đầu đêm thơ với chủ đề “Mùa xuân, quê hương và biển đảo”, ông Lê Hùng Dũng- phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh những hồi trống khai mạc. Tiếp đó, nhà thơ Phan Huy - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ phát biểu khai mạc.

Trong bài phát biểu của mình, nhà thơ Phan Huy đã khẳng định: “Đêm thơ nguyên tiêu là dịp để người làm thơ bày tỏ lòng kính yêu với Bác Hồ, với Đảng; bày tỏ niềm yêu thương gắn bó với quê hương, đất nước, giống nòi, dân tộc, với những người chiến sĩ ngoài biển đảo xa xôi hay nơi vùng biên giới ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Đêm thơ đêm nay sẽ là cầu nối đôi bờ rung cảm của người làm thơ và công chúng yêu thơ; là niềm tin, là động lực để thơ ca Cần Thơ cùng phát triển với thơ ca cả nước”.
 
Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 3
      Nhà thơ Phan Huy- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ khẳng định: "Đêm thơ nguyên tiêu là dịp để người làm thơ bày tỏ lòng kính yêu với Bác Hồ, với Đảng, với quê hương, con người Việt Nam...".

Sau bài phát biểu khai mạc, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ (nhà thơ Xuân Thủy dịch thành bài Rằm tháng Giêng) được các nghệ sĩ ngâm mở đầu. Chỉ 4 câu thơ nhưng từng vần thơ trong bài thơ của Bác đã nêu lên được những vẻ đẹp của ngày Rằm mùa xuân với sông nước, với ánh trăng soi; và đêm thơ tại Cần Thơ cũng có những hình ảnh tương tự như vậy.


Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 4
                                                          Nghệ sĩ đang ngâm bài thơ "Một đêm trăng xuôi dòng sông Hậu" của tác giả Hồ Kiên Giang

Tiếp đó, nhiều bài thơ của các tác giả ở Cần Thơ lần lượt được ngâm lên: Cầu Cần Thơ, Một đêm trăng xuôi dòng sông Hậu, Thắp sáng đường thi, Trên vai Tổ quốc, Giấc mơ người lính đảo, Trăng Rằm và tuổi thơ, Trăng về phố thị, Thơ tình trên bong bóng, Sông nước miền Tây, Trần tình mùa xuân
 
Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 5
  Một tác giả quân đội da diết với bài "Giấc mơ người lính đảo" do chính ông sáng tác.
 
Những lời thơ hay như: Trăng về phố thị nửa đêm/ Nhẹ nhàng trăng rụng bên thềm thi nhân; Sông Hương, sông Hậu trôi về biển/ Thắp sáng đường thi tỏa bốn phương; Dòng sông bến nước con đò/ Mênh mang câu lý điệu hò vấn vương; Đêm da diết dòng sông trôi tuyệt lạ/ Rạng rỡ nguyên tiêu thánh thiện vô bờ… Những câu thơ hay cứ thế được ngâm lên đã mang nhiều cảm xúc bay bổng cho người nghe giữa đêm sáng trăng trên dòng sông Hậu nhẹ nhàng trôi.
Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 6
Tiếng sáo của người nghệ sĩ thổi sáo cũng da diết theo từng lời thơ được ngâm lên


Người yêu thơ trong đêm thơ không chỉ được nghe lời ngâm mà còn được thưởng thức những bài ca vọng cổ “đặc sản” miền Tây với lời được phổ từ những bài thơ hay. Đó là những Sông quê, Tết nguyên tiêu từ Tây Đô nhớ Bác, Người đi tìm hình của nước…được các nghệ sĩ cất lên giữa đêm trăng. Giữa những bon chen mệt mỏi cuộc sống, ai mà không một lần muốn được thả hồn mình theo câu ca, điệu lý tình quê với những lời vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng.

Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 7
Một nghệ sĩ thể hiện ngọt ngào bài vọng cổ "Ước nguyện đầu xuân", bài vọng cổ được tác giả Trần Tuấn Kiệt chuyển thể từ bài thơ "Người đi tìm hình của nước" của nhà thơ Chế Lan Viên
Với chủ đề “Mùa xuân, quê hương và biển đảo”, đêm thơ còn giao lưu với Đại tá, nhà thơ Khưu Ngọc Bảy (cựu chiến binh từng vận chuyển vũ khí trên đường Hồ Chí Minh trên biển) - một người lính cực kỳ yêu thơ. Qua giao lưu, nhà thơ Khưu Ngọc Bảy cho rằng: hiện nay các tác giả trẻ chưa viết nhiều về biển đảo quê hương.
Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 8
Người lính già yêu thơ Khưu Ngọc Bảy (giữa) nhắn nhủ với các tác giả trẻ rằng: "Cần phải có cái tâm và tấm lòng hướng ra biển đảo để có cảm xúc sáng tác về đề tài này".

“Để viết về biển đảo, chúng ta cần phải có cái tâm và tấm lòng hướng ra biển đảo thì sẽ có được những cảm xúc cần thiết cho sáng tác về đề tài này. Hy vọng trong thời gian tới, ngành văn học nghệ thuật sẽ xuất hiện những tác phẩm hay về biển đảo để làm rạng rỡ thêm cho quê hương Tổ quốc”- người lính già yêu thơ Khưu Ngọc Bảy nhắn nhủ.

Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 9
Một tác giả trẻ (áo trắng) tặng hoa cho nghệ sĩ ngâm bài thơ của mình trong đêm thơ
 
Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 10
Các tác giả có thơ được ngâm trong đêm thơ nhận quà lưu niệm từ Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ

21h đêm, đêm thơ kết thúc. Nhiều người dân ở Tây Đô cho biết, đã lâu lắm rồi, họ mới được thưởng thức một đêm thơ nhiều cảm xúc như thế. Đối với họ, dòng sông Hậu và những đêm trăng bình thường ngày nào nhưng qua thơ những điều bình thường ấy lại trở nên lạ và đẹp quá đỗi.

Cảm xúc với những vần thơ về trăng và dòng sông Hậu - 11
     Người yêu thơ lưu giữ những vần thơ hay cho riêng mình.

 

Huỳnh Hải