Hòa Bình: Đời sống người dân đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

Quỳnh Lâm

(Dân trí) - Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã vùng cao ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã thay đổi bộ mặt, đời sống của nhân dân cũng được nâng cao.

Huyện Tân Lạc (Hòa Bình) là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với khoảng 90%, chủ yếu là dân tộc Mường.

Huyện có 9/15 xã thuộc vùng III (vùng 135). Cuộc sống của người dân trước đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản hạn chế, sinh kế cho người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững.

Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Hòa Bình: Đời sống người dân đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - 1
Nhờ làm tốt công tác vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thôn Nen 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Nen 2, xã Thanh Hối, nơi có đến 90% là người dân tộc Mường.

Trước đây, khi chưa thực hiện xây dựng nông thôn mới, xóm Nen 2 chưa có hệ thống giao thông bê tông hóa thông suốt, nhà văn hóa chưa đạt tiêu chuẩn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Qua vận động, nhân dân đồng lòng, xóm Nen 2 đã bê tông hóa đường giao thông nội thôn đạt 96%, xây dựng nhà văn hóa, sân chơi rộng rãi.

Công trình điện đường thắp sáng đạt 100% toàn thôn với tổng số 52 bóng, thắp sáng từ 18h - 6h hôm sau. Các hộ dân lắp đặt hơn chục chiếc camera giám sát, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh trật tự. Con đường hoa dài 1,7km tạo cho khu dân cư cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Nhân dân tích cực tham gia bằng việc hiến hơn 3.500 m2 đất xây dựng các công trình thiết yếu.

Cá nhân dân vận khéo nổi bật như bà Đỗ Thị Nhung, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ khu 6, thị trấn Mãn Đức với mô hình Đoạn đường phụ nữ nở hoa" - mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu của tỉnh.

Bà Nhung chia sẻ: "Trước đây, hai bên đường trong khu dân cư mọc nhiều cỏ dại, vật liệu xây dựng gây mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm. Chúng tôi đã thống nhất 100% hội viên trồng hoa dọc hai bên đường để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân".

Chi hội đã vận động hội viên ai có hoa gì góp hoa nấy, rồi cùng góp sức trồng ven đường. Lúc đó, loài hoa trồng chủ yếu là 10 giờ, chiều tím, bóng nước… Cứ đến 9-10h, các khóm hoa đua nở, làm bừng hương sắc mỗi ngõ nhỏ. Đến nay, các đoạn đường hoa đều được thay thế bằng hoa ngũ sắc.

Từ hiệu quả mô hình trồng hoa của chi hội Phụ nữ khu 6 đã lan rộng ra toàn thị trấn với hơn 7km đường hoa.

Hòa Bình: Đời sống người dân đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - 2
Bà Đỗ Thị Nhung (đứng trước), điển hình trong công tác "Dân vận khéo" với mô hình "Đoạn đường phụ nữ nở hoa" tại khu 6, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc).

Đến nay, toàn huyện xây dựng được gần 150 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy tốt, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

Nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của họ. Để cụ thể hóa, các xã, thị trấn đã tổ chức được 199 cuộc kiểm tra, giám sát; Ban thanh tra nhân dân giám sát 20 cuộc. Huyện có 159 tổ hòa giải ở 159 khu dân cư với tỷ lệ hòa giải thành công gần 90% trở lên.

Hòa Bình: Đời sống người dân đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới - 3
Đường giao thông xóm Chùa, xã Tử Nê (Tân Lạc) được bê tông hóa nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương.

"Để vận động nhân dân hiệu quả, trước tiên cần có sự gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách từ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, lấy nhân dân làm chủ thể trong các chủ trương, kế hoạch có liên quan đến lợi ích nhân dân.

Bên cạnh đó, cần có sự đa dạng cách thức thực hiện, phù hợp với từng thôn, xóm, ngành, đoàn thể nhằm tạo chuyển biến rõ rệt, nâng cao hiệu quả dân vận trong thời gian tới", ông Bùi Thị Tự, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết.