“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực

(Dân trí) - Những tấm hình tuyệt đẹp về hiện tượng “tuyết dưa hấu” được các nhà khoa học Ukraine chụp gần một trạm nghiên cứu cũ của Anh (nay là của Ukraine) tại Nam Cực.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 1

Các nhà khoa học tại Nam Cực đã chụp những bức hình tuyệt đẹp về “Tuyết dưa hấu”.

Hiện tượng “tuyết dưa hấu” được cho là do loại tảo cực nhỏ Chlamydomonas nivalis tạo nên. Đây là loại tảo xanh quang hợp màu đỏ đơn bào, xuất hiện tại các vùng tuyết phủ trên dãy núi Alps và các vùng cực trên thế giới.

Tảo này có thể sống được trong nhiệt độ dưới 0 độ, khi thời tiết ấm lên tảo giải phóng ra các bào tử màu đỏ và xanh lá cây. Chúng tạo nên các mảng tuyết màu đỏ hoặc hồng rất lạ và đẹp mắt, nhưng được cho là không ăn được, thậm chí còn độc hại với con người.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 2

Hình ảnh “tuyết dưa hấu” được chụp gần một trạm nghiên cứu cũ của Anh trên đảo Galindez.

Hiện tượng “tuyết dưa hấu” tự nhiên vẽ lên trên vùng đất hoang sơ mênh mông tuyết trắng những mảng màu đỏ hoặc hồng pha xanh lá cây rực rỡ.

Những tấm hình đáng kinh ngạc về “tuyết dưa hấu” này được các nhà khoa học Ukraine chụp tại trạm nghiên cứu cũ Faraday của Anh trên đảo Galindez dài 0,8 km ở phía đông đảo Winter, thuộc quần đảo Argentina ở châu Nam Cực.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 3

Tảo Chlamydomonas nivalis.

Tảo Chlamydomonas nivalis cực nhỏ nhưng rất cứng. Tảo tạo ra các bào tử có khả năng sống tốt trong nhiệt độ thấp nên không những vẫn sống mà còn phát triển mạnh trong băng tuyết.

Khi thời tiết ấm lên như hiện đang là mùa hè ở Nam Cực, các chất dinh dưỡng có sẵn giúp cho bào tử nảy mầm. Điều đó kích hoạt tảo nở hoa, tạo nên các dải, mảng hoặc những túi nhỏ màu hồng nổi lên, trộn lẫn với sắc tố màu xanh lá cây mà tất cả loài tảo này đều có để tạo nên màu đỏ hoặc hồng trong tuyết như màu dưa hấu.

Một số người nói “tuyết dưa hấu” toả ra hương thơm nhẹ như của dưa hấu, nhưng vì sao như vậy thì vẫn chưa được lý giải.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 4

“Tuyết dưa hấu” phản chiếu ánh nắng mặt trời và có thể làm gia tăng tốc độ tan chảy băng tuyết.

Các nhà khoa học Ukraine cho rằng “tuyết dưa hấu” góp phần làm biến đổi khí hậu, bởi tuyết màu đỏ phản chiếu ít ánh nắng mặt trời hơn và tan nhanh hơn.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 5

“Tuyết dưa hấu” tại “lãnh địa” của chim cánh cụt.

Những tấm hình tuyệt đẹp về hiện tượng “tuyết dưa hấu” này được chụp gần trạm nghiên cứu cũ Faraday của Anh, đã được bán lại cho Ukraine với giá tượng trưng 1 Bảng Anh năm 1996. Nay tên trạm là Vernadsky và những hình ảnh “tuyết dưa hấu” này do Bộ Khoa học và Giáo dục Ukraine đưa ra.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 6

Các nhà khoa học Ukraine cho rằng “tuyết dưa hấu” góp phần gây biến đổi khí hậu.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 7

Trạm nghiên cứu tại Nam Cực nay mang tên Vernadsky.

“Tuyết dưa hấu” lạ kỳ tại Nam Cực - 8

Linh Lê

Theo Daily Mail