Nghệ sỹ giọng nữ cao Norah Amsellem (Pháp):

Chỉ có thể hiện đại hóa thành công opera “từ bên trong”

(Dân trí) - “Việc hiện đại hóa không hẳn sẽ mang đến một tác phẩm ưu việt. Nhưng không phủ nhận được, hiện nay đang có phong trào dựng các vở opera theo hướng hiện đại”, giọng nữ cao xinh đẹp Norah Amsellem đến từ Pháp chia sẻ.


Chỉ có thể hiện đại hóa thành công opera “từ bên trong”  - 1

Nghệ sỹ giọng nữ cao Norah Amsellem
 

Vở nhạc kịch “Nhà thờ đức bà Paris” (Notre Dame de Paris) của quê hương cô cũng được yêu thích ở Việt Nam. Vở nhạc kịch đó có khác gì với những vở opera cô thường diễn?

 

Nhà thờ đức bà Paris thực ra không phải một là một vở opera, nó là một vở kịch hát (opérette) thì đúng hơn. So với opera, kỹ thuật thanh nhạc cũng như yêu cầu dàn nhạc của opérette không phức tạp bằng. Chính vì thế, tôi không thấy có sự tương tự nào giữa vở kịch hát đó với những trích đoạn opera tôi sẽ trình diễn trong chương trình Hennessy năm nay cả. Tuy nhiên, có thể có chút chút giống nhau là trong Manon cũng có bối cảnh Paris tương tự như trong Nhà thờ đức bà Paris.

 

Khung cảnh Manon là thế kỷ 18, mang tính chất cổ điển rất cao. Có điều giờ đây khi dựng những vở, những trích đoạn như thế, chẳng hạn như ở Nhà hát opera quốc gia Vienna, chúng tôi cũng không dựng nghiêm ngặt, cổ điển như cũ nữa. Phần chính của vở có thể vẫn nguyên, nhưng những cảnh khác có thể có thay đổi chút, khác đi. Chúng tôi không mặc những trang phục xòe rộng như chúng từng thế vào thế kỷ 18 nữa. Quần áo đỡ rườm rà hơn khiến vở diễn gần với công chúng hơn. Khung cảnh cũng thay đổi. Có điều, con người, tình cảm, quan hệ của các nhân vật thì không thay đổi.

 

Nữ nghệ sĩ Norah Amsellem ngồi trên chiếc ghế dài, dưới ánh sáng ấm trong căn phòng nhỏ. Cô cân đối và cao hơn nhiều so với chiều cao trung bình của một phụ nữ Pháp.

Mái tóc vàng bông khiến nữ nghệ sỹ Pháp thêm giản dị và thanh khiết, không giống một Norah rực lửa trên hình bìa đĩa vở Carmen mà cô đã ký tặng một phóng viên ngay sau buổi họp báo. Những lọn tóc buông dài như câu chuyện nghề của cô mãi không dứt…

Có một xu hướng dàn dựng opera là “hiện đại” hóa vở. Chẳng hạn, một đạo diễn Thụy Điển khi sang Việt Nam dựng “La Bohème” đã thay đổi bối cảnh của nó. Trong vở, người ta thấy khung cảnh phố cổ Hà Nội, nhịp điệu đời sống Hà Nội với những mảng tường “made in VN” in hàng chữ “khoan cắt bê tông”. Theo cô, hiện đại hóa và nguyên chất cổ điển, xu hướng nào hiện đang thắng thế?

 

Tôi không nghĩ đến chuyện xu hướng nào đang thắng thế, càng không nghĩ đến chuyện cách nào đó sẽ hoàn toàn tốt hơn. Việc hiện đại hóa không hẳn sẽ mang đến một tác phẩm ưu việt. Nhưng không phủ nhận được, hiện nay đang có phong trào dựng các vở opera theo hướng hiện đại. Trong đó, khung cảnh hiện đại, nhân vật hiện đại dựa trên chính nền tảng đã có của nhân vật gốc trong vở opera. Họ vẫn cho rằng, khoác tấm áo hiện đại, gần thời đại đang sống, vở diễn sẽ dễ dàng đến với công chúng hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng vậy.

 

Để tác phẩm thành công theo tôi phụ thuộc vào ý tưởng được chuyển tải trong vở. Sự áp đặt thái quá từ bên ngoài sẽ làm méo mó nhân vật, khiến nó không còn hấp dẫn nữa.

 

Nhưng nếu một nhân vật opera cổ điển có nét tương đồng với hiện tại, thì việc hiện đại hóa nó lại thành công do đó là sự hiện đại hóa “từ bên trong”. Do đó, việc hiện đại hóa phụ thuộc vào tình cảm, tính cách nhân vật của chính vở opera đó.
 
 
Chỉ có thể hiện đại hóa thành công opera “từ bên trong”  - 2
Hình ảnh tại buổi họp báo chiều qua 20/4 giới thiệu những giọng hát cổ điển quyến rũ trên thế giới trong chương trình Hòa nhạc Hennessy.
Chương trình này sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn HN vào tối mai 22/4/2011.

 

Cá nhân cô đã tham dự một vở nào hiện đại nào như thế chưa?

 

Tôi đã làm việc đó với nhiều nhà sản xuất, nhiều nhạc trưởng khác nhau. Một trong số đó, vở Manon dựng tại Vienna, trong cảnh thứ hai, tôi đã mặc thứ quần áo hoàn toàn hiện đại hơn, không giống như trong vở diễn “nguyên bản”. Chỉ có điều, lời thoại của vở thì hoàn toàn nguyên chất, không được sửa đổi một tý nào.

 

Cảm giác của cô khi đến Việt Nam?

 

Tôi hạnh phúc được đến đất nước này qua chương trình Hennessy- một trong những chương trình hòa nhạc được mong đợi nhất châu Á. Khi tôi đặt chân đến đây, mọi thứ đều thuận lợi, từ thời tiết đến con người. Chỉ có điều tôi chỉ có 3 ngày ở đây, sau đó phải trở về Vienna để tiếp tục công việc của mình. Tâm trạng tôi giờ giống hệt tâm trạng, lời hát của nhân vật mà tôi sẽ trình diễn trong đêm nhạc tới. Đó là cô thiếu nữ Manon với lời hát “Tôi bước chân trên mọi nẻo đường”- sự phấn chấn của một thiếu nữ muốn khám phá thế giới. Tôi ước gì có nhiều thời gian hơn để khám phá đất nước xinh đẹp này.

 

Xin cảm ơn cô!

 

 

Giọng nữ cao Norah Amsellem đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng trong thế giới nhạc kịch nhờ khả năng cảm thụ sâu sắc tố chất kịch và những cảm xúc truyền tải vào từng nhân vật cô đảm nhiệm.

 

Sinh ra tại Paris (Pháp), Norah Amsellem bắt đầu tiếp cận với âm nhạc từ lúc năm tuổi khi học chơi đàn hạc và dương cầm, cũng như tham gia hát trong dàn hợp xướng nổi tiếng của trẻ em mang tên “Maitrise de Radio France”. Cô là cựu học viên Khóa đào tạo Nghệ sĩ trẻ Lindermand của nhà hát Metropolitan và là người giành được nhiều giải thưởng của các cuộc thi thanh nhạc uy tín. Hiện nay cô đang tiếp tục trau dồi, hoàn thiện kỹ thuật thanh nhạc với giáo sư Lorraine Nubar tại Thành phố New York và kỹ năng diễn xuất dưới sự hướng dẫn của giọng nữ cao nổi tiếng Renata Scotto.
 
 
Chỉ có thể hiện đại hóa thành công opera “từ bên trong”  - 3
 

Sau buổi công diễn đầu tiên từ lúc còn rất trẻ tại nhà hát Opera Metropolian ở New York, Norah Amsellem đã trình diễn trên sân khấu của những nhà hát danh giá nhất thế giới, trong đó có La Scala tại Milan, Nhà hát Opera San Francisco, Nhà hát Opera Hoàng gia Covent Garden London, Nhà hát Opera quốc gia Vienna, Nhà hát Opera quốc gia Munich, Nhà hát Opera quốc gia Berlin, Nhà hát Opera Bastile Paris, Nhà hát Liceu tại Barcelona, Nhà hát Teatro Real tại Madrid và nhiều nhà hát nổi tiếng khác.     

 

Bài: Lê Bình Minh
Ảnh: Đào Tuấn