7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc

(Dân trí) - Vàng thật sẽ không bị ngả màu khi cho vào dấm; trang sức kém chất lượng bị hút bởi nam châm; kim cương tự nhiên không bao giờ bị đọng sương khi chúng ta hà hơi vào…và còn nhiều mẹo để nhận diện một món đồ trang sức là thật hay giả.

Đối với trang sức làm từ kim loại quý

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 1

Phương pháp dễ thực hiện nhất chính là kiểm tra dấu xác nhận tiêu chuẩn của món đồ trang sức mà bạn định mua. Tùy theo loại kim loại quý được sử dụng để chế tác nên đồ trang sức mà chúng sẽ được đóng những loại dấu khác nhau.

Nếu là một sản phẩm có chất lượng tốt, phần dấu xác nhận này cần rõ ràng, sắc nét và đương nhiên thông tin trên dấu xác nhận phải phù hợp với bản chất kim loại. Dưới đây là một số loại dấu xác nhận tiêu chuẩn phổ biến đối với từng kim loại quý mà bạn có thể tham khảo:

- Dấu xác nhận vàng: 375, 500, 583, 585, 750, 916, 958, 999

- Dấu xác nhận bạc: 800, 830, 875, 925, 960, 999

- Dấu xác nhận bạch kim: 850, 900, 950, 999

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần biết thêm về cách đọc thông tin của dấu xác nhận để hiểu được chất lượng của món đồ trang sức mà mình định mua. Cụ thể, những con số này chính là hàm lượng phần trăm của kim loại quý. Ví dụ như bạc 925 có nghĩa là loại hợp kim làm nên món đồ trang sức đó có 92,5% là bạc nguyên chất.

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 2

Các loại trang sức giả hoặc trang sức mạ vàng thường có hàm lượng sắt khá cao trong thành phần. Vì vậy, những sản phẩm phẩm chất kém này sẽ dễ dàng bị hút bởi nam châm và đây cũng chính là “mẹo” nhận diện rất dễ dàng mà người tiêu dùng nên biết.

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 3

Bạc và bạch kim có vẻ ngoài khá giống nhau. Chính vì vậy, chúng đôi lúc bị các gian thương “tráo đổi thân phận” để qua mắt những người tiêu dùng kém hiểu biết, bởi giá trị của bạch kim lớn hơn bạc rất nhiều.

Cách để phân biệt hai kim loại này chính là dựa vào đặc tính vật lý của chúng. Theo đó, bạc sẽ có màu tối hơn bạch kim. Ngoài ra, trang sức làm bằng bạc cũng dẻo và dễ biến dạng hơn bạch kim.

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 4

Chúng ta có thể kiểm tra vàng với sự trợ giúp của dung dịch iodine (có thể dễ dàng mua ở tiệm thuốc tây). Với cách làm này, bạn chỉ cần cho iodine vào tăm bông; quét lên bề mặt trang sức; nếu có vết iodine bám lại trên trang sức chứng tỏ nó được làm bằng vàng giả hoặc là loại hợp kim chỉ chứa rất ít thành phần vàng nguyên chất.

Trong trường hợp của bạch kim, hãy nhỏ 1 giọt iodine lên món đồ, nếu iodine chuyển sang màu tối nghĩa là sản phẩm được làm bằng bạch kim thật.

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 5

Đổ đầy dấm vào trong một chiếc cốc sau đó thả món trang sức vào. Trong trường hợp sản phẩm bị sậm màu đi chỉ sau 5 phút, chứng tỏ nó được làm bằng vàng giả.

Đối với các loại đá quý

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 6

Kim cương thật có độ dẫn nhiệt rất cao. Vì vậy, khi bạn hà hơi vào sẽ không hề có hiện tượng đọng sương mờ trên bề mặt. Đây cũng chính là phương pháp kiểm tra mà bạn cần biết khi có ý định mua loại đá quý đắt đỏ này.

7 mẹo hay để nhận diện đồ trang sức giả trong tích tắc - 7

Để kiểm tra xem miếng hổ phách có thật hay không, bạn chỉ cần thả nó vào trong một ly nước muối. Lúc này, loại hổ phách giả được làm từ nhựa hay nhựa cây tổng hợp sẽ chìm ngay lập tức. Trong khi đó, hổ phách thật sẽ nổi, đơn giản là bởi khối lượng riêng của hổ phách bé hơn nước muối.

Minh Nhật

Theo BS