Đắk Nông:

Nên duyên vợ chồng từ những ngày tải đạn kháng chiến

(Dân trí) - Ông là người Bana, bà là người M’Nông, hai người sống cách nhau hơn 300 cây số, rồi gặp nhau trong những năm tháng mưa bom, bão đạn. Giữa chiến tranh loạn lạc, ông bà đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn xuất phát từ lý tưởng cách mạng, tình đồng chí.

Tháng 4, Tây Nguyên đã vào mùa mưa. Con đường đất đỏ dẫn vào căn nhà nhỏ của vợ chồng lão thành cách mạng Đinh Nhớt (SN 1944, dân tộc Bana) và H’Krông (SN 1953, dân tộc M’Nông) tại bon Jốc Ju, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô) ướt nhẹp sình lầy. Hôm nay trời mưa nên gia đình tụ tập đông đủ, trong căn nhà gỗ đơn sơ mộc mạc, con cháu ngồi quây quần để nghe vợ chồng ông lão ôn lại những kỷ niệm thời chiến.

Lấy được chồng nhờ đi kháng chiến

Nam Nung xưa kia là vùng đất cách mạng, tại đây có căn cứ kháng chiến B4- liên tỉnh VI. Từ năm 1959-1975, vùng quê này là nơi nuôi giấu cán bộ của tỉnh Quảng Đức cũ và Liên khu 5 trong kháng chiến. Quân và dân xã Nam Nung đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có 40 liệt sĩ là con em các dân tộc trên địa bàn hy sinh trong cuộc kháng chiến.


Nhờ tham gia kháng chiến mà bà H’Krông quen được chồng

Nhờ tham gia kháng chiến mà bà H’Krông quen được chồng

Bà H’Krông là một trong những thanh niên xung phong may mắn sống sót sau những trận oanh tạc của kẻ thủ. Lần giở những ký ức hằn sâu trong tâm trí, bà lão M’Nông này chậm rãi kể về những năm tháng ác liệt của cuộc chiến. Lời kể của bà, như dẫn mọi người trở về những ngày tháng đầy gian khổ và hiểm nguy trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước ngày nào.

Hơn 50 năm trước, xã Nam Nung chỉ là một ngôi làng nhỏ của người M’Nông. Hồi ấy cả vùng đất rộng lớn chỉ có khoảng vài chục nóc nhà khuất dưới những tán cây rừng, được bao bọc bởi các núi non trùng điệp xung quanh. Người dân trong làng sống theo kiểu tự cung, tự cấp nhưng ai ai cũng giàu ý chí cách mạng, nhiệt tình nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, ngày đêm giã gạo nuôi quân.

15 tuổi, bà H’Krông cùng những cô gái trong làng tham gia vào đội văn nghệ quần chúng, đi biểu diễn những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc khắp vùng Tây Nguyên. Sau này ngoài việc phụ mọi người nuôi giấu cán bộ, bà còn tham gia công tác thanh niên và vận chuyển đạn dược, lương thực.


Hai ông bà đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn là tình đồng chí, lý tưởng cách mạng

Hai ông bà đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn là tình đồng chí, lý tưởng cách mạng

“Tôi và một người bạn nữa trong buôn hàng tháng băng rừng sang Campuchia chở đạn và muối về phục vụ kháng chiến. Phải mất 3 ngày 3 đêm vượt rừng mới sang tới nơi, rồi lại mất chừng ấy thời gian để đưa về đến căn cứ. Trong thời gian này, tôi gặp ông nhà khi ông ấy đang là bộ đội trong căn cứ, nhiều lần nói chuyện rồi cả hai mới nảy sinh tình cảm”, bà H’ Krông hồi tưởng lại.

Còn riêng người cựu chiến binh Đinh Nhớt, ông vốn quê Gia Lai, nhưng năm lên 10 tuổi, làng ông ở bị giặc càn quét, bố mẹ, anh em đều bị bắt. Ông may mắn chạy thoát rồi xin ra nhập đoàn văn công An Khê. Năm năm sau, ông làm đơn xin nhập ngũ và theo đồng đội hành quân tới căn cứ Nam Nung này.

Ông lão nhớ lại: “Hồi ấy bộ đội ăn ở luôn nhà dân. Hàng ngày thấy bà ấy giã gạo nuôi quân rồi liều mình đi vận chuyển đạn dược nên tôi thường sang nhà giúp ông bà già (bố mẹ vợ) làm rẫy. Được một thời gian, thấy tôi chăm chỉ, lại có cùng quyết tâm đánh giặc nên ông bà già mới sang nhà bố mẹ nuôi tôi xin tôi về ở rể cho đến nay”.

Gương sáng thời bình

Ngày kháng chiến kết thúc, ông là một trong ba người của tiểu đoàn 20 còn sống sót. Rời quân ngũ, ông tiếp tục làm công tác giao liên tại địa phương còn bà ở nhà chăm lo con cái. Năm 2005, hai ông bà được Chủ tịch nước trao tặng huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, trở thành niềm vinh dự, tự hào cho cộng đồng các dân tộc xã Nam Nung.


Trong thời bình, gia đình ông bà là gương sáng về tinh thần hiếu học, lao động sản xuất

Trong thời bình, gia đình ông bà là gương sáng về tinh thần hiếu học, lao động sản xuất

Gắn bó với mảnh đất Nam Nung cả một đời người, vợ chồng ông bà cũng chính là người cảm nhận rõ nhất những đổi thay của vùng đất cách mạng này. Ông lão 74 tuổi chia sẻ, sau khi cách mạng thắng lợi, cuộc sống của người dân ở đây vẫn hết sức khó khăn. Nhà có mấy hecta đất nhưng không trồng cây công nghiệp như giờ mà chỉ trồng lúa, ngô, sắn mì, sau này khi nhiều người đến đây ở, mọi người chỉ nhau trồng cà phê, cao su nên đời sống mới được cải thiện.

Hai vợ chồng ông bà sinh được 10 người con, tất cả đều được ăn học đến nơi đến chốn, một số đã có việc làm ổn định. Ông lão tâm sự: “Mặc dù gia đình nhiều lần rơi vào cảnh đói khát nhưng 10 đứa con đều được chúng tôi cho ăn học đàng hoàng. Việc học hành của chúng khó khăn nhưng may mắn là được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhà nước nên các con được đi học và rèn luyện tại các trường chuyên nghiệp”.

Hiện nay, trong số 10 người con của vợ chồng lão thành cách mạng Đinh Nhớt, nhiều người đang làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc công tác trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2007, ông vinh dự là 1 trong 5 người của tỉnh Đắk Nông được ra Hà Nội nhận kỷ niệm chương gia đình hiếu học do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng.

Cầm trên tay kỷ niệm chương, ông lão nói giọng xúc động: “Dù chúng tôi có phải nhịn ăn, nhịn mặc cũng phải cho con cái đến trường đầy đủ. Tất cả 10 đứa đều phải học hết lớp 12, đứa nào muốn đi học nữa, vợ chồng chúng tôi sẽ nuôi, đứa nào muốn nghỉ ở nhà, vợ chồng chúng tôi cho đất làm ăn. Mình phải làm gương cho đồng bào mình, thế mới xứng đáng là gia đình hiếu học”.

Trao đổi với PV Dân trí, bà H’ Thương, Phó chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết, gia đình ông Đinh Nhớt không chỉ tiêu biểu về truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học mà còn là gương sáng trong lao động sản xuất. Hàng năm, nhân dịp 30/4 hay 27/7, xã đều mời vợ chồng ông bà đến nói chuyện, giao lưu với các thế hệ trẻ, qua đó giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về một thời oanh liệt mà ông bà là những nhân chứng sống.

Dương Phong