Bạn đọc viết:

Trả lời cho những câu hỏi với ngành Y: Đưa tất cả về đúng giá trị thực!

(Dân trí) - Câu hỏi mà xã hội đang đặt ra cho ngành y nói chung và các giáo sư, bác sỹ nói riêng là: Tại sao lại như vậy và làm thế nào để thay đổi? Câu trả lời vô cùng đơn giản: đưa giá trị của con người, của công việc về đúng giá trị thực.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Kính gửi tòa soạn, kính gửi GS Phạm Gia Khải (Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Hội Tim mạch VN)! Tôi đồng quan điểm với GS về việc hiện nay không nên vì một vài sự vụ mà quy chụp cho tất cả các BS là thiếu y đức. Nhưng tôi cũng không đồng tình việc GS nói là BS phải có đạo đức cao cả hơn người.

 

Theo tôi, quan điểm đó đã không tồn tại từ lâu rồi,  vì nó không phản ánh đúng bản chất và quy luật của xã hội. Tất cả chúng ta đều là con người, đều vì cuộc sống mưu sinh, đều được sinh ra trên đất nước này, đều được giáo dục trong cùng một môi trường…. Vì vậy đừng đòi hỏi BS phải đạo đức hơn kỹ sư, phi công hay kế toán.... Cũng không nên đòi hỏi BS không được giàu hay làm kinh tế, vì đó là quyền của mỗi con người.

 

Tôi nhớ câu chuyện kể về một cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại Mỹ đã bất chấp nguy hiểm cứu người trong một vụ hỏa hoạn. Báo chí xúm vào hỏi động lực nào giúp anh dũng cảm như vậy. Nếu ở VN tôi nghĩ chắc anh ta sẽ phải nói: vì thương yêu đồng loại hay đại loại là cái gì tương tự, nhưng anh ta đã trả lời rất đơn giản: “Tôi được trả lương để làm việc đó”.

 

Quay lại câu chuyện ở VN, gia đình tôi cũng có vài người làm BS, y tá tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Nhưng bản thân tôi cũng rất bức xúc khi phải vào các bệnh viện của nhà nước, và tôi dám khẳng định là đến hơn 90% dân VN hiện nay khi phải vào khám tại các bệnh viện đều không hài lòng. Tuy nhiên phản ứng thì khác nhau. Người có điều kiện thì sang các bệnh viện tư, sang nước ngoài, không thì nhờ cậy người quen. Người thì đưa phong bì để được phục vụ tốt hơn. Còn phần lớn tự an ủi “có bệnh phải vái tứ phương” nên cam chịu, chấp nhận những thái độ cáu gắt, vô trách nhiệm của đội ngũ BS, y tá và đương nhiên phải chịu những hậu quả của thái độ đó gây ra.

 

Câu hỏi mà xã hội đang đặt ra cho ngành y nói chung và các GS, BS nói riêng là: Tại sao lại như vậy và làm thế nào để thay đổi? GS đã bao giờ đặt câu hỏi là tại sao cũng các BS đó, khi ra làm cho các bệnh viện tư nhân thì thái độ và cách cư xử lại khác hẳn? Câu trả lời rất đơn giản: là vì họ làm thuê cho ông chủ. Khi vào làm họ đã thỏa thuận thống nhất về mức lương, thời gian làm việc, thái độ trong công việc và khi vi phạm thì đương nhiên họ sẽ bị phạt vào lương hoặc bị sa thải. Họ cũng không bao giờ dám hỏi là tại sao ông chủ bệnh viện lại giàu như vậy. Và một điều quan trọng nữa là ông chủ trả lương họ đủ sống, BS giỏi được bệnh nhân đánh giá tốt sẽ lương cao hơn.

 

Nhưng ở bệnh viện nhà nước tôi thấy là hoàn toàn khác. Gần như tất cả đều phải hô khẩu hiệu: làm việc cống hiến, là “lương y như từ mẫu” nhưng cống hiến cái gì khi “từ mẫu” không thể sống bằng lương? Cống hiến cái gì khi người giỏi, người kém lương không khác gì nhau? Khi nhìn ra xung quanh thấy các cán bộ lãnh đạo thì nhà lầu, xe hơi… còn mình thì cứ ngày đêm phục vụ?

 

Không một lương y nào chịu được sự bất công đó, họ sẽ nghĩ cách tìm lại sự công bằng cho chính mình. BS có chuyên môn, bằng cấp thì mở phòng khám tư, làm thuê cho các bệnh viện tư nhân. Và đương nhiên họ không còn nhiều tâm huyết cho công việc chính tại bệnh viện nhà nước nữa, họ phải giữ sức và tham ô thời gian của nhà nước để phục vụ cho việc làm thêm và làm giàu. Còn người không có chuyên môn cao như y tá, y sỹ thì phải nhận phong bì, sử dụng quan hệ giúp đỡ các người quen (có điều kiện) rồi nhận tiền cảm ơn, cũng là một hình thức cải thiện thu nhập. Chưa nói đến những tiêu cực khác mà tôi không tiện nói ra ở đây.

 

Một số BS có vị trí thì cũng tranh thủ quyền lực của mình để mở rộng quan hệ, để “làm chính trị” thông qua việc giúp đỡ những người có vị trí trong xã hội với mong muốn thăng tiến. Theo tôi thấy, những giá trị của khoa học, con người, xã hội lâu nay đã bị bóp méo như thế đó….

 

Vậy làm thế nào để thay đổi? Tôi nghĩ, câu trả lời lại vô cùng đơn giản: Đưa giá trị của con người, giá trị của công việc, của BS, của người bệnh về đúng giá trị thực của nó. Nhưng câu hỏi khó hơn là: Giá trị thực là bao nhiêu, là như thế nào? Câu hỏi này nhờ GS và các nhà hoạch định chính sách trả lời giúp!

 

Cảm ơn tòa báo đã quan tâm và đăng bài viết! Trân trọng.

 

Trần Đức Giang