Người dân mong có giải pháp khi bậc tam cấp bị phá bỏ

(Dân trí) - Nhiều hộ dân ở phố Xã Đàn (Đống Đa – Hà Nội) cho biết họ ủng hộ chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của chính quyền tuy nhiên cũng mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp khi bậc tam cấp, lối lên xuống vào nhà bị phá bỏ.

Sau khi bậc tam cấp, lối lên xuống lấn chiếm vỉa hè trên phố Xã Đàn (Đống Đa – Hà Nội) bị lực lượng chức năng phá bỏ, nhiều nhà dân đã bắc tạm cầu thang thép, hoặc xếp gạch để đi vào nhà. Không ít hộ dân cho biết, cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh của họ bị đảo lộn do gặp khó khăn trong việc đi lại, di chuyển.

Cuộc sống đảo lộn vì bậc tam cấp bị phá

Anh Bùi Xuân Hiển (190 Xã Đàn) cho biết, anh ủng hộ chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của chính quyền nhưng vẫn bất ngờ khi cơ quan chức năng nhanh chóng phá bậc tam cấp. Trước đây, gia đình anh Hiển làm nhà dựa theo cốt đường Xã Đàn nên nền nhà khá cao. Sau khi các bậc tam cấp bị dỡ bỏ, nhà anh Hiển cách mặt vỉa hè gần 1m khiến việc đi lại vô cùng vất vả. “Gia đình tôi phải xếp tạm mấy miếng gỗ để lấy lối đi. Tuy nhiên, ban ngày còn đỡ chứ buổi tối nhà có bà lớn tuổi và con nhỏ thì không dám ra đường mà phải có người đỡ”, anh Hiển nói.

Cũng theo anh Hiển, hiện tại anh chưa dám sửa chữa mà chờ hướng dẫn tiếp của chính quyền để có cách xử lý phù hợp. “Khổ nhất là hàng ngày phải dắt xe lên xuống bằng hai thanh gỗ, tôi phải huy động 2 – 3 người cùng nhau dắt mới đi nổi. Bây giờ tôi cũng không dám xây sửa gì vì sợ vi phạm nhưng nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì cũng nguy hiểm”, anh Hiển phân trần.

Bậc tâm cấp lấn chiếm vỉa hè được các cơ quan chức năng dùng máy cẩu và máy khoan đập bỏ
Bậc tâm cấp lấn chiếm vỉa hè được các cơ quan chức năng dùng máy cẩu và máy khoan đập bỏ

Sau khi tháo dỡ bậc tam câp, nhiều gia đình ở Xã Đàn có nền nhà cao hơn mặt đường gần 1m phải kê bao cát làm lối đi lại vào nhà
Sau khi tháo dỡ bậc tam câp, nhiều gia đình ở Xã Đàn có nền nhà cao hơn mặt đường gần 1m phải kê bao cát làm lối đi lại vào nhà

Trong khi đó, chị Thanh (chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Xã Đàn) cũng cho hay, hai ngày nay cửa hàng chị luôn trong tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân chị Thanh cho là do bậc tam cấp, lối lên xuống cửa hàng bị phá bỏ, nhiều khách hàng ngại leo thang vào mua đồ. “Hiện giờ nền nhà tôi cao hơn vỉa hè đến 80cm, mỗi lần muốn đi ra hoặc đi vào phải đu vào cánh cửa cho khỏi ngã. Nhiều khách hàng mặc váy ngắn, trông cảnh lên xuống khó khăn nên dắt xe đi thẳng”, chị Thanh than thở.

Chủ cửa hàng này cũng cho biết, bậc tam cấp của gia đình được làm từ khi xây nhà cách đây hơn chục năm tuy nhiên khi tiến hành xin giấy phép xây dựng ở phường chị cũng không thấy ai nhắc nhở hoặc có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. “Việc lập lại vỉa hè cho người đi bộ tôi thấy rất tốt và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, chính quyền cũng nên có giải pháp cho những hộ gia đình như tôi để thuận tiện cho việc đi lại, kinh doanh”.

Một cây rút tiền ở đường Xã Đàn bị phá dỡ bậc tam cấp, người dân phải đứng lên bao tải chênh vênh mỗi lần muốn giao dịch
Một cây rút tiền ở đường Xã Đàn bị phá dỡ bậc tam cấp, người dân phải đứng lên bao tải chênh vênh mỗi lần muốn giao dịch

Trao đổi về việc lắp đặt các cầu thang di động vào nhà, chị Thanh cho hay điều này cũng không hề đơn giản bởi lượng khách ra vào cửa hàng liên tục khó lòng bê ra, bê vào được. Hơn nữa, những gia đình có người già, trẻ nhỏ thì làm sao tự mình bê vác nổi. “Mỗi lần có khách phải khệ nệ bê ra, rồi lại khệ nệ xách vào rất bất tiện. Hơn nữa, tôi nghĩ đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể lâu dài. Vỉa hè Xã Đàn hiện khá rộng, tôi nghĩ chính quyền nên tạo điều kiện cho các hộ dân có nền nhà cao hơn mặt đường xây một bậc tam cấp nhỏ, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa an toàn cho người dân”, chủ cửa hàng này nêu quan điểm.

Nhiều người dân cho biết họ gặp khó khăn trong sinh hoạt, kinh doanh khi bậc tam cấp bị dỡ bỏ
Nhiều người dân cho biết họ gặp khó khăn trong sinh hoạt, kinh doanh khi bậc tam cấp bị dỡ bỏ

Nên có giải pháp cho người dân khi tháo dỡ bậc tam cấp

Chia sẻ về nguyên nhân khiến nhiều căn nhà tại Xã Đàn lại cao hơn vỉa hè nhiều lần, ông Nguyễn Văn T. (210 Xã Đàn) cho rằng hầu hết đây đều là những căn được xây dựng trước thời điểm đường Xã Đàn hoàn thành. Căn nhà ông T. được xây vào năm 2005, khi đó chính quyền có cung cấp bản vẽ, thiết kế và độ cao của con đường cho gia đình làm cơ sở xây dựng. Dù đã tuân theo các số liệu này để tính toán song ông không hiểu lý do gì mà khi hoàn thành, con đường lại thấp hơn nhiều so với nền nhà như vậy.

“Nhà tôi dự kiến chỉ làm nhà cao hơn mặt đường khoảng 10cm. Nếu như vậy thì không cần phải xây bậc tam cấp làm gì. Tuy nhiên, đến lúc thông xe đường lại thấp hơn nhà tôi đến 90cm, bắt buộc gia đình phải làm bậc để vào nhà. Không riêng gì nhà tôi mà tất cả các các nhà được xây vào thời điểm này cũng gặp vấn đề tương tự”, ông T. nói.

Nhà ông T. (210 Xã Đàn) có cốt nền nhà cao hơn mặt đường gần 90cm nên mỗi lần người già và trẻ nhỏ lên xuống đều phải có người đỡ.
Nhà ông T. (210 Xã Đàn) có cốt nền nhà cao hơn mặt đường gần 90cm nên mỗi lần người già và trẻ nhỏ lên xuống đều phải có người đỡ.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Vũ Anh Tuấn - Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường ĐH GTVT) cho rằng, việc cưỡng chế, phá dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè là hoàn toàn đúng. Trong luật hiện nay có quy định, các bước xây dựng, quy hoạch đô thị đều có chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng. Đối với các nhà mặt phố thì mép cuối cùng của vỉa hè là chỉ giới người dân được phép xây dựng. Tức là bậc tam cấp lên xuống căn nhà cũng phải bắt đầu từ mép trong chỉ giới này.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng trước đây chúng ta chưa quản lý chỉ giới nghiêm ngặt như bây giờ nên mới dẫn đến tình trạng người dân xây bậc lên xuống lấn chiếm vào vỉa hè. “Tôi ủng hộ chủ trương lập lại trật tự đô thị, trả lại không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên chúng ta cũng phải cân nhắc vấn đề cho phù hợp, để vừa giữ được mỹ quan đô thị lại đảm bảo được quyền lợi, lợi ích của người dân. Đặc biệt là các tuyến phố mà cốt nền nhà người dân có sự chênh lệch lớn đối với mặt vỉa hè thì phải có giải pháp cho người dân khi tháo dỡ. Cụ thể, chúng ta nên có thông tin cụ thể, gia hạn thời gian để người dân hiểu, chủ động xử lý. Thứ 2, trong trường hợp việc xây tam cấp không lấn chiếm quá nhiều, mặt vỉa hè rộng trên 5m thì có thể tạo điều kiện để người dân giữ lại một bậc lấy lối đi lại vào nhà”.

Cũng theo chuyên gia này, để tránh tình trạng này xảy ra thì ngay từ bước quy hoạch, các cơ quan chức năng phải có tính toán, hướng dẫn cụ thể cho người dân để đảm bảo sự đồng bộ. “Ngoài việc tính toán cốt nền sao cho phù hợp, cũng cần phải có quy định về việc xây dựng các bậc tam cấp ra sao để tránh ảnh hưởng đến không gian của người đi bộ và mỹ quan đô thị sau này. Hiện nay, ở một số nước trên thế giới như Singapore họ có những giải pháp rất hay như: tạo chỉ giới bằng các hàng cây, chậu hoa, vừa tạo không gian cho người đi bộ mà cũng tránh được việc lấn chiếm của người dân”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Hà Trang