Bộ đội lội ruộng giúp bà con dân bản gặt lúa sau mưa lũ

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau những ngày mưa lũ, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng tại Quảng Bình đã xuống đồng, hỗ trợ đồng bào người Mày khẩn trương thu hoạch lúa.

Sau những ngày mưa lũ gây ngập và chia cắt, bà con đồng bào người Mày ở bản K-Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương thu hoạch lúa hè thu.

Trong những ngày qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình đã huy động các cán bộ, chiến sỹ xuống đồng, hỗ trợ bà con thu hoạch lúa. 

Bộ đội lội ruộng giúp bà con dân bản gặt lúa sau mưa lũ - 1

Cán bộ, chiến sỹ biên phòng giúp người dân gặt lúa (Ảnh: Đức Trí).

Mặc dù gặp thời tiết bất lợi, tuy nhiên bà con dân bản vẫn phấn khởi bởi lúa đạt năng suất cao. Vụ hè thu năm nay đạt năng suất 3,5 tấn/ha. Đây là vụ mùa đánh dấu mốc sự kiện 10 năm hình thành ruộng lúa nước ở bản K-Ai, xã Dân Hóa, do lực lượng biên phòng triển khai.

Thượng tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, cho biết tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động cán bộ chiến sỹ, cùng nhiều phương tiện giúp bà con gặt, tuốt lúa. Thành quả vụ mùa sẽ giúp bà con có nguồn lương thực dự trữ trong mùa mưa bão.

Bộ đội lội ruộng giúp bà con dân bản gặt lúa sau mưa lũ - 2

Mặc dù gặp thời tiết bất lợi, tuy nhiên bà con dân bản vẫn phấn khởi bởi lúa đạt năng suất cao. Vụ hè thu năm nay đạt năng suất 3,5 tấn/ha (Ảnh: Đức Trí).

Bản K-Ai là địa bàn vùng biên giới, đồng bào ở đây chủ yếu là người Mày, sống dưới những chân núi đá vôi hùng vỹ. Trước đây, đời sống của bà con vô cùng khó khăn, khi mùa mưa đến, bản làng bị chia cắt với những vùng khác. Đời sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm và luôn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Hiểu được nỗi khổ của bà con bản K-Ai, năm 2011, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã quyết định thí điểm mô hình lúa nước với diện tích 100m2. Ngay trong vụ đầu tiên, lúa đã cho năng suất cao.

Căn cứ vào kết quả đó, năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý để BĐBP xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân bản K-Ai vươn lên với việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước sinh hoạt về phục vụ bà con.

Bộ đội lội ruộng giúp bà con dân bản gặt lúa sau mưa lũ - 3

Sau 10 năm (2013-2023), dự án lúa nước có diện tích 5ha ở bản K-Ai đã trải qua 20 vụ mùa (Ảnh: Đức Trí).

Sau 10 năm (2013-2023), dự án lúa nước có diện tích 5ha ở bản K-Ai đã trải qua 20 vụ mùa, từ chỗ bà con nơi đây được cán bộ biên phòng cầm tay chỉ việc, đến nay, đồng bào Mày ở bản Ka Ai đều tự tay làm lấy.

Từ khi có lúa nước đến nay, bữa cơm của dân bản K-Ai đã no hơn, đời sống của họ ngày càng khởi sắc. Mặc dù đã nhận khoán nhưng người Mày vẫn gọi 5ha lúa của bản là "Ruộng biên phòng". Đó cũng là cách để người K-Ai nhắc nhở nhau rằng, cuộc sống no ấm hôm nay cũng nhờ những người lính biên phòng mà có.

Bộ đội lội ruộng giúp bà con dân bản gặt lúa sau mưa lũ - 4

Từ khi có lúa nước đến nay, bữa cơm của dân bản K-Ai đã no hơn, đời sống của họ ngày càng khởi sắc (Ảnh: Đức Trí).

"Có ruộng lúa biên phòng, mỗi năm 2 vụ mang lại cho dân bản niềm vui no đủ. Cả bản có 138 hộ với 708 nhân khẩu, hiện nay tự bảo đảm nguồn lương thực, không chỉ đủ gạo ăn quanh năm mà còn có dự trữ, mua bán và chăn nuôi gia súc. Nhiều năm nay được cán bộ biên phòng chỉ bảo, nên lúa luôn bội thu. Bà con ai cũng mừng, ghi nhớ cái ơn, cái tình của bộ đội", Trưởng bản K-Ai Hồ Hùng nói.

Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, trong các vụ lúa của năm 2023 này, không chỉ dự án lúa nước ở K-Ai, mà các dự án lúa nước ở bản Tân Ly (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), ở Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) cũng bội thu với năng suất cao ngoài mong đợi.

Bộ đội lội ruộng giúp bà con dân bản gặt lúa sau mưa lũ - 5

Dự án đưa lúa nước về với đồng bào đã mang lại nhiều hiệu quả (Ảnh: Đức Trí).

Có thể nói, đưa cây lúa nước lên non chính là một trong những giải pháp căn cơ của BĐBP Quảng Bình, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao giải được bài toán xóa đói, giảm nghèo lâu nay khiến nhiều địa phương trăn trở.

Những bông lúa chín vàng cúi đầu trĩu hạt giữa ruộng nước vùng cao là món quà vô giá đối với đồng bào tộc người Mày, người Khùa, người Rục, người Vân Kiều ở miền biên viễn Quảng Bình.