Bạn đọc viết:

Tắc ở đâu, chính sách tác động đúng đối tượng ở đó

(Dân trí) - Theo ý kiến của tôi, trung tâm Hà nội, TP HCM không nên coi là đại diện cho cả nước. Tắc ở đâu thì phải xử lý ở đó, chính sách phải tác động đúng đối tượng.

1. Đừng để vì Hà Nội và TP HCM mà người dân cả nước phải trả thuế nhập khẩu ô tô cao hơn các nước khác. Đừng vì nội thành - trung tâm Hà Nội, TP HCM nơi mỗi  mét vuông đất trị giá cả vài trăm triệu đồng, mà những người dân ngoại thành Hà Nội như các quận Long Biên, huyện Gia lâm hay quận 2, quận 7, huyện Củ Chi của TPHCM không được mua ô tô.
 
Có phải ô tô nào đăng ký Hà Nội cũng gây tắc đường. Có phải hãng taxi nào cũng hoạt động ở nội đô? Cấm xe cá nhân? Cấm taxi? vậy người nhà các vị ốm cần đi bệnh viện thì gọi xe nào? Trung tâm Hà Nội, TP HCM không nên coi là đại diện cho cả nước. Tắc ở đâu thì phải xử lý ở đó, chính sách phải tác động đúng đối tượng.
 
Tắc ở đâu, chính sách tác động đúng đối tượng ở đó - 1
Các bãi đỗ xe luôn chật cứng (ảnh: Hoàng Long, báo DĐDN)

 

2. Đối với Hà Nội và TPHCM, tôi thấy chỉ cần áp dụng những biện pháp sau:

 

a. Những con đường chính luôn không được phép dừng, đỗ. Muốn dừng phải vào sảnh khách sạn, hoặc vào bãi đỗ, hoặc rẽ vào các đường ngang gần đó (những đường gần nhất cho phép đỗ).

 

b. Muốn thông thoáng đường cần phải phát triển bãi đậu xe. Nhà nước không thể bỏ tiền ra cho các vị, mà các vị có xe phải trả tiền. Ở Sydney, Australia, đậu xe khoảng 3-4 giờ gần trung tâm thì mất khoảng 50 AUD là chuyện thường. Ai có tiền thì gửi, không tiền thì chỉ chạy vòng vòng vì không được dừng trên đường mà phải vào bãi.

 

Nếu Hà Nội mà quản lý chặt các bãi đậu và không cho dừng xe trên đường, cho phép tư nhân đầu tư và thu phí phí bãi đậu, thì tôi tin các bãi đậu xe sẽ tự mọc lên không mà cần Chính phủ phải đầu tư.

 

c. Vấn đề đậu xe qua đêm: Hà Nội, TPHCM chắc cũng vậy, có rất nhiều điểm đậu xe qua đêm phát triển tự phát. Đó chính là sân trường học, sân trụ sở cơ quan…. Những bãi đậu này chỉ có năng lực lưu xe qua đêm, đến sáng phải trả lại mặt bằng cho trường hay công sở. Vậy những xe đó đi đâu? Đi ra đường, vì thế không tắc mới lạ. Bộ GTVT có cho họ giờ làm việc từ 8h30, thì 6h30 họ vẫn phải chạy xe ra đường (vì không được phép gửi quá giờ). Vậy năng lực bãi đậu xe phải đảm bảo 24/24h chứ không thể theo kiểu lúc được lúc không như vậy.  Đây cũng chính là 1 lý do gây tắc đường ban ngày.

 

d. Vậy muốn hạn chế phát triển mô tô, ô tô trong nội thành, chỉ cần nhìn rất đơn giản: Tất cả diện tích mặt đường là phải dành cho giao thông động, không được phép biến thành bãi đỗ xe. Bãi đỗ xe có thể lấy một phần vỉa hè ở những phố có vỉa hè rộng, nhưng vẫn phải đảm bảo ưu tiên cho người đi bộ.

 

Vỉa hè không được lấn chiếm làm nơi kinh doanh. Phí đậu xe thu thật cao (có ngang bằng nước ngoài cũng không ai có ý kiến) và cũng không gây tăng CPI. Muốn đăng ký ô tô phải có đủ điều kiện (có gara hoặc hợp đồng bãi đậu - bãi đậu 24/24h). Không cho sử dụng sân cơ quan/trường học làm bãi đậu qua đêm. Như vậy mới đánh đúng đối tượng. Ai có bãi đậu mới được mua xe. Ai có tiền mới vào trung tâm gửi xe.

 

e. Thêm nữa, vào trung tâm cần phải bị thu phí như ERP ở London, Anh hay Singapore. Taxi ở khu trung tâm TP phải quản lý như ở Singapore – tập trung và có bến đón đậu, nếu gọi tới nơi thì mất thêm phí. Còn dân thì phải đi bộ đến điểm đón taxi và xếp hàng chờ đến lượt phục vụ. Như vậy xe taxi không chạy lung tung như mắc cửi nữa vì họ biết rõ những nơi có khách để đón.

 

Nguyen Anh 

email:  anhnguyen201174@yahoo.com