Siêu mẫu đầu tiên trên thế giới đánh mất sự nghiệp, mạng sống vì chất cấm
(Dân trí) - Gia Carangi là siêu mẫu sáng giá nhất giai đoạn cuối thập niên 70. Thế nhưng, cuộc đời của cô vô cùng ngắn ngủi vì lạm dụng chất cấm.
Trước khi nhiếp ảnh gia Peter Lindbergh đưa Naomi Campbell, Linda Evangelista, Tatjana Patitz, Christy Turlington, Cindy Crawford lên bìa tạp chí Vogue Anh vào tháng 1/1990, giúp họ trở thành những siêu mẫu biểu tượng, còn có một cái tên khác đã trở thành người tiên phong của siêu mẫu. Đó chính là Gia Carangi.
Gia Carangi được cho là siêu mẫu đầu tiên. Vẻ đẹp quyến rũ cùng vóc dáng chuẩn mực giúp cô trở thành sự lựa chọn yêu thích của nhiều nhà thiết kế thời trang. Carangi đã mở đường cho thế hệ siêu mẫu ở các thập niên kế tiếp, đơn cử như Cindy Crawford - người được gọi là "Baby Gia" khi gia nhập làng mốt vào năm 1985.
Thế nhưng, đằng sau hậu trường, cuộc đời của Gia Carangi vô cùng bi kịch vì lạm dụng chất cấm.
Người tiên phong
Gia Carangi (tên đầy đủ Gia Marie Carangi) sinh năm 1960 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Philadelphia, Mỹ.
Cha mẹ Carangi chia tay vào năm 1971. Gia đình không hạnh phúc đã ảnh hưởng đến thái độ sống của Carangi, gián tiếp đẩy cô vào con đường nghiện ngập sau này.
Vào cuối những năm 1970, Gia Carangi được nhiếp ảnh gia địa phương Maurice Tannenbaum phát hiện tại một hộp đêm. Ngay lập tức, Tannenbaum bị thu hút bởi vẻ ngoài khác lạ của Carangi: Làn da ngăm, phong cách tomboy (người nữ thích ăn mặc, làm tóc giống nam giới), số đo ba vòng 34-24-35inches (khoảng 86-61-89cm) cùng gương mặt hoàn hảo.
Gia Carangi không giống bất kỳ khuôn mẫu nào về sắc đẹp trong ngành công nghiệp thời trang lúc bấy giờ. Khi ấy, những cô gái xinh đẹp, yểu điệu với tóc vàng, mắt xanh luôn được ưa chuộng. Còn Carangi có màu tóc nâu, màu mắt nâu cùng vẻ đẹp phóng khoáng, cá tính và thái độ sống táo bạo.
Maurice Tannenbaum yêu cầu Gia Carangi tạo dáng trên sàn diễn để chụp vài kiểu ảnh. Sau đó, cô xuất hiện trên chuyên mục quảng cáo của báo chí địa phương, trước khi đến New York (Mỹ) vào năm 17 tuổi.
Chân dài sinh năm 1960 chia sẻ: "Tôi bắt đầu làm việc với những người rất giỏi. Ý tôi là mọi thứ diễn ra rất nhanh. Tôi không được tạo ra từ thế giới người mẫu. Tôi chỉ phần nào trở thành một người trong số họ".
Tại New York, Gia Carangi gặp Wilhelmina Cooper - người sáng lập công ty quản lý người mẫu Wilhelmina Models. Cô được ký hợp đồng ngay lập tức.
Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp người mẫu, Gia Carangi đã đi ngược những khuôn mẫu, quy tắc bằng thái độ sống táo bạo. Cô tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp thời trang cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 bằng vẻ ngoài độc đáo, đầy mê hoặc của chính mình.
Nhiếp ảnh gia thời trang hàng đầu - Francesco Scavullo - nhận xét về Gia Carangi: "Cô ấy sở hữu một thứ gì đó mà không cô gái nào có được. Tôi chưa bao giờ gặp một thiếu nữ như vậy. Cô ấy mang thân hình hoàn hảo để làm người mẫu: Đôi mắt, khuôn miệng, mái tóc và một thái độ bất cần".
Siêu mẫu đầu tiên
Tháng 10/1978, Gia Carangi có buổi chụp hình thời trang lớn đầu tiên do nhiếp ảnh gia Chris von Wangenheim thực hiện. Một trong số những tấm ảnh được chụp đã xuất hiện trên tạp chí Vogue Mỹ, số báo tháng 1/1979, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp người mẫu của Carangi.
Vào cuối buổi chụp, Wangenheim yêu cầu Gia Carangi chụp ảnh khỏa thân, tạo dáng phía sau hàng rào dây xích. Tấm ảnh này đã trở thành huyền thoại trong sự nghiệp người mẫu của Carangi.
Loạt ảnh chụp đột phá của Gia Carangi do nhiếp ảnh gia Chris von Wangenheim thực hiện giúp tên tuổi cô nhanh chóng nổi tiếng. Chân dài sinh năm 1960 trở thành người mẫu cho nhiều thương hiệu thời trang như Versace, Christian Dior, Giorgio Armani, Levi's, Yves Saint Laurent…
Gia Carangi có ảnh bìa đầu tiên là chụp cho tạp chí Vogue Anh, số báo tháng 4/1979, chỉ sau một thời gian ngắn cô ra mắt thông qua bài xã luận đăng trên tạp chí Vogue Mỹ.
Đến tháng 4/1979, Gia Carangi xuất hiện trên trang bìa tạp chí Cosmopolitan trong bộ bodysuit (áo liền quần) của Lycra. Ảnh bìa do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Francesco Scavullo thực hiện. Scavullo đã chụp ảnh bìa cho Cosmopolitan hơn 30 năm. Ông xem Carangi là nàng thơ và giới thiệu cô trên 5 trang bìa Cosmopolitan khác nhau từ năm 1979 đến năm 1982.
Ở tuổi 18, Gia Carangi có thể kiếm được 100.000 USD mỗi năm. Cô vượt trội hơn bất kỳ người mẫu nào khác cùng thời điểm đó. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thời trang nhìn nhận Carangi là siêu mẫu đầu tiên trên thế giới.
Gia Carangi từng chia sẻ về tài năng của mình: "Một người mẫu phải tạo ra được nhiều kiểu tâm trạng. Bạn phải cẩn thận để không bị mắc kẹt trong một tâm trạng nào đó. Cảm xúc cũng có xu hướng giống như thời trang. Tôi trở thành bất kỳ thứ gì mà mắt bạn muốn nhìn thấy. Đó là công việc của tôi".
Bi kịch do lạm dụng chất cấm
Gia Carangi là người đồng tính nữ. Trong một số trường hợp, cô tỏ ra hung hăng nhưng lúc khác lại dễ bị tổn thương. Nữ siêu mẫu luôn cảm thấy cô đơn, khao khát được yêu thương. Sau giờ làm việc, cô trở về căn hộ một mình và không ngừng tìm kiếm tình yêu.
"Cuối cùng thì tôi cũng thật sự bắt đầu tìm hiểu sự khác biệt. Có lẽ tôi đang khám phá xem mình là ai. Hoặc có lẽ tôi lại bị ném đá một lần nữa", Carangi thừa nhận về bản thân.
Áp lực của sự nổi tiếng, cuộc sống cô độc đã khiến Gia Carangi rơi vào con đường nghiện ngập.
Tháng 3/1980, Wilhelmina Cooper qua đời vì ung thư phổi. Đối với Gia Carangi, đây là cú sốc lớn bởi cô xem Wilhelmina như người mẹ thứ hai.
Trước đó, mặc dù nữ siêu mẫu đã thường xuyên dùng cocaine trong phòng tắm ở các hộp đêm, thói quen này diễn ra liên tục hơn sau khi Wilhelmina mất. Thậm chí, cô còn tiêm chích ma túy. Người ta không còn xa lạ về việc Carangi dùng ma túy trong giờ giải lao giữa những buổi chụp.
Trong một buổi chụp ảnh cho tạp chí Vogue, Gia Carangi đã bỏ trốn qua cửa sổ. Dù tức giận, đội ngũ của tạp chí vẫn cho cô cơ hội thứ hai.
Tạp chí Vogue số báo tháng 11/1980 gây tranh cãi với các tấm ảnh của Gia Carangi. Nhiều người cho rằng, có thể nhìn thấy dấu vết do lạm dụng ma túy xuất hiện trên cánh tay nữ siêu mẫu, dù ảnh đã được chỉnh sửa.
Việc lạm dụng ma túy khiến Gia Carangi gặp khó khăn để được nhận làm việc. Chỉ duy nhất nhiếp ảnh gia Francesco Scavullo đồng ý đặt lịch cô. Ở một buổi chụp, stylist trong ê-kíp đã nói to: "Còn thứ khủng khiếp trên tay cô ấy phải làm sao đây? Nó trông giống như một ngọn núi lửa".
Gia Carangi cố gắng cai nghiện ma túy nhưng đã bỏ cuộc sau khi nhận được hung tin người bạn thân - nhiếp ảnh gia thời trang Chris von Wangenheim - qua đời trong một tai nạn xe hơi.
Quá trình Carangi trở thành siêu mẫu và bị thất sủng được Stephen Fried viết lại trong cuốn sách Thing of Beauty. Theo nội dung từ sách, nữ siêu mẫu đã tự nhốt mình trong phòng tắm suốt nhiều giờ để sử dụng heroin.
Các công ty quản lý người mẫu ở New York đưa Gia Carangi vào "danh sách đen". Mặc dù vậy, một số tạp chí thời trang vẫn cho nữ siêu mẫu cơ hội cuối cùng.
Ảnh bìa cuối cùng của Gia Carangi chụp cho tạp chí Cosmopolitan vào năm 1982. Nhiếp ảnh gia Francesco Scavullo đề nghị cô đặt tay bên dưới váy để che đi những dấu vết do sử dụng heroin.
Gia Carangi rời khỏi công ty quản lý, cố gắng duy trì hoạt động nhưng vẫn không thể tìm được việc làm. Không còn ai muốn đặt lịch cô. Nữ siêu mẫu quyết định trở về nhà ở Philadelphia để sống với mẹ trong khoảng thời gian cuối cùng tìm được sự tỉnh táo.
Tháng 11/1986, siêu mẫu Gia Carangi qua đời ở tuổi 26 do các biến chứng liên quan đến AIDS. Cô trở thành siêu mẫu đầu tiên của Mỹ qua đời vì căn bệnh thế kỷ.
Tin tức Gia Carangi mất không được tiết lộ nên không ai trong lĩnh vực thời trang đến dự tang lễ. Nhiều tuần sau đó, nhiếp ảnh gia Francesco Scavullo gửi thiệp chia buồn khi biết tin Carangi qua đời.
Cuộc đời và sự nghiệp đầy biến động của Gia Carangi trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim Gia (1998) của HBO, do Angelina Jolie thủ vai chính.
Angelina Jolie nhận xét về Gia Carangi: "Khi được tự do và là chính mình, Gia thật đáng kinh ngạc. Đó chính là bi kịch trong câu chuyện của cô ấy. Bạn nghĩ xem, cô ấy không cần dùng ma túy đâu, mà cô ấy chính là chất gây nghiện".