Chuyên gia Thụy Điển kể phút "hoảng hồn" khi sang đường ở Hà Nội

(Dân trí) - Dù không phải là lần đầu đến Hà Nội, bà Marie Thynell-Phó Giáo sư, Tiến sĩ của trường Đại học Gothenburg, Thụy Điển- vẫn không tránh khỏi cảm giác "hoảng" mỗi khi sang đường ở Hà Nội. Đối với bà, trên đường phố Hà Nội, muốn đi bộ nhanh cũng khó.

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội thảo "Giải pháp giao thông công cộng bền vững và an toàn-chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển" tại Hà Nội ngày 25/11, bà Thynell thuộc khoa Nghiên cứu Toàn cầu của Đại học Gothenburg đã đề cập đến sự khác biệt rất lớn giữa giao thông ở Việt Nam và Thụy Điển.

Ở Thụy Điển, mọi người chủ yếu đi bằng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao chứ không có nhiều phương tiện cá nhân như ở Hà Nội. Ở Thụy Điển, hiếm khi bạn gặp cảnh tắc đường dù là vào giờ cao điểm.

"Đây là lần thứ 3 tôi đến Hà Nội nhưng vẫn chưa quen với việc sang đường. Đó vẫn là cảm giác lo lắng và rất run. Lần đầu tiên ở Hà Nội, tôi cố đứng chờ cho đường thông thoáng và an toàn hơn để sang đường, nhưng cứ hết làn xe này đến làn xe khác vùn vụt trước mặt mà không chủ động dừng để ưu tiên người đi bộ như ở đất nước tôi. Sau đó, một người dân địa phương đã tới giúp tôi qua đường", bà kể lại.

Bà Marie Thynel trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Nam Hằng)
Bà Marie Thynel trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Nam Hằng)

 

Đến Hà Nội, bà cũng "gặp khó" khi đi bộ vì ở đây có ít khu vực dành riêng cho người đi bộ. "Nhiều đoạn vỉa hè vốn đã hẹp và đông đúc lại thêm dịch vụ trông giữ xe nên càng trở nên chật chội. Tôi vốn quen đi bộ nhanh, nhưng khi đến Hà Nội thì phải giảm tốc độ vì đường xá như vậy đôi khi muốn nhanh cũng không được", bà chia sẻ chân tình.

Theo bà Thynell, ở Thụy Điển, việc quy hoạch phát triển giao thông luôn chú trọng tới tạo không gian đi bộ an toàn cho người dân. Đơn giản như khi xây dựng một điểm dừng, nhà chờ xe buýt, các công ty phải xem xét chọn địa điểm phù hợp để làm sao hành khách có thể đi bộ tới đó một cách thuận tiện và thoải mái.

Bạn Nguyễn Thu Vân, hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành y tế công tại trường Đại học Umeå, cho biết: "Rất nhiều vị giáo sư, tiến sĩ trường em thường đi làm bằng xe đạp hoặc xe buýt. Chúng em hay bắt gặp cảnh một giảng viên nào đó mặc comple đạp xe tới trường. Có những cán bộ còn chủ động xuống ở bến xe buýt cách xa trường một chút để có thời gian đi bộ, rèn luyện sức khỏe".

"Ở đây, đường phố thông thoáng và không khí khá trong lành nên hầu hết sinh viên đi bộ và đi xe đạp tới trường. Thụy Điển là một trong số quốc gia có giao thông an toàn nhất thế giới. Thú thực, giờ về Hà Nội em ngại nhất là tắc đường đấy", Vân nói.

Đến các thành phố của Thụy Điển như Uppsala, điều bạn dễ thấy là những hàng xe đạp người dân dựng trên vỉa hè, tuy không có ai trông nhưng không hề lo mất cắp.

Trẻ em Thụy Điển đội  mũ bảo hiểm khi bắt đầu ngồi vững

Bà Marie Thynell cho biết, ở Thụy Điển, các bậc cha mẹ luôn đội mũ bảo hiểm cho con kể cả khi ngồi xe đạp. Dù đó không phải là quy định đi chăng nữa thì bà cũng rằng các ông bố bà mẹ đều tự động đội mũ bảo hiểm cho con họ vì hơn ai hết họ ý thức sự an toàn cho con mình. Bản thân bà cũng vậy, bà không bao giờ quên mang mũ hảo biểm khi ra đường.

"Trẻ em Thụy Điển đội mũ bảo hiểm từ khi chúng có thể tự mình ngồi vững sau xe đạp và thường là từ 7, 8 tháng và tất nhiên, các cháu phải được thắt dây an toàn. Vì vậy, khi sang Thụy Điển, bạn sẽ gặp rất nhiều em bé dưới 1 tuổi ngồi sau xe đạp và đội mũ bảo hiểm như thế", vị chuyên gia chia sẻ.

 

Một bé trai 14 tháng tuổi được bố đèo xe đạp tới siêu thị ở thành phố Lund, Thụy Điển (Ảnh: Nam Hằng)
Một bé trai 14 tháng tuổi được bố đèo xe đạp tới siêu thị ở thành phố Lund, Thụy Điển (Ảnh: Nam Hằng)

Bà Thynell cho hay, nếu không đội mũ bảo hiểm cho con, bố mẹ sẽ bị phạt một số tiền nhất định, tuy nhiên, từ trước đến nay, cá nhân bà chưa từng nghe về trường hợp bố mẹ nào bị phạt như vậy ở Thụy Điển.

Bà Thynell cho rằng, quy định trẻ em từ 6 tuổi ở Việt Nam đội mũ bảo hiểm là khá muộn. Trẻ cần được đội sớm nhất có thể, kể cả khi ngồi xe đạp, chứ không chỉ trên xe gắn máy hay xe đạp điện. Bố mẹ cần ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng nếu không đội mũ bảo hiểm đúng quy cách và đảm bảo chất lượng cho con.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, chị Anna Ramsten làm việc tại trường Đại học Lund, cho biết, bố mẹ bắt đầu đội mũ bảo hiểm cho chị khi chị vừa tròn 6 tháng tuổi vì lúc đó Anna khá cứng cáp và có thể ngồi vững sau xe đạp có dây an toàn. Đến lúc hơn tuổi, Anna đã quen với mũ bảo hiểm nên mỗi lần mẹ cho đi xe đạp là chị chạy đến tủ đựng mũ bảo hiểm và chỉ tay bảo mẹ lấy.

Hội thảo "Giải pháp giao thông công cộng bền vừng và an toàn-chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển" được tổ chức nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của đoàn doanh nghiệp giao thông Thụy Điển do Thứ trưởng phụ trách cơ sở hạ tầng Erik dẫn đầu. Các đại biểu đã thảo luận, tình trạng hiện tại của hệ thống giao thông công cộng của Việt Nam và làm thế nào Thụy Điển có thể phối hợp với Việt Nam để giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị thông qua một hệ thống giao thông công cộng thông minh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia-cho biết, giao thông đường bộ chiếm khoảng 99% tổng số các vụ tai nạn và 98% các trường hợp tử vong do tai nạn. Các chi phí cho tai nạn giao thông chiếm 2.5% GDP của Việt Nam hàng năm. Với chi phí trung bình mỗi năm là 5-12 tỷ USD, tổng chi phí cho tai nạn giao thông có thể sẽ lên tới con số 130 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2030!

 

Nam Hằng