Tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007:

“Em tự hào vì mình là người Dân tộc Tày…”

(Dân trí) - Hoàng Nhung (dân tộc Tày) đã vượt qua 46 thí sinh đại diện cho 24 dân tộc đến từ khắp nơi trong cả nước giành vương miện Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2007. Ngay sau khi đăng quang, tân hoa hậu Hoàng Nhung đã có cuộc trao đổi với riêng với chúng tôi.

Xin chúc mừng Nhung đã đoạt vương miện hoa hậu trong đêm nay! Cảm xúc của tân hoa hậu lúc này như thế nào?

 

Em thật sự xúc động, thật sự bất ngờ và vô cùng hạnh phúc, sung sướng khi mình được bước lên bục cao nhất của cuộc thi hoa hậu các dân tộc trong đêm nay.

 

Niềm hạnh phúc này, ai là người được Nhung chia sẻ đầu tiên?

 

Em xin chia sẻ niềm vui này với ba mẹ ở ngoài quê và đồng bào dân tộc Tày thân yêu của mình. Em cũng xin chia sẻ niềm vui này đến tất cả các bạn thí sinh. Các bạn đại diện cho dân tộc mình về đây đã là những người đẹp và thực sự tài năng rồi. 

 

Trông Nhung không những đẹp mà còn rất chững chạc. Không biết 10 năm trước đây, cô bé Nhung như thế nào nhỉ?

 

Lúc còn nhỏ, Nhung là một con bé tóc ngắn, lúc nào cũng đầu trần ra đồng bắt cá tôm, váy dính bùn lem luốc. 

Nguyễn Thị Hoàng Nhung, 21 tuổi, người dân tộc Tày, tỉnh Thái Nguyên. Sinh viên năm thứ 3 Khoa quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội.

 

Cao 1m68, nặng 52k  số đo 3 vòng: 82-61-88. Năng khiếu: Múa

 

Sở thích: thích các lễ hội truyền thống của quê hương.  Ước mơ trở thành người quản lý văn hóa giỏi.

 

Giải thưởng cho Hoa hậu là vương miện và phần thưởng 100 triệu đồng cùng quà tặng của BTC. Một suất học bổng trị giá 7.000 USD tại trường Cambridge Business School của Singapore.

 

Trước khi đêm chung kết diễn ra, Nhung có nghĩ mình sẽ là người đăng quang hoa hậu không?

 

Đây thật sự là một kết qủa bất ngờ, bởi em đến với cuộc thi này không quan trọng là phải đoạt giải, tranh vị thứ mà em chỉ mong muốn cố gắng hết sức mình để đem niềm hạnh phúc về cho đồng bào dân tộc mình. Rất khó dự đoán ai là người xuất sắc nhất. Mỗi bạn đều có sự cố gắng riêng, tuy nhiên em là người có phần may mắn hơn trong đêm nay.

 

Đến với cuộc thi này, em được làm quen với nhiều bạn mới đến từ các dân tộc khác nhau. Thông qua các bạn, em được biết nhiều nền văn hóa của các dân tộc khác nhau. Cuộc thi thật ý nghĩa và thú vị, qua các phần thi thể thao, nấu ăn, … em và các bạn dân tộc Chứt, Ch’ro, K’hor… đã quen và thân nhau, thật sự sau cuộc thi này mà chia tay nhau thì rất nhiều tình cảm quyến luyến.

 

“Em tự hào vì mình là người Dân tộc Tày…”  - 1
 Hoàng Nhung trình diễn trang phục dạ hội

 

Trong phần thi năng khiếu lần trước, Nhung trình diễn rất ấn tượng điệu múa “Thiếu nữ bên hoa đào”, phải chăng đó là kết quả của sự khổ luyện?

 

Người dân tộc Tày của em có lễ Lầu Then, các thiếu nữ trong trang phục truyền thống múa đèn, quạt trong lễ hội này. Là một sơn nữ trong lễ hội văn hóa dân tộc, em cũng thường xuyên tập luyện nên năng khiếu nổi trội của mình là những bài múa truyền thống. Do vậy, đến với cuộc thi này, em mang một điệu múa truyền thống trong lễ hội ở quê hương để trình diễn cho mọi người thấy được nét đẹp của văn hóa dân tộc Tày.

 

Trong bài múa “thiếu nữ hoa anh đào” em đã tập nhiều trong các lễ hội ở quê nhưng đến với cuộc thi này, em cũng phải tập lại một cách kỹ lưỡng hơn. Do hoa anh đào là một biểu tượng thiên nhiên không thể thiếu của người Tày vì vậy trong những ngày qua, em phải tranh thủ đi quanh các vườn hoa Đà Lạt để chọn một nhành đào đem về biểu diễn phụ họa.

 

Cơ duyên nào đưa Nhung đến với cuộc thi này?

 

Khi Ban tổ chức gửi thư mời đến trường từ đầu tháng 5/2007, nhà trường đã cử em và 3 bạn nữa đi thi. Qua vòng bán kết khu vực miền bắc chỉ còn lại mình em được đi tiếp. Trong những ngày tập luyện ở đây, được Ban tổ chức quan tâm động viên và sự chỉ bảo của các thầy cô làm cho em cảm thấy tự tin hơn. Tại cuộc thi này, trong những ngày ở Đà Lạt, kỷ niệm mà em nhớ nhất là phần thi cưỡi ngựa. Tuy ở vùng cao nhưng chưa bao giờ em được cưỡi ngựa, đến với Đà Lạt, được cưỡi ngựa chạy vòng trên những đồi cỏ xanh non thật thích thú vô cùng. 

 

Tình yêu có vị trí như thế nào trong cuộc sống của tân hoa hậu?

 

 (Cười… e thẹn) Nhung rất trân trọng những tình cảm chân thật, nếu hợp thì đến với nhau. Con gái dân tộc Tày thường rất coi trọng duyên số. Hiện nay, Nhung vẫn còn vẫn chưa có người yêu. Hôn nhân là do trời định, gặp nhau, nếu cảm thấy hợp thì tiến đến hôn nhân.

 

 

“Em tự hào vì mình là người Dân tộc Tày…”  - 2
 Hoàng Nhung (giữa) cùng những người đẹp đoạt giải trong đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc VN 2007

Đoạt vương miện hoa hậu, Nhung sẽ làm gì để tương xứng với danh hiệu cao quý đó của mình?

 

Tương lai không ai đoán trước được nhưng em sẽ làm hết sức mình với hiện tại. Trước hết, em sẽ tiếp tục cố gắng học tập đồng thời em sẽ cố gắng hết sức để đi đến những vùng sâu vùng xa để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Hai lần là sinh viên tình nguyện đến các vùng xa, nhìn những thiệt thòi của tuổi trẻ dân tộc thiểu số nơi đó, có nơi cả làng không có một cái ti vi để xem. Những lúc đó, em càng thấy trách nhiệm của mình, càng yêu đồng bào dân tộc mình bao nhiêu em càng nguyện học thật giỏi, mong trưởng thành để đem chút công sức xây dựng bản làng mình.

 

Nhưng sau khi đoạt được vương miện hoa hậu, Nhung sẽ được một suất học bổng đi du học. Đi xa quê hương, cuộc sống thay đổi… liệu ước mơ “bé bỏng” ngày nay có còn giữ được Nhung trước sức hút của nhịp sống hiện đại, phồn hoa không?

 

Ra đi để mang về. Ra đi nhưng vẫn đóng góp cho quê hương là việc nên làm. Em sễ quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Tày sẽ được mọi người biết đến.

 

“Em tự hào vì mình là người Dân tộc Tày…”  - 3
 Tân Hoa hậu trong vòng vây của báo giới

 

Nếu được chọn là sứ giả của Việt Nam quảng bá hình ảnh của đất nước, em sẽ nói gì với bạn bè quốc tế?

 

Việt Nam là đất nước tươi đẹp với một nền văn hóa đa dạng và phong phú. Hãy đến với Việt Nam. Em rất vinh dự và tự hào khi giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng: Nhung là người dân tộc Tày đến từ đất nước Việt Nam. Nền văn hóa truyền thống của dân tộc Tày rất đa dạng, đặc sắc và mang đậm bản sắc riêng. Hãy đến và khám phá nền văn hóa dân tộc Tày và văn hóa các dân tộc anh em.

 

Các danh hiệu khác thuộc về các thí sinh sau:

 

Á hậu 1: Trương Thị May, 19 tuổi, dân tộc Khơ me, đến từ tỉnh An Giang. phần thưởng 30 triệu đồng, quà tặng và suất học bổng 3000 USD.

 

Á hậu 2: H’Rô Ni Buôn Ya, 18 tuổi, dân tộc Ê đê, tỉnh Đăk lăk. giải thưởng 20 triệu đồng, suất học bổng 3.000 USD.

 

Các danh hiệu hoa hậu Thân Thiện, Tài năng, Du Lịch, Miền Sơn Cước phần thưởng 15 triệu đồng, học bổng 3.000 USD.

 

Hoa hậu Thân Thiện: Lâm Bảo Trân, 23 tuổi, dân tộc Hoa, tỉnh Kiên giang.

 

Hoa hậu Tài Năng: Hoàng Thu Thảo, 23 tuổi, Nùng, tỉnh Lạng Sơn.

 

Hoa hậu Du lịch: Trần Thị Kim Hoa, 19 tuổi, dân tộc Kinh, tỉnh Long An.

 

Hoa hậu Miền Sơn Cước: Kra Jan Jut Jui, 22 tuổi, Cơ ho, tỉnh Lâm Đồng.

 

Các giải thưởng khác phần thưởng 5 triệu đồng và quà của nhà tài trợ.

 

Người đẹp Hoa Sen- Người có khuôn mặt khả ái nhất: Vương Thị Hoa, 19 tuổi, dân tộc la Chí, tỉnh hà Giang.

 

Người đẹp hoa Tulip - Người có làn da đẹp nhất: Lò Thị Hà, 18 tuổi, dân tộc thái, tỉnh Sơn la.

 

Người đẹp hoa Anh Đào- Người có phong cách trình diễn hay nhất:  Phạm Thị Thanh Phương, 20 tuổi, dân tộc Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

 

Người đẹp Mimoza - Người có nụ cười đẹp nhất: Bùi Thanh Hương, 20 tuổi, Mường, tỉnh Hòa Bình.

 

Người đẹp Hoa Hồng - Người có thân hình đẹp nhất: Mai hải Anh, 20 tuổi, Kinh, tỉnh Khánh Hòa.

 

Người đẹp hoa Phong lan - Người ăn ảnh nhất: Siu Ngơi, 22 tuổi, dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia lai.

 

Người đẹp Hoa Hướng Dương - Người góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc: Thông Qua thị Mây, 22 tuổi, Chăm, tỉnh Bình Thuận.

 

Người đẹp hoa Mai - Người có trang phục ấn tượng nhất: Sơn Thị Ngọc Thủy, 20 tuổi, Khơ me, tỉnh Vĩnh Long.

 

Người đẹp Hoa Cẩm Chướng - Người có đôi mắt đẹp nhất: Hduyên Niê, 19 tuổi, Ê đê, tỉnh Đăk lăk.

 

Người đẹp Hoa Cúc - người năng động nhất: Trịnh Thị Hương, 24 tuổi, Dao, tỉnh Bắc Giang.

 

 

Công Quang