Người dân xã miền núi Hòa Bình thoát nghèo nhờ cây quýt cổ

Khôi Vũ

(Dân trí) - Huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có 16/16 xã, thị trấn với 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 9 xã và 9 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện nội dung Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung nỗ lực xây dựng thương hiệu quýt Nam Sơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Qua đó góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Quýt Nam Sơn thường được người dân địa phương gọi là "quýt cổ", đã xuất hiện ở đất Vân Sơn (Tân Lạc) từ trước năm 1950. Quýt Nam Sơn vỏ mỏng, múi dày, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng, được thực khách yêu thích. Năm 2018, UBND huyện Tân Lạc đã đón nhận bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Quýt Nam Sơn - xã Tân Lạc". 

Vài năm qua, được chính quyền xã, huyện tuyên truyền thông tin về hiệu quả mô hình trồng quýt, hỗ trợ tập huấn kiến thức, nhiều gia đình tại xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc đã cải tạo, xóa bỏ diện tích vườn tạp để trồng quýt cổ và chủ động học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn làm trước để áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc, do đó hạn chế tối đa sâu bệnh trên cây. 

Người dân xã miền núi Hòa Bình thoát nghèo nhờ cây quýt cổ - 1

Người dân Vân Sơn thoát nghèo nhờ trồng cây quýt cổ Nam Sơn (Ảnh: Việt Dũng).

Hiện nay, trên địa bàn xã Vân Sơn đã nhân rộng diện tích trồng cây có múi đạt gần 250 ha, trong đó, chủ yếu là các giống quýt cổ, một số diện tích mới trồng cam canh, cam lòng vàng cũng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sản lượng trên 1 ha trong thời kỳ kinh doanh có thể thu về từ 3 - 4 tấn quả. 

Năm nay, bà con phấn khởi vì giá quýt dao động 30.000-40.000 đồng/kg, tiểu thương từ nhiều tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… tìm tới mua.

Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, ông Hà Văn Hà cho biết, xã xác định quýt cổ Nam Sơn là một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Thời gian tới, xã mong muốn các sở, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bảo tồn giống và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ với giá thành ổn định.