1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Uy lực của Quốc hội

Tại phiên thảo luận về đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội sáng 4/6, có ý kiến cho rằng, quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội như “thượng phương bảo kiếm”, khi nào cần kíp mới rút ra. Và ý kiến ngược lại, người dân trông đợi “bảo kiếm” được sử dụng.

Đến bây giờ mới bàn việc bỏ phiếu tín nhiệm người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tưởng cũng đã quá muộn, bởi vì đúng ra việc này đã được thực hiện từ lâu. Vậy mà, khi bàn đến, lại cho thấy còn có nhiều vướng mắc khiến cho việc bỏ phiếu tín nhịêm không khả thi. Ví dụ như quy định phải có 20% tổng số đại biểu đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm - một điều có thể xem là không thể, vì trong cùng thời điểm khó có đến 100 đại biểu có kiến nghị trùng hợp.

 

Các đại biểu ví von quyền bỏ phiếu tín nhiệm  như “thượng phương bảo kiếm” của Quốc hội, có nghĩa là dùng để xử những người vi phạm là quan chức cao cấp. Đúng là như vậy, xử lý “thảo dân” bình thường cần chi đến “thượng phương bảo kiếm”. Nhưng bởi vì kiếm chỉ để trong vỏ nên không mấy ai sợ uy để tự chế ngự mình. Người giữ các chức danh do Quốc hội bầu cứ thế mà làm, hay dở, đúng sai cũng không bị “trảm” bằng những lá phiếu bất tín nhiệm.

 

Chính vì vậy nên người không có thực tài, làm việc không tốt vẫn cứ ôm cái ghế cho đến hết nhiệm kỳ, thậm chí tiếp tục làm cho đến khi về hưu. Hãy nhìn những tồn tại tiêu cực và những tệ nạn của đất nước hiện nay và cùng suy ngẫm rằng, có phải có một phần nguyên nhân do chưa thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm?

 

Nếu cho rằng phải đến khi phát hiện người nào đó có sai phạm mới bỏ phiếu bất tín nhiệm, e rằng không khả thi. Lúc đó là việc của cơ quan tố tụng, nếu có đủ căn cứ thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nước này rồi thì việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chẳng qua chỉ là thủ tục. Cũng cần phải nhận thức rằng, không phải có hành vi vi phạm mới đáng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà người giữ chức vụ cao nhưng năng lực hạn chế, để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, thất thoát, lãng phí và nhiều tồn tại yếu kém trong lĩnh vực mình quản lý thì cần xem xét bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu thực hiện bỏ phiếu bất tín nhiệm để cách chức ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra những sai phạm nghiêm trọng về sau.

 

Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ nên được xem là việc bình thường, thể hiện quyền của đại biểu Quốc hội, đồng thời là động lực để những người có chức vụ cao làm việc tốt hơn. Cái uy lực của lá phiếu tín nhiệm không chỉ được phát ra khi đại biểu Quốc hội bỏ phiếu, mà chính việc thực hiện quy định này trong hoạt động Quốc hội là một uy lực – uy lực của Quốc hội. Cử tri không muốn ai bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà chỉ mong những người giữ chức vụ cao làm việc có hiệu quả, tận tâm tận lực với dân, với nước.

 

Theo Lê Thanh Phong

 Lao động