Cần sự đầu tư đúng mức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phỏng vấn Ông Đỗ Minh Phú – CTHĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn VBĐQ DOJI – Top 5/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất VN 2010

Thưa ông, đầu năm nhiều doanh nghiệp thuộc top VNR500 đều rất lạc quan với những triển vọng kinh tế của năm 2010. Tuy nhiên với việc thị trường ngoại hối tiếp tục biến động mạnh, tỷ giá USD trên thị trường tự do leo thang từng ngày… khiến cho mặt hàng nhập khẩu bị tác động, đẩy giá lên theo. Vậy tập đoàn đã giải quyết bài toán này như thế nào?
 
Cuối năm 2009, một loạt các biện pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, đặc biệt là gói cứu trợ lãi suất đã phát huy hiện quả, vì thế đầu năm nay, khá nhiều doanh nghiệp đều thấy lạc quan về triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, chuẩn bị kết thúc năm 2010, nhìn lại, chúng ta thấy rằng quá trình phát triển của các doanh nghiệp đã gặp khá nhiều khó khăn.
 
Vấn đề tỷ giá, cung cầu ngoại tê, lạm phát tăng cao đã gây khó khăn trong việc cung ứng nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu, mặt khác thị trường cũng bị co hẹp. Đây là những vấn đề mà Tập đoàn VBĐQ DOJI nhìn thấy được ngay từ những thời điểm cuối năm 2009, đầu năm 2010. Chúng tôi đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn còn có những suy thoái, không dễ gì bứt khỏi bức tranh u ám, nếu có sự khởi sắc thì vẫn đòi hỏi cả quá trình. Nền kinh tế của Việt Nam cũng không thể thoát khỏi hẳn những sự tương quan đó. Mặt khác khi nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa thực sự phát triển bền vững thì vẫn đòi hỏi phải nhập khẩu, nhập khẩu nhiều sẽ dẫn đến nhập siêu, tạo sức ép lên tỉ giá, nguồn ngoại tệ thu được sẽ luôn bị thiếu hụt, dân đến việc thặng dư, thâm hụt giữa cán cân xuất khẩu và nhập khẩu. Bài toán này chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở là nền kinh tế Việt Nam phải được phát triển mạnh hơn, tăng cường xuất khẩu, kiềm chế mức độ chi tiêu cho việc đầu tư công. Nhưng tất nhiên đấy là một bài toán lâu dài.
 
Cần sự đầu tư đúng mức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - 1
Ông Đỗ Minh Phú – CTHĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn VBĐQ DOJI, Doanh nghiệp đạt Top 5/500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất VN 2010
 
Sau khi đánh giá, Tập đoàn VBĐQ DOJI đã có những tính toán riêng cho sự phát triển của mình. Trước hết, chúng tôicủng cố lại thị trường nội địa bởi từ trước đến nay, mọi người thường quan niệm trang sức, vàng bạc đá quý là mặt hàng cao cấp chỉ dành cho những người có thu nhập cao và đôi khi người ta hướng ra thị trường bên ngoài. Nhưng chúng tôi nhận thấy thị trường trong nước là một tiềm năng lớn vì trong quá trình hồi phục nền kinh tế sẽ xuất hiện nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu đối với mặt hàng VBĐQ vẫn còn, thậm chí nó được phân hóa sang những phân khúc riêng, đó là thị trường trang sức cao cấp với các mặt hàng như Kim cương, trang sức đá màu….Vì vậy, trong năm 2010, Tập đoàn DOJI tiếp tục mở rộng hàng loạt 8 Trung tâm VBĐQ & trang sức cao cấp, chủ yếu tại Hà nội,Tp HCM và Đà Nẵng, trong đó nổi bật là Trung tâm VBĐQ và Trang sức Cao cấp tại Tp HCM vừa được khai trương trong tháng 8 vừa qua. Hiện Trung tậm được đánh.giá có quy mô, uy tín và lớn nhất Thành phố mang tên Bác. Viêc củng cố, mở rộng các hoạt động về lĩnh vực VBĐQ & Trang sức cao cấp đã góp phần giúp DOJI có một chỗ chắc chân trên thị trường.
 
Bên cạnh đó, là một trong những đơn vị hàng đầu trong việc kinh doanh vàng miếng, XNK vàng, đối với Tập đoàn DOJI chúng tôi, vấn đề ngoại tệ, tỉ giá càng là nỗi lo thường trực. Trong năm 2010, DOJI đã xuất khoảng trên 50 triệu USD. Có thể nói, nguồn cung ngoại tệ này không chỉ giúp cho bản thân doanh nghiệp mà còn góp phần giải quyết khó khăn cho nguồn cung ngoại tệ chung của nền kinh tế cả nước. Việc Nhập khẩu Vàng là bài toán không dễ vì phải được nhà nước cấp quota nhập khẩu. Nhưng số lượng Nhà nước cho nhập chỉ có hạn, trong thời gian rất ngắn, nên bản thân chúng tôi luôn phải cân đối, tính toán theo sát tình hình thị trường. Giá vàng lại thường xuyên biến đổi, khi nhập khẩu về phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá vàng Thế giới, tỉ giá giữa đồng đô la và đồng VN ở thị trường trong nước và nhiều yếu tố tác động khác, bởi vậy, kinh doanh Vàng luôn được coi là lĩnh vực chiếm nhiều rủi ro nhất. Để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi phải cân đối, giải quyết được bài toán gồm 2 phần chính là tỉ giá và thời gian. Thứ nhất là vấn đề tỉ giá: phải tính toán giá bán theo tỉ giá ngoại tê, không phải của thị trường liên ngân hàng. Bởi thực tế, không thể có được một nguồn ngoại tệ mà ngân hàng sẵn sàng thu xếp với giá công bố. Vì vậy,trong vấn đề hạch toán và giá bán của chúng tôi phải bao gồm phần tính theo tỉ giá của thị trường mở, tức là tỉ giá của thị trường liên ngân hàng được cộng với tỉ lệ phần trăm biến động mà chúng tôi phải dự liệu trước. Thứ hai, phải bảo đảm được thời gian có thể quay vòng và giải quyết số lượng hàng đã Nhập khẩu bởi giá vàng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào, trong trường hợp không kịp xử lý được lượng hàng đã Nhập khẩu thì việc rủi ro về thua lỗ là rất dễ xảy ra.
 
Theo bảng xếp hạng VNR 500 thì một số doanh nghiệp tư nhân vẫn thể hiện được tăng trưởng tốt so với các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2010. Điều này một mặt cho thấy sự lớn mạnh và đẳng cấp của các doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng mặt khác cũng có thể là dấu hiệu không tốt cho thấy sức mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?
 
Theo bảng xếp hạng của VNR500 thì 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam được lọt vào danh sách này phải đạt chỉ tiêu doanh số ít nhất là 500 tỷ đồng. Nếu tính tỷ giá trung bình của năm 2010, các doanh nghiệp được lọt vào bảng xếp hạng này, doanh số thấp nhất là ở mức 28-30 triệu USD. Riêng đối với Top 5 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, đã có những doanh nghiệp đạt được doanh số trên 1 tỷ USD. Bản thân các tạp chí xếp hạng trên TG hiện nay khi đánh giá 2000 doanh nghiệp hàng đầu tòan cầu, họ cũng lấy chỉ tiêu vào CLB là 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy các Doanh nghiệp tư nhân của chúng ta cũng đã có thể được đặt vào trong số Top 2000 các doanh nghiệp có doanh thu lớn trên TG.
 
Cách đây 5 năm, chúng ta khó mà nghĩ tới các doanh nghiệp tư nhân có thể đạt được doanh thu 1 tỷ USD như bây giờ. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp tư nhân ngày nay đã và đang có những nỗ lực và phát triển đáng kể. Nhưng nhìn vào bảng xếp hạng này, dường như vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN với các loại hình doanh nghiệp như vậy trên thế giới. Chúng ta chỉ xếp hạng có 500 doanh nghiệp lấy tiêu chí là 500 tỷ đồng, so với số lượng trên 500 000 doanh nghiệp đang được đăng ký và họat động kinh doanh trên toàn quốc, điều đó cho thấy các doanh nghiệp phần lớn vẫn đang có doanh thu khá khiêm tốn. Đây quả là một thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ VN trong quá trình hội nhập. bởi doanh thu nhỏ chứng tỏ thị phần yếu, sức cạnh tranh kém, vẫn chưa có được lượng khách hàng ổn đỉnh, thiếu sự chắc chân trên thị trường nội địa.
 
Từ đó chúng ta thấy hai vấn đề rất rõ được đặt ra, Đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải tiếp tục phát triển ra sao và các cơ quan quản lý nhà nước phải nhìn nhận các doanh nghiệp này có tầm quan trọng như thế nào trong sự phát triển chung của đất nước. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng và đánh giá rất cao sự đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi họ hiểu rằng đây chính là mạng lưới quyết định cho hệ thống phân phối, là các cơ sở vệ tinh, sản xuất công nghiệp phụ trợ, là nguồn tiêu thụ sản phẩm của các tập đoàn lớn…Nhưng thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta vẫn chưa thực sự đảm đương được việc đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tập trung và tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho các doanh nghiệp này, bởi đây chính là yêu cầu, đòi hỏi, là động lực thiết yếu để phát triển nền kinh tế.
 
Cần sự đầu tư đúng mức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - 2
Như chúng ta đã biết, nếu chỉ dùng doanh thu, thì cũng chưa thể phản ánh chính xác được thứ hạng của các doanh nghiệp trong một nền kinh tế. Trong khi đó bảng xếp hạng VNR 500 dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune500 của Hoa Kỳ, đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí chính là doanh thu. Với tình hình hiện nay thì ông có hài lòng với cách xếp hạng này?
 
Tổ chức xếp hạng VNR500 dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune 500 của Hoa kỳ và có sự tư vấn của trường đại học Havard. Nếu đánh giá về các doanh nghiệp,tôi nghĩ rằng có thể dựa trên những tiêu chí như sau: Về độ lớn thì dựa vào doanh thu, nhân lực, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng…; Về hiệu quả thì căn cứ vào lợi nhuận ròng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu, vòng quay của vốn, nộp ngân sách nhà nước; Nếu đánh giá Về độ tăng trưởng thì sẽ có hệ số tăng trưởng trên doanh thu, hệ số tăng trưởng của lợi nhuận so với cùng kỳ, vốn đầu tư tăng thêm của các dự án mà các doanh nghiệp đang tiến hành đầu tư…
 
Như vậy, nếu đánh giá doanh nghiệp thì cần phải có số liệu để đong đếm được. Để đánh giá về hiệu quả, chỉ tiêu cao nhất chính là lợi nhuận ròng được thể hiện từ tổng số tiền nộp vào ngân sách. Theo tôi biết,VNR500 đã có đánh giá xếp hạng về các đơn vị nộp thuế cao nhất trong năm vừa qua.
 
Còn để đánh giá Độ lớn của Doanh nghiệp thì doanh thu chính là tiêu chí quan trọng nhất để định lượng được sức mạnh, khả năng chi phối thị trường và chiếm lĩnh thị phần, khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Thứ hạng càng cao chứng tỏ Doanh nghiệp có doanh thu càng lớn va đồng nghĩa với việc họ có thị phần rẩt đáng kể trên thị trường
 
Do vậy, tôi nghĩ rằng, việc bảng xếp hạng VNR500 dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune500 của Hoa Kỳ, đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí doanh thu là hợp lý.
 
Cám ơn ông!