Gia Lai:

Sạp đồ “Ai thừa thì ủng hộ, ai thiếu đến lấy” làm ấm lòng người nghèo những ngày giáp Tết vùng cao

(Dân trí) - Hai tuần qua, tại góc nhỏ số nhà 47 Nguyễn Tất Thành (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) có đặt sạp đồ với dòng chữ “Ai thừa thì ủng hộ, ai thiếu đến lấy” cùng các vật dụng cần thiết để những hoàn cảnh nghèo khó có thể chọn và lấy về sử dụng.

Chủ nhân của sạp đồ này là chị Cao Thị Hồng Hạnh và một số người bạn (ngụ TP Pleiku). Chị Hạnh chia sẻ: “Mình đã nghe nói về mô hình từ thiện này có ở nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn nhưng ở các tỉnh Tây Nguyên thì lại chưa có, trong khi ở đây có rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Thấy mô hình cũng thiết thực và dễ thực hiện nên mình đã chung tay với người bạn Hải Nguyễn cùng làm sạp đồ này”.

Chị Hạnh luôn quan tâm, lo lắng và đồng cảm rất nhiều dành cho những mảnh đời bất hạnh. Chị đã tham gia hoạt động từ thiện thường xuyên từ 3-4 năm nay, thực hiện hàng trăm chuyến đi thiện nguyện, mang quà cho nhiều đối tượng: từ người nghèo, người khuyết tật rồi đến cả người trong trại thương điên. Quà có thể là gạo, nhu yếu phẩm, tiền,… nhưng chị cảm thấy quần áo cũ là thực tế nhất vì nó là nguồn quyên góp có sẵn trong mỗi gia đình, người nhận luôn cần và sử dụng được ngay.

Mọi người đến lấy đồ ở sạp quần áo từ thiện
Mọi người đến lấy đồ ở sạp quần áo từ thiện

Tây Nguyên là nơi địa bàn rộng và đường sá đi lại xa xôi, khó khăn nên nhiều khi các hoạt động từ thiện không bao quát được hết. Trái lại, sạp đồ như thế này sử dụng thông tin truyền miệng là chính để mọi người biết đến. Nó cũng được đặt ở trục đường chính, dễ tìm của thành phố nên những người nghèo hay người dân đồng bào không có phương tiện hay ở xa thì có thể nhờ người khác lấy hộ, hoặc ai có người thân còn khó khăn thì cũng có thể tự lấy ở đây để đem đi cho.

Bắt đầu từ 9/1, tới nay sạp đồ từ thiện này đã quyên góp được xấp xỉ 1 tấn quần áo, 20 đến 30 lượt người đến lấy mỗi ngày và càng lúc càng tăng. Người đến lấy không nhất thiết là người nghèo mà chỉ cần là người còn thiếu thốn, người đồng bào có nhu cầu đổi đồ cũ hay người có bạn bè, người thân còn gặp khó khăn,… thì đều có thể đến đây để lấy quần áo.

Chị Hạnh chia sẻ thêm: “Mình luôn tin tưởng vào lòng tự trọng của con người, ai có nhu cầu thực sự mới đến lấy đồ ở đây nên cũng không cần ai trông coi cả. Mọi người cũng lựa chọn rất kỹ đồ phù hợp với bản thân chứ không lấy thừa. Nhiều người lấy đồ nhiều vì gia đình họ đông, đến 6-7 người, họ lấy một thể chứ không thể bắt họ lấy lặt vặt, tốn công sức.”

Quần áo quyên góp chủ yếu đến từ sự vận động của nhiều tình nguyện viên trong câu lạc bộ từ thiện của tỉnh, từ sự ủng hộ mọi người xung quang và các Mạnh Thường Quân ở Pleiku, TP Hồ Chí Minh,… Những quần áo gửi về đây còn khá mới và được gấp gọn gàng, có cả đồ mùa đông và mùa hè nên có thể vừa dùng ngay vừa tiết kiệm cho năm sau.

Một sạp quần áo từ thiện khác vô danh cũng xuất hiện trên đường Nguyễn Tất Thành
Một sạp quần áo từ thiện khác vô danh cũng xuất hiện trên đường Nguyễn Tất Thành

Chị Hạnh cảm thấy rất vui khi những ngày gần đây có nhiều người chị không hề quen biết nhưng khi thấy sạp đồ từ thiện này thì đã tự nguyện về nhà gom đồ rồi thuê xe taxi chở đến đây, có người còn sẵn lòng bỏ nhiều thời gian để đứng xếp quần áo trên sạp gọn gàng, ngăn nắp. Như vậy, sạp đồ không những là địa chỉ tin tưởng để người nghèo đến lấy quần áo mà còn là nơi khơi dậy tấm lòng thiện, tinh thần “lá lành đùm lá rách” truyền thống của dân tộc ta.

Trên một đoạn khác của con đường này cũng có sạp đồ từ thiện vô danh không biết ai là chủ, từ đây đã thắp lên hy vọng rằng mô hình này có thể được nhân rộng ra và cứ làm mãi đến bao giờ có thể.

Chị Hạnh nghĩ rằng sạp đồ của mình cũng cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để thiết thực hơn: “Mình bắt đầu đặt thêm bánh mì và nước miễn phí để không chỉ người nghèo mà những người lao động vất vả cũng có chút gì đó ấm bụng khi đi qua đây. Ý tưởng viết thêm chữ đồng bào vào bảng tên cũng khá hay để những người đồng bào chưa biết tiếng Kinh có thể đọc được.”

Sạp đồ “Ai thừa thì ủng hộ, ai thiếu đến lấy” xuất hiện vào những ngày giáp Tết như làm ấm lòng mọi người nơi mảnh đất phố núi. Đó như một cơ duyên giúp người nghèo cũng có thể có áo mới để mặc Tết, để biết nơi đâu cũng có tình người, ai cũng được quan tâm…

Quốc Huy