Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Doãn Công

(Dân trí) - Bình Định từ một địa phương ít người biết, chỉ là điểm dừng chân, nay trở thành một điểm đến hấp dẫn, được nhiều báo, tạp chí, khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao.

Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, về quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.

Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước - 1

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh (Ảnh: Thành Hưng).

Du lịch Bình Định đã đảm bảo 3 tốt, 3 không

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay ngành du lịch đã triển khai và đạt được kết quả thế nào, thưa ông?

Đối với các mục tiêu chung và cụ thể mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định, đến nay ngành du lịch tỉnh đã triển khai và đạt được kết quả cụ thể sau:

Trong 9 tháng năm nay, ngành du lịch ước đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó khách du lịch quốc tế đạt 62.105 lượt tăng 20,6%, khách du lịch nội địa hơn 4,2 triệu lượt tăng 34,7%).

Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước - 2

Bãi biển TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Tổng thu du lịch 9 tháng năm nay, ước đạt 14.528 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 2,8 ngày (Nghị quyết đề ra là 3 ngày).

Về cơ sở lưu trú, hiện trên địa bàn tỉnh có 426 cơ sở lưu trú với tổng số phòng đạt 13.472 phòng. Trong đó, các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng đạt chuẩn bao gồm: 1 khách sạn 5 sao (1.200 phòng), 12 khách sạn 4 sao (1.674 phòng), 15 khách sạn 3 sao (840 phòng), 41 khách sạn 2 sao (1.175 phòng), 37 khách sạn 1 sao (658 phòng) và 320 cơ sở lưu trú đạt chuẩn du lịch (7.925 phòng). Riêng trong tháng 9 năm nay, tăng thêm 7 cơ sở lưu trú du lịch (homestay) quy mô nhỏ (89 phòng).

Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước - 3

Quy Nhơn được ví như "thiên đường biển đảo" ở miền Trung (Ảnh: Doãn Công).

Về doanh nghiệp lữ hành, hiện có 76 doanh nghiệp, tăng 117,1% (tăng 41 doanh nghiệp) so với năm 2021. Trong đó, 17 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, tăng 70% (tăng 7 doanh nghiệp) so với năm 2021 và 59 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, tăng 136,0% (tăng 34 doanh nghiệp) so với năm 2021. Du lịch Bình Định đảm bảo môi trường du lịch 3 tốt, 3 không.

Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước - 4

Bãi tắm Hoàng Hậu còn gọi là bãi Đá Trứng, nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) là điểm hút khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi đến thành phố biển Quy Nhơn (Ảnh: Doãn Công).

Những năm gần đây, Bình Định là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, song các sản phẩm du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, trong thời gian đến ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ðể tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với du khách gắn với đảm bảo môi trường du lịch 3 tốt, 3 không; tích cực thực hiện chương trình "mỗi người dân Bình Định là một đại sứ du lịch".

Phát triển thị trường khách du lịch kể cả nội địa (tập trung vào các thị trường lớn của tỉnh. Đồng thời, mở rộng thị trường khách du lịch tiềm năng khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long) và quốc tế (chú trọng thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Châu Âu).

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Theo đó, tập trung vào một số sản phẩm du lịch của địa phương như: phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh; du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng; các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và làng nghề.

Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Trong đó, ngành cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống giao thông và thu hút đầu tư các dự án du lịch và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước - 5

Một đoạn bờ thành ở gần bờ biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), một tháng chỉ lộ thiên vài ngày vẫn là một bí ẩn với du khách (Ảnh: Dũng Nhân).

Thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định, giữ gìn hình ảnh du lịch theo tiêu chí "an toàn, văn minh, thân thiện và hấp dẫn".

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, phát huy thế mạnh của kênh truyền thông mạng xã hội thông qua các cuộc thi ảnh đẹp, video clip du lịch Bình Định; thúc đẩy hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, xúc tiến, thương mại, du lịch Bình Định đến với thị trường quốc tế, trước mắt là các thị trường du lịch mục tiêu của tỉnh; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch Bình Định tại các sự kiện tổ chức trong nước, trong tỉnh; xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp chất lượng cao.

Phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu số; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các ứng dụng, phần mềm du lịch như: phần mềm quản lý lưu trú, ứng dụng du lịch Bình Định,…

Xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số hàng năm trong hoạt động du lịch; đẩy mạnh thực hiện mã QR code thuyết minh thông tin các di tích, tư liệu, hiện vật, điểm đến; triển khai đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý hiện vật, trưng bày ảo và thuyết minh ảo trong hoạt động bảo tàng.

Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, trong đó tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong hoạt động du lịch. Triển khai thực hiện các tiêu chí bổ sung về nâng cao chất lượng dịch vụ, vận động các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch tại các địa phương trong tỉnh.

Thưa ông, Bình Định phấn đấu năm 2023 đạt 5.000 triệu lượt khách, đến nay đạt bao nhiêu phần trăm so với kế hoạch?

Lũy kế 9 tháng năm 2023, lượng khách tham quan du lịch tại Bình Định ước đạt hơn 4,3 triệu lượt khách, đạt 86,4% so với kế hoạch cả năm.

Ông có thể cho biết thêm, đang là mùa du lịch thấp điểm, Bình Định có những chính sách gì để thu hút du khách đến Bình Định từ nay đến cuối năm?

Nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi phát triển du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng du lịch Bình Định đã đề ra năm nay, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Bình Định phối hợp triển khai với sự tham gia của 48 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, vận chuyển, nhà hàng, điểm đến… thực hiện chương trình kích cầu du lịch Bình Định mùa du lịch thấp điểm năm nay.

Cụ thể, đối với các đoàn khách, nhóm khách từ 20 người trở lên, các cơ sở lưu trú sẽ giảm giá phòng ít nhất 50% (đối với khách sạn), 30% (đối với resort) và giảm giá ít nhất 10% dịch vụ ăn uống và ít nhất 20% giá cho thuê hội trường so với giá niêm yết.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế, giảm giá ít nhất 30% lợi nhuận sau khi đã giảm giá các dịch vụ có trong chương trình tour; doanh nghiệp vận tải khách du lịch, giảm giá ít nhất 20% so với giá niêm yết.

Các cơ sở ăn uống, giảm giá ít nhất 5% đến 10%; khu, điểm du lịch, giảm giá ít nhất 10% dịch vụ ăn uống; giảm giá ít nhất 16-50% giá vé vào cổng; ít nhất 30-50% dịch vụ lưu trú trong khu, điểm du lịch và ít nhất 30% các dịch vụ khác so với giá niêm yết.

Tỉnh Bình Định đang thúc đẩy chuyển đổi số, hiện nay ngành du lịch đã áp dụng như thế nào, thưa ông?

Hiện Sở du lịch Bình Định đã triển khai thực hiện một số hoạt động chuyển đổi số như: thực hiện video hướng dẫn quy trình nộp thủ tục hành chính của Sở Du lịch và tích hợp trên mã QR; triển khai xây dựng "Chính quyền điện tử Sở Du lịch Bình Định"; triển khai xây dựng hỗ trợ thuyết minh ảo tại các điểm du lịch, làng nghề, di tích tích hợp trên Cổng thông tin du lịch Bình Định.

Tiếp tục cập nhật các cơ sở lưu trú; điểm mua sắm; địa điểm ẩm thực; điểm vui chơi, giải trí và khu, điểm đến du lịch; tổ chức Hội nghị tập huấn chuyển đổi số trong du lịch;  tiếp tục cập nhật các cơ sở lưu trú; điểm mua sắm; địa điểm ẩm thực; điểm vui chơi, giải trí và khu, điểm đến du lịch… tích hợp trên Cổng thông tin du lịch Bình Định.