Người phụ nữ không hóa vàng suốt 10 năm vì thấy "không cần thiết"

Hồng Anh

(Dân trí) - "Tôi dừng đốt vàng mã không phải vì tiết kiệm. Tôi nghĩ đây là chuyện thuộc về thói quen và niềm tin của mỗi người. Bản thân tôi thấy đây là việc làm vô ích", chị. N. chia sẻ.

Người Việt có tục thờ cúng tổ tiên và lễ bái vào các ngày Rằm, mùng 1, lễ cầu an đầu năm… Trong các dịp này, với nhiều người hóa vàng mã là việc không thể không làm.

Chính vì vậy, khi Dân trí đăng tải bài viết "Bà nội trợ ở Hà Nội gây tranh cãi khi cúng lễ không bao giờ đốt vàng mã" , nhiều độc giả đã sôi nổi bày tỏ quan điểm cá nhân.

Người phụ nữ không hóa vàng suốt 10 năm vì thấy không cần thiết - 1

Với nhiều người, hóa vàng khi đi cúng lễ là điều không thể thiếu. (Ảnh: Dương Nguyên).

Sau khi đọc bài viết, chị T. H. N (38 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết cách đây 10 năm, chị nhận ra đốt vàng mã là không cần thiết. Trước đó, chị cũng thường mua vàng mã ở chợ về dâng cúng. Tuy nhiên, đời sống ngày một phát triển, thấy nhiều người từ bỏ việc dùng tiền thật mua tiền giả về đốt nên chị N. cũng làm theo.

Nhiều người cho biết, khi không đốt vàng mã, họ đã tiết kiệm được ít nhất tiền triệu mỗi năm. Xấp tiền vàng mã loại rẻ và đơn giản thường có giá từ 10.000-25.000 đồng. Ngoài ra, có những món vàng mã lên tới hàng trăm nghìn đồng tùy vào độ cầu kỳ, màu sắc, chất liệu... Tháng nào đều đặn cũng có ngày Rằm, mùng 1, các ngày lễ tiết quan trọng trong năm. Nếu tính chi phí để mua các loại "đồ giả" này thì con số là không hề nhỏ.  

Với riêng chị N., chị không quá để ý đến chuyện tiền nong. "Tôi dừng đốt vàng mã không phải vì tiết kiệm. Theo tôi, đây là chuyện thuộc về thói quen và niềm tin của mỗi người. Tôi thì cho rằng đốt vàng mã là việc làm vô ích nên suốt 10 năm qua đã dừng, không đốt nữa", chị. N. chia sẻ với Dân trí.

Người phụ nữ không hóa vàng suốt 10 năm vì thấy không cần thiết - 2

Nhiều người cho rằng, điều quan trọng nhất khi hướng về tổ tiền, Thần Phật là lòng thành kính. (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Bạn đọc Phạm Phương Mai bình luận: "Nhà tôi cũng không đốt vàng mã gần 10 năm nay rồi. Không lãng phí, không gây khói bụi, không nguy cơ cháy nổ. Điều quan trọng là sự an lành của tất cả mọi người. Tôi thường cúng những đồ thụ lộc được, hạn chế tối đa vứt bỏ đồ cúng".

Bạn đọc An Yên chia sẻ: "Nhà tôi từ đời ông bà đã không có lệ hóa vàng dù giỗ chạp, lễ nghi luôn đầy đủ. Ông tôi vẫn nói, tưởng nhớ cốt là ở tấm lòng người sống. Nếu thành tâm, chỉ dâng 1 nén hương cũng đủ, không thành tâm thì mâm cao cỗ đầy cũng vẫn là báng bổ".

Độc giả Quan Nguyen cũng đồng tình với việc bỏ vàng mã và thực hiện cúng bái đơn giản, không cầu kỳ bởi nếu bày vẽ ra thì những người phụ nữ trong gia đình sẽ vất vả nhất.

Nhiều ý kiến bình luận cũng cho rằng, với mỗi người, điều quan trọng nhất là cần tử tế khi còn sống. Tiền vàng mã đem đi từ thiện, nộp vào công đức còn ý nghĩa hơn gấp nhiều lần.

"Chỉ nên đốt tượng trưng, chứ nếu nhà nào cũng đốt ngựa, xe, nhà lầu biệt thự... thì chắc trái đất sẽ chết trước khi con cháu ta nhận được phúc lộc từ tổ tiên", một ý kiến chia sẻ.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ đa chiều, bạn Tín Phong viết: "Việc có hóa vàng khi cúng lễ hay không phụ thuộc vào nhiều điều: Thói quen, lối sống văn hóa… Chính vì vậy, người đốt vàng mã không có lý do gì mà lại lên án, chê bai người không đốt. Nếu ai đốt vàng mã mà gây ảnh hưởng sức khỏe người khác, ô nhiễm môi trường, cháy nổ thì bản thân người đó phải chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, nên có quy định và chế tài cụ thể".

Trên thực tế, không ít người vẫn hiểu lầm cho rằng đốt vàng mã là một nghi lễ trong đạo Phật. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt cho biết, đốt vàng mã là một tập tục có từ xưa của người Việt, ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Trong nghi lễ Phật giáo không hề có tục lệ đốt giấy tiền, vàng mã.

Trong các tài liệu tuyên truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng luôn khẳng định, nhiều người Việt có thói quen đốt vàng mã cho tổ tiên, người đã khuất vì cho rằng có một đời sống khác sau khi chết. Ngoài ra, hành động này xuất phát từ tâm thành kính, lo lắng, thương tưởng của người sống đối với người đã quá vãng, mong muốn cho người chết được đầy đủ và an vui.

Tuy nhiên, Phật giáo xem sự thể hiện "hiếu đạo" bằng việc đốt vàng mã là một hủ tục, vì việc làm này vô ích đối với người chết, chỉ lãng phí tiền của, công sức, gây ô nhiễm và nguy cơ hỏa hoạn.

Nhiều vị hòa thượng, đại đức khi được hỏi cũng đều đồng tình cho rằng, tục đốt vàng mã ngày nay đang dần bị biến tướng, mang màu sắc mê tín dị đoan. Chính vì vậy, việc nhiều gia đình đang dần thay đổi, không đốt vàng mã để giảm thiểu tác động tới môi trường, dành tiền làm việc thiện là một việc tốt, rất đáng khen ngợi.