An Giang:

Nông dân đổi đời nhờ trồng mồng tơi bán hạt

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bỏ lúa chuyển sang trồng cây mồng tơi lấy hạt, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành có cuộc sống khấm khá hơn. Trung bình một công đất trồng mồng tơi người dân có thể "bỏ túi" hơn 50 triệu đồng.

Nông dân đổi đời nhờ trồng mồng tơi bán hạt

Mồng tơi là loại rau ăn lá được trồng phổ biến ở Việt Nam. Lâu nay cây mồng tơi được người dân trồng hái lá ăn hoặc cắt ngọn bán chỉ vài ngàn đồng/kg chứ chẳng tính đến chuyện làm giàu. Thế nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, nông dân tại xã Tân Phú và Vĩnh Nhuận (Châu Thành- An Giang) đã chuyển trồng cây mồng tơi lấy hạt bán giá cao. Nhiều nông dân đã đổi đời cho nhiều hộ nông dân.

Trồng mồng tơi bán hạt lời cao hơn trồng lúa

Theo bà con địa phương, mồng tơi khi trồng có hạt chín sẽ được phơi khô và bán cho thương lái. Thương lái thu mua tiếp tục bán cho các cơ sở cây giống hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nông dân đổi đời nhờ trồng mồng tơi bán hạt - 1
Trồng mồng tơi lấy hạt giúp nông dân cải thiện thu nhập (Ảnh: Bảo Kỳ).

Dù chỉ mới chuyển đổi theo mô hình trồng mồng tơi lấy hạt được hơn 2 năm nay nhưng bà Trần Thị Lài, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có thể "đút túi" lợi nhuận cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo bà Lài, trước cây mồng tơi trồng chủ yếu để ăn lá, không ai nghĩ trồng mồng tơi mà giàu được. "Tuy nhiên khi thấy hạt mồng tơi dễ bán và mang lại lợi nhuận cao nên tôi quyết định chuyển 4 công đất lúa sang trồng mồng tơi thử", bà Lài cho biết.

Cũng theo bà Lài, mồng tơi là loại cây dễ trồng, khâu chăm sóc nhẹ nhàng, chi phí đầu tư thấp, giống được mua ở các cơ sở bán vật tư nông nghiệp trong huyện. Khi làm lúa xong thuê máy cày phơi đất hơn tuần lễ, rồi đem hạt mồng tơi sạ thành từng hàng, sau đó mua dây kẽm, cắm cọc giăng thành giàn như giàn để mồng tơi leo, sau 4 tháng là cho thu hoạch.

Nông dân đổi đời nhờ trồng mồng tơi bán hạt - 2
Hạt mồng tơi phơi khoảng 3,4 ngày thì khô lại, được thương lái thu mua với giá từ 95.000 đến 250.000 đồng/kg tùy thời điểm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vòng đời mồng tơi kéo dài đến 2 năm nhưng cứ 15 ngày thu hoạch một lần nên đỡ tốn chi phí cây giống.

Theo các hộ trồng mồng tơi, với một công đất (1.000m2) người dân có thể thu hoạch từ 700kg đến 1 tấn hạt. Hạt tươi phơi khoảng 3,4 nắng thì khô lại, trung bình cứ 8-10 kg hạt tươi sẽ cho ra một kg hạt mồng tơi khô. Mỗi kg được thương lái thu mua với giá từ 95.000 đến 220.000 đồng/kg, lúc đỉnh điểm giá lên đến 250.000 đồng/kg.

"Trước năm 2021, hạt mồng tơi bán có giá lắm. Trung bình nếu bán ra với giá 200.000 đồng/kg trừ hết chi phí đầu vào tôi vẫn còn lãi 100.000 đồng/kg. Đối với lúa phải trồng ít nhất 3,4 công mới có lời nhưng mồng tơi thì khác, một công đất thôi cũng đủ cho bà con dư dả từ 50 triệu đồng/công/năm", anh Phạm Bảo nói.

Lao động nông nhàn có thu nhập nhờ hái mồng tơi

Mô hình trồng mồng tơi phát triển sản sinh ra nhiều công việc cho lao động nhàn rỗi ở địa phương như thu hoạch hạt mồng tơi, cắt đọt (dọn bớt dây bò ở dưới mặt đất đưa lên giàn), mỗi công đoạn sẽ được trả thù lao khác nhau.

Nông dân đổi đời nhờ trồng mồng tơi bán hạt - 3
Lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm thu nhập nhờ công việc hái trái mồng tơi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tiền công được tính theo 2 dạng: thu hoạch mồng tơi tính theo sản phẩm, trung bình một kg hạt mồng tơi tươi được trả công 5.000 đồng. Còn cắt đọt mồng tơi thì tính theo giờ, làm từ 6h đến 12h trưa được trả 150.000/buổi. Bình quân một lao động có thể kiếm được từ 250.000 đến 300.000 đồng/ngày.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Phước Hiên, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành cho biết, tính đến hiện tại diện tích trồng mồng tơi của huyện Châu Thành là 8,7ha với tổng số 33 hộ canh tác, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú.

Theo ông Huỳnh Phước Hiên, mồng tơi trồng từ 4 tháng đã cho trái, vòng đời thu hoạch của cây mồng tơi khá lâu, một đợt trồng có thể kéo dài đến 2 năm. Nếu trồng trong thời gian 12 tháng mồng tơi đạt sản lượng trung bình 1,17 tấn/công/năm.