Đắk Nông:

Con voi nhà cuối cùng của người M’Nông

(Dân trí) - 40 tuổi, Bak Khôn mới được đưa về Việt Nam sau một thời gian dài theo chân người khác đi kéo gỗ, vận chuyển hàng tận bên Campuchia. Về với gia đình Điểu Khăn, Bak Khôn được thảnh thơi hơn, hàng ngày chỉ quấn quýt bên lũ trẻ hoặc theo chân chủ vào rừng kiếm ăn.

Gần 1 tháng nay, căn nhà nhỏ của Điểu Khăn (thôn 6, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) rộn rã tiếng cười. Nghe tin con voi Bak Khôn về ở hẳn với vợ chồng người đàn ông Mơ Nông này nên nhiều đứa trẻ trong vùng tò mò tìm đến để được mắt thấy, tay sờ con vật khổng lồ ấy.

Voi Bak Khôn trở về Việt Nam sau gần 10 năm đi làm thuê bên Campuchia
Voi Bak Khôn trở về Việt Nam sau gần 10 năm đi làm thuê bên Campuchia

Theo trí nhớ của Điểu Khăn, Bak Khôn năm nay vừa tròn 40 tuổi. “Cô” voi này được bố ông mua về từ Buôn Đôn (Đắk Lắk) năm 1982 khi nó mới được 5 tuổi. Ngày ấy, trong làng chỉ nhà giàu, có của ăn của để mới “tậu” được voi về nên Điểu Khăn tự hào về con voi cái này lắm, đi đâu cũng cưỡi lên lưng voi mà đi.

Hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ gắn bó với Bak Khôn, Điểu Khăn không thể nào quên được ngày đầu tiên con voi này về sống chung với gia đình mình.

“Gần một tuần đi tìm voi, ông già tôi (bố đẻ Điểu Khăn) dắt về một con voi cao bằng đầu người lớn. Ngay buổi tối hôm đó, sau khi giết trâu gà để cúng thần linh thì ông già gọi tất cả người trong gia đình ra để voi ngửi hơi. Voi là động vật có trí nhớ tốt, chỉ một lần ngửi hơi nó sẽ nhớ đến hết đời nên kể từ ngày đó, tất cả thành viên trong gia đình đều có thể cưỡi lên lưng con voi này”, Điểu Khăn nhớ lại.


Đây là con voi cuối cùng của người Mơ Nông tại Đắk Nông do Điểu Khăn (áo xanh) chăm sóc

Đây là con voi cuối cùng của người Mơ Nông tại Đắk Nông do Điểu Khăn (áo xanh) chăm sóc

Ngày đó trong vùng cũng có một số nhà có voi, nhưng Bak Khôn là con voi hiền lành nhất nên từ người lớn đến trẻ nhỏ trong nhà Điểu Khăn đều gần gũi và coi nó như một thành viên trong gia đình. Hàng ngày Bak Khôn theo mọi người lên rẫy, đến tối thì kéo gỗ, hoặc chở bắp, chở lúa về nhà.

Theo Điểu Khăn, trong quan niệm của người Mơ Nông tại Đắk Nông, voi không chỉ là tài sản giá trị, là thước đo giàu nghèo mà nó còn là vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc này. Chính vì vậy, trong làng nếu có người đau ốm, người chết, phụ nữ mới sinh… thì nài voi không được đến thăm hỏi. Nài voi làm trái “luật bất thành văn” ấy thì con voi sẽ ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Gắn bó với Bak Khôn hơn chục năm, Điểu Khăn coi con voi như chính người bạn thân của mình. Người đàn ông này cho biết, voi Bak Khôn sống rất tình cảm nhưng cũng rất thông minh, trung thành hiếm có con voi nào trong vùng sánh kịp.


Dù được trả giá cả tỷ đồng nhưng Điểu Khăn đều từ chối bán vì Bak Khôn như một thành viên trong gia đình ông

Dù được trả giá cả tỷ đồng nhưng Điểu Khăn đều từ chối bán vì Bak Khôn như một thành viên trong gia đình ông

“Ngày ấy rừng còn nhiều, dân làng thường đào hầm đặt chông để bẫy thú rừng. Ông già tôi đưa voi vào rừng kiếm ăn, con voi đi trước, dùng vòi đánh hơi mở đường. Dù cho được phủ một lớp đất, lá cây dày nhưng voi vẫn phát hiện ra bàn chông nằm ở chỗ nào để mà tránh. Đến chỗ nước chảy xiết, nó đưa vòi xuống nước để cảm nhận, nếu nước chảy mạnh quá thì nhất định không đi qua”, Điểu Khăn kể.

Rồi hôm từ Capuchia về Việt Nam, vừa gặp anh em Điểu Khăn sau gần 10 năm xa cách, Bak Khôn bỗng rống lên một tiếng, trong đôi mắt xám xịt của nó có hai hàng nước mắt lăn dài. Con voi đưa vòi ngửi khắp người Điểu Khăn và những người khác rồi ngồi sụp xuống để những đứa trẻ leo lên lưng mình mà cưỡi.

Là một trong những nài voi cuối cùng của mảnh đất phía Nam Tây Nguyên, Điểu Khăn hiểu tính nết voi hơn ai hết. Ông bảo, với nhưng nài voi không quan tâm, nói chuyện với nó thường xuyên, không kiêng kị và đặc biệt là ăn thịt trăn thì chẳng mấy chốc con voi sẽ tiều tụy, ốm yếu. Người nuôi voi cũng tuyệt nhiên không được nhổ lông voi, bởi giống như mạch nước, nếu nài voi nhổ lông đuôi con voi của mình, máu sẽ chảy mãi không ngừng khiến con voi kiệt sức.

“Con voi không bao giờ ngủ trưa, nếu nó ngủ thì chắc chắn sẽ có chuyện xảy ra, nhẹ thì ốm, nặng thì chết. Voi sợ rắn, cọp và kiến nên nếu gặp nguy hiểm, nó rẽ rống lên một hồi dài để báo hiệu để nài voi biết mà tránh”, Điểu Khăn cho biết thêm.


Theo Điểu Khăn, Bak Khôn là con voi thông minh, hiền lành và nhạy cảm

Theo Điểu Khăn, Bak Khôn là con voi thông minh, hiền lành và nhạy cảm

Hàng ngày Điểu Khăn đưa voi vào tận cánh rừng cộng đồng để kiếm ăn, thức ăn của Bak Khôn chủ yếu là lá le, cỏ tranh, cây chuối rừng và mía. Vào mỗi buổi chiều, bất kể mưa hay nắng, ông và con trai lại thay nhau vào rừng để dẫn Bak Khăn đi uống nước và tắm rửa cho nó trước khi trở về nhà.

Nghe tin Điểu Khăn đưa voi về sống với mình, nhiều người trong đó có cả công ty du lịch tìm đến tận nhà hỏi mua, họ ra giá cả tỷ đồng nhưng Điểu Khăn đều từ chối. Ông lão này tâm sự: “Cho nó đi làm thuê gần chục năm rồi, nên bây giờ phải để nó nghỉ ngơi. Đây là tài sản ông bà già để lại cho anh em nên tôi không có ý định bán nó, dù sao nó cũng như người thân trong gia đình mình rồi”.

Nói đoạn, Điểu Khăn đưa tay vuốt ve đầu Bak Khôn rồi thủ thỉ: “Để mấy hôm nữa tôi đưa nó lên ủy ban báo cáo với chính quyền xã làm “giấy khai sinh” cho con voi này. Ngày mua nó về không có giấy tờ gì nên mình sợ người ta bắt mất”.

Dương Phong