Phụ nữ An Giang cùng nhau vươn lên thoát nghèo

Khôi Vũ

(Dân trí) - Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại An Giang đã thoát nghèo bền vững nhờ những chương trình hỗ trợ thiết thực.

Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện, đối tượng thụ hưởng là phụ nữ, trẻ em gái tại 34 khóm/ấp đặc biệt khó khăn thuộc 13 xã/thị trấn thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, An Phú và Thoại Sơn.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp phụ nữ; trong đó quan tâm đến các thành phần phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Qua 5 năm, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ 982 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiếp cận tín dụng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 2 Hợp tác xã do phụ nữ dân tộc quản lý, điều hành; Thành lập các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh, vừa để đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn vùng đồng bào dân tộc như: Tổ phụ nữ làm bánh Cà Tưm của phụ nữ Khmer, Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok của phụ nữ Chăm, Tổ phụ nữ may dân tộc Chăm, Tổ phụ nữ làm bánh dân tộc Chăm…

Phụ nữ An Giang cùng nhau vươn lên thoát nghèo - 1

Nghề dệt thổ cẩm của người phụ nữ Chăm tại An Giang đang được giữ gìn và phát triển (Ảnh: Toàn Vũ).

Kết quả, có 80 thành viên trong các tổ đã cải thiện đời sống , thu nhập trung bình 3.000.000 đến 5.000.000đ/tháng/thành viên, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên, phụ nữ.

Một ví dụ điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Hai ấp Phũm Soài và ấp Châu Giang là nơi sinh sống của bà con dân tộc Chăm với nhiều nét văn hóa đặc trưng. 

Từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Phong mở 4 lớp móc chỉ len thủ công ở 2 ấp. Tại ấp Phũm Soài, nghề dệt thổ cẩm được duy trì, không chỉ giúp nhiều phụ nữ Chăm có việc làm, mà còn phục vụ khách du lịch. Mới đây, xóm Chăm ấp Châu Giang hình thành Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok, một sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi phụ nữ Chăm dự nghi lễ, tiệc quan trọng.