Đường dây nóng của Bộ Y tế: Bệnh nhân bức xúc… lỗi tại bệnh nhân?

Sau hơn 1 tháng triển khai đường dây nóng, Bộ Y tế đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người dân phản ánh về các bức xúc khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các bệnh viện giải quyết những phản ánh đó hiện vẫn rất chung chung và thường đổ lỗi người bệnh phản ánh sai.

Đường dây nóng của Bộ Y tế: Bệnh nhân bức xúc… lỗi tại bệnh nhân?

Người nhà bệnh nhân bức xúc yêu cầu lãnh đạo BV Đa khoa Hà Tĩnh làm rõ việc tắc trách của bác sĩ gây ra cái chết của người thân họ.

 

Bức xúc với bác sĩ, giữa đêm bế con ra bệnh viện tư

 

Theo thống kê, đường dây nóng Bộ Y tế nhận rất nhiều cuộc gọi bức xúc về tinh thần thái độ của cán bộ y tế. Theo phản ánh: “Một cháu bé bị bệnh phổi, tím tái, không thở được, vào cấp cứu tại khoa Nhi của BV Đa khoa Khánh Hòa, nhưng bác sĩ (BS) tên là Bảo thông báo cháu bé không sao. 30 phút sau, vị BS này quay lại nhưng không sơ cứu cho cháu bé, đồng thời có thái độ không tốt đối với bố cháu bé và gọi bảo vệ đuổi bố cháu bé ra khỏi viện. Trước đó, BS có yêu cầu gia đình đóng lệ phí 500.000 đồng, nhưng vì cháu được hưởng chế độ BHYT nên gia đình không đóng. Thấy BS  thờ ơ trước sự nguy cấp của con và lại bị đuổi khỏi BV, nên bố cháu đã đưa cháu ra BV tư lúc 1 giờ sáng để cấp cứu”.

 

Một bức xúc khác của người nhà bệnh nhi: “Bệnh nhi bị viêm phổi đến khám ở BVĐK Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội). Người nhà liên tục hỏi BS điều trị là Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Nhi, về tiến triển bệnh, BS nói ổn, nhưng sau khi bệnh nặng thêm thì BS mới cho chuyển bệnh nhi lên tuyến BV Xanh Pôn. Các BS BV Xanh Pôn nói bệnh đã quá nặng và bị rỗ phổi. Quay lại BVĐK Vân Đình trách móc thì bị BS Văn văng tục...”.

 

Một số người dân phản ánh việc mất những khoản phí vô lý khi khám - chữa bệnh. “Tại BV Từ Dũ, bệnh nhân (BN) đến sau được khám trước; có tình trạng móc nối với y tá, cò mồi đút lót tiền để ưu tiên khám không cần lấy số, khiến BN rất bức xúc. Các y tá còn “khuyên nhỏ” BN rằng muốn khám trước kẹp 70.000 - 100.000 đồng trong sổ khám hoặc đưa cho y tá để được ưu tiên...”. Tại BV K, BS có thái độ hách dịch, quát nạt BN từ khâu đón tiếp. Mỗi tuần BN gặp BS xạ trị đều phải có phong bì; muốn có kết quả xét nghiệm nhanh cũng phải có phong bì.

 

Còn tại  BVĐK Kinh Bắc (Bắc Ninh), BN phản ánh trước đây đã khám tại BV và được phát sổ khám bệnh, nhưng do khám đã lâu nên làm mất sổ, sau đó đi khám thì nhân viên ở BV bắt phải mua lại sổ khám bệnh với mức phí 100.000 đồng mới được khám. Thắc mắc thì nhân viên nói đây là quy định của BV”.

 

Một BN tại BVĐK Tuyên Quang phản ánh, BV này cố tình lừa BN làm xét nghiệm lấy tiền. “Tôi đến tán sỏi thận tại BVĐK Tuyên Quang, đã đóng phí xét nghiệm 1.800.000 đồng, nhưng máy tán sỏi bị hỏng, BS bảo BN về nhà chờ. Chờ đến 16 ngày, đến hỏi thì BS Trưởng khoa Tiết niệu nói: Nếu không chờ được thì đi BV khác. BN đòi lại tiền làm xét nghiệm nhưng BV không trả...”.

 

Một bức xúc khác: “BN bị ung thư lưỡi, được mổ tại BV Đại học Y dược TPHCM. Hẹn 5 - 10 ngày sau tái khám, sau đó BN đau, trở lại BV lúc đó 12 giờ. Một y tá  không nhận BN vì giờ đã muộn và nói: “Nếu muốn nhận vào viện, 1 ngày 10 triệu có chịu không thì đưa vô”. Gia đình phải đưa BN quay sang BV Ung bướu. Người nhà BN bức xúc: BN đã mổ tại BV hết 60 triệu đồng, nhưng BV lại không có trách nhiệm theo dõi sau mổ...”.

 

Bệnh nhân bức xúc sai?

 

Giải trình về việc cháu bé bị viêm phổi vào BVĐK Khánh Hòa giữa đêm phải ra BV tư cấp cứu, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: “Thanh tra sở đã làm việc với BV và kết luận, BS trực đã khám và giải thích rõ tình trạng bệnh của cháu cho gia đình. Tuy nhiên, bố của cháu bé không chịu nghe và đã có những lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa, một mực đòi bỏ viện. Do bố cháu bé có những cử chỉ hết sức hung hãn, manh động nên bảo vệ BV  phải can thiệp, giữ an ninh trật tự trong khoa. Còn BS Bảo vẫn giữ bình tĩnh và cố gắng không đôi co với bố BN”. Với lời giải trình này thì lỗi do bố cháu bé quá bức xúc chứ không phải do BS Bảo thờ ơ với BN (!?).

 

Gia đình bệnh nhân bức xúc với Bệnh viện bán công Bình Dương.

Gia đình bệnh nhân bức xúc với Bệnh viện bán công Bình Dương. 

 

Giải trình về những khoản phí vô lý, BVĐK tư nhân Kinh Bắc giải thích, BN khám lần tiếp theo nếu không mang sổ thì BV sẽ bán sổ mới với giá 100.000đ/sổ nhằm chấn chỉnh ý thức giữ gìn sổ khám bệnh của người dân. Như vậy có nghĩa là BVĐK tư nhân Kinh Bắc đang tự “đẻ” ra những quy định để kiếm tiền của người bệnh?

 

Còn giải thích của BVĐK Tuyên Quang về việc lừa tiền tán sỏi của BN là không đúng. "1,8 triệu đó là BV thu tiền khám bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng, thuốc. BS Trưởng khoa Tiết niệu đã viết bản kiểm điểm, nhận lỗi vì chưa khéo léo, giải thích chưa đầy đủ với BN”, BVĐK Tuyên Quang giải trình.

 

Có rất nhiều công văn giải trình của các BV gửi về Bộ Y tế, sau khi bộ này chuyển tiếp các phản ánh của người dân từ đường dây nóng. Nhưng qua các công văn giải trình của các BV thấy rằng, các BV luôn cố “hất” lỗi về cho BN, chứ cán bộ y tế không có lỗi. Những từ rất chung chung như: "Không có chứng cứ", "không đúng như phản ánh" hay "sẽ xem xét", "sẽ kỷ luật"... luôn xuất hiện để bao biện và giải trình với Bộ Y tế.

 

Người bệnh sau khi gọi đến đường dây nóng nếu nhận được thông báo rằng mình vu khống cho y tá, BS thì chắc rằng họ sẽ không gọi lại lần thứ 2. Và, với cách xử lý như thế này, chắc cũng không nhiều BN hào hứng nhờ cậy đến đường dây nóng.

 

Theo Đức Anh

Lao động