Hơn 78% nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới

(Dân trí) - 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (ILO, 2013). 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo lực.

Đó là con số được đưa ra tại lễ Phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức.

Đây là năm thứ hai Đà Nẵng tổ chức Tháng hành động với cam kết, nỗ lực chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, của cả cộng đồng cùng hành động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực.

Bà Vũ Phương Ly, chuyên viên cao cấp Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) - cho biết, số liệu gần đây về tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam rất đáng lo ngại.

Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức
Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức

Theo đó, 87% trong tổng số hơn 1000 phụ nữ được hỏi báo cáo đã từng phải chịu ít nhất một hình thức quấy rối tình dục nơi công cộng, trong khi 65 % người chứng kiến không có hành động gì để trợ giúp phụ nữ bị quấy rối (ActionAid, 2014).

78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (ILO, 2013). 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo lực.

58% phụ nữ trong độ tuổi đã từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần; 87% nạn nhân chưa bao giờ viện đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức; bạo lực gia đình cũng gây ra thiệt hại kinh tế lên đến > 3% GDP của Việt Nam năm 2010.

16 xe buýt gắn nhãn thông điệp truyền thông màu cam phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã diễu hành trên các tuyến đường chính của thành phố Đà Nẵng
16 xe buýt gắn nhãn thông điệp truyền thông màu cam phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã diễu hành trên các tuyến đường chính của thành phố Đà Nẵng

Mỗi năm có khoảng 1.000 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em được báo cáo tại Việt Nam, nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái.

Theo bà Ly, một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất để xóa bỏ bạo lực phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam là hệ thống những quan điểm và định kiến văn hóa-xã hội được xây dựng trên hệ tư tưởng Nho giáo và gia trưởng từ bao đời nay, có liên quan đến các khuôn mẫu về nam tính và nữ tính, về “tam tòng, tứ đức” về “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ.

“Do đó, việc đầu tiên mà chúng ta cần làm là hãy lên tiếng và hành động để thay đổi các quan niệm về nam tính và nữ tính đã ăn sâu bám rễ trong gia đình, cộng đồng và xã hội của chúng ta”, bà Ly nhấn mạnh.

Ngay sau buổi lễ, 16 xe buýt gắn nhãn thông điệp truyền thông màu cam phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã diễu hành trên các tuyến đường chính của thành phố. Hoạt động cũng tương ứng với Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phát động.

Khánh Hồng