Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ

Hoài Sơn

(Dân trí) - Thú chơi Terrarium và Aquarium - sáng tạo hệ sinh thái xanh, kỳ quan sống động ngay trong những chiếc bể thủy tinh - đang được nhiều người say mê.

Thu nhỏ khu rừng trong bể kính

Chiều cuối tuần, anh Nguyễn Mai Hạ (30 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chăm sóc chiếc hộp Terrarium của mình. Nằm gọn trong chiếc hộp kính, là một khu rừng với cây nắp ấm nằm nép sau cây cổ thụ, bao quanh là màu xanh mướt của rêu, cỏ.

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 1

Anh Nguyễn Mai Hạ tự tin mình là người đầu tiên mang thể loại Terrarium đến với giới trẻ Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh Hạ cho hay, năm 2021, tình cờ bắt gặp những hình ảnh về Terrarium trên mạng xã hội, anh lập tức bị cuốn hút nên nghiên cứu, mày mò thú chơi này.

Thể loại này còn rất mới trong khoảng thời gian đó, nên những kiến thức chăm sóc thực vật trong bể, chọn giá thể ra sao cho phù hợp với môi trường kín còn rất hạn chế.

Trong 6 tháng thử nghiệm, anh không nhớ nổi số lần cây chết. Sau những lần đó, anh đúc kết kinh nghiệm và hiểu hơn về tập tính của mỗi loài cây.

Nguyên liệu chính của một bể Terrarium gồm phần cây và giá thể trồng. Tùy vào bố cục và sở thích để chọn cho phù hợp. Terrarium có 2 loại phổ biến hiện nay là loại bể hở và bể kín.

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 2

Anh Nguyễn Mai Hạ chăm sóc chiếc hộp Terrarium của mình (Ảnh: Hoài Sơn).

Đối với bể hở, các loại cây trong bể thường ưa khô như xương rồng, sen đá. Còn loại kín thì các loại cây trong bể thường ưa ấm như dương xỉ, cẩm nhung, nắp ấm, sam núi, các loại rêu. Để có một chiếc bể chơi được lâu thì nhiệt độ tốt nhất khoảng 25-28 độ C, độ ẩm khoảng 80-95%.

Terrarium phù hợp với tất cả mọi người vì chỉ cần yêu thiên nhiên và dành một chút thời gian mỗi ngày để bật điện, thỉnh thoảng tưới nước cho bể để thực vật sẽ phát triển tốt.

Thú chơi này thú vị hơn nhiều so với trồng chậu cây riêng lẻ, vì người chơi có thể ngắm nhìn được những mảng xanh tương tác, phụ thuộc vào nhau để sinh trưởng, hệt như ở ngoài tự nhiên trong bể thủy tinh.

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 3

Một cây nắp ấm được chăm sóc trong bể Terrarium hơn 1 năm, đã thu nhỏ lại tạo thành một cây lạ mắt (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh Hạ cho hay, làm một Terrarium không quá khó, nhưng để tạo một tác phẩm ấn tượng và để lại dấu ấn, cần cho Terrarium một câu chuyện riêng.

"Cùng là cảnh rừng nhưng góc nhìn của mỗi người khác nhau và cách truyền tải trong một thể tích giới hạn cũng khác nhau. Cái khó là thể hiện được ý tưởng riêng của người chơi", anh Hạ thổ lộ.

Anh Hạ tự tin rằng, có thể ở Việt Nam anh là người đi sau, nhưng anh là người đầu tiên mang thể loại này đến với giới trẻ Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung vàTây Nguyên nói chung.

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 4

Sau khi hoàn thành, cần 3-5 ngày để môi trường trong bể ổn định. Giá một bể dao động 400.000-2.000.000 đồng (Ảnh: Hoài Sơn).

Để lan tỏa niềm đam mê này, anh Hạ cho ra đời cửa hàng cung cấp dịch vụ thiết kế, phụ kiện chơi Terrarium trên khắp cả nước. Anh đã thực hiện, cung cấp hơn 1.000 sản phẩm, khoảng 500 bể hoàn thiện. Giá một bể dao động 400.000-2.000.000 đồng.

Anh Hạ cũng thành lập nhóm những người đam mê Terrarium ở Đà Nẵng, đây là nơi mọi người cùng nhau giao lưu. Dự tính trong tương lai, anh sẽ tổ chức buổi gặp trực tiếp các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm về thú chơi này.

Tạo kỳ quan dưới nước bằng cây, cỏ

Xuất thân là một kỹ sư nhiệt lạnh, anh Nguyễn Minh Toàn (30 tuổi) luôn muốn tìm một bộ môn để giải trí sau giờ làm việc áp lực.

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 5

Anh Nguyễn Minh Toàn đã hai lần đoạt giải Á quân cuộc thi thủy sinh thế giới (IAPLC) (Ảnh: Hoài Sơn).

Năm 2015, tình cờ anh xem được trên mạng một bể thủy sinh với những hòn đá, cành lũa được sắp trong bể tạo thành phong cảnh hang động, núi rừng hùng vĩ khiến anh mê mẩn nên quyết tâm tìm hiểu về bộ môn Aquarium hay còn gọi là bể thủy sinh.

Nhớ lại lần đầu tiên bắt tay vào làm bể, anh gặp rất nhiều khó khăn vì kinh nghiệm và kiến thức về bộ môn này gần như là số 0. Trở ngại tiếp theo anh vấp phải là thiếu nguyên vật liệu.

Các loại gỗ lũa, đá chuyên dụng, phân nền thủy sinh, cây thủy sinh hầu như khá hiếm trên thị trường lúc bấy giờ và anh hoàn toàn mơ hồ không biết nên sử dụng loại nào.

"Tôi cưa cành cây trước nhà vào chơi thì cá lại chết sạch", anh Toàn nhớ lại và cho hay, sau lần thất bại "nhớ đời" đó, anh đã dành nhiều thời gian tìm tòi trên các diễn đàn về thủy sinh và được những nghệ nhân thực thụ hướng dẫn, chia sẻ đầy nhiệt huyết.

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 6

Một bể thủy sinh mô phỏng hang động được anh Toàn thiết kế (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh Toàn cho hay, sáng tạo trong bể thủy sinh là vô hạn, tuy nhiên vẫn có những phong cách phổ biến như Naturen, phong cách Hà Lan, rừng rậm… Mỗi thể loại đều có ưu điểm và nét đẹp riêng.

"Đây giống như một bộ môn tạo hình 3D dưới nước, màu sắc thì được tô bằng cây và rêu. Điểm nhấn chính là những kỳ quan được tạo ra, còn cá, động vật thủy sinh sẽ là các "diễn viên" tô điểm thêm phần sinh động", anh Toàn chia sẻ.

Trải qua 6 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật thủy sinh, anh đã 2 lần đoạt giải Á quân, 1 lần lọt top 100 tác phẩm đẹp nhất thế giới cuộc thi cuộc thi thủy sinh thế giới (IAPLC).

Lạ lùng thú chơi đưa rừng vào bình thủy tinh, vẽ kỳ quan bằng cây, cỏ - 7

Anh Toàn đang là chủ một tiệm chuyên thiết kế bể thủy sinh tại Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Nói về tác phẩm Storming (Bão tố) vừa đoạt giải Á quân IAPLC 2021, anh cho biết tác phẩm được lấy ý tưởng từ trận bão, lũ tàn phá các tỉnh miền Trung, gây ra hậu quả nặng nề. Bố cục chính của tác phẩm là một gốc cây cổ thụ bị bật gốc vì bão, nằm sâu dưới lòng sông suối phủ đầy trầm tích, rong, rêu.

Sau đó, bố cục thô được anh thực hiện trong vòng 3 tháng từ khi chuẩn bị nguyên vật liệu cho đến lúc hoàn thiện. Anh trải qua 5 tháng chăm sóc cây và dưỡng bể hoàn chỉnh.

Thông qua các tác phẩm mang ra đấu trường quốc tế, anh muốn bạn bè thế giới biết đến Việt Nam là một đất nước mang vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ cũng như luôn phải chịu những thiên tai nhưng tinh thần người Việt luôn đứng vững trước mọi hoàn cảnh.