Bạn đọc viết:

Nếu bà Diệu Hiền dám đối mặt…

(Dân trí) - Những ngày qua, ở phương trời xa xôi (nhiều người cho rằng bà Diệu Hiền đang ở Mỹ) chắc những thông tin từ Việt Nam bà đều đọc được và nằm rõ. Có lẽ nó cũng khá giống với tưởng tượng của bà trước ngày lặng lẽ rời xa chồng con, xa đất nước...

Nếu bà Diệu Hiền dám đối  mặt…
Bà Diệu Hiền

 

Tôi không quen biết và thực sự không hiểu lắm về các ngành nghề cũng như các lĩnh vực mà bà đang đầu tư. Nhưng với con mắt và sự trải nghiệm có thể nói là ít ỏi trong kinh doanh, tôi nghĩ mình cũng có thể nhìn ra những gì bà Diệu Hiền và gia đình bà đang phải đối mặt.

 

Trước hết, chúng ta hãy nhìn nhận về mặt tích cực của con người này: theo báo chí đánh giá thì bà Diệu Hiền trước đây là doanh nhân thành đạt, là chủ của doanh nghiệp đa ngành nghề, doanh thu hơn nghìn tỷ, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

 

Bà được đánh giá là người phụ nữ dám nghĩ, dám làm và việc bà lặn lội theo chồng cũng cho thấy bà cũng rất quý trọng gia đình, chồng con. Trước lễ cưới rình rang của con trai, hầu như không mấy ai biết bà Diệu Hiền là ai.  Nhưng sau lễ cưới, tai họa ập đến  theo cách mà có lẽ chúng ta và chính gia đình bà gồm cả chồng, con trai, cô con dâu xinh đẹp là những người ngỡ ngàng nhất.

 

Bà Diệu Hiền, theo tôi nghĩ, là một đại diện cho tầng lớp giàu mới của người Việt sau những năm Đổi mới. Mà theo đánh giá của một vị Tiến sĩ báo chí vừa trích dẫn mới đây, thì nhiều người dân Việt Nam bây giờ dù giàu hay không giàu đều thích thể hiện. Theo tôi, sự thể hiện của bà Hiền có hai cách lý giải:

 

Thứ nhất là do bản chất con người bà đã thích “đao to, búa lớn”,  thích “hoành tráng” và thích nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người.

 

Thứ hai, Bà Diệu Hiền bắt buộc phải “hoành tráng”, bởi không có lý gì một doanh nhân thành đạt cưới vợ cho con, cô dâu lại là hot girl có hạng thì làm sao mà chỉ làm vài mâm cỗ lẻ tẻ, hoặc đi xe tầm trung (Có mà thiên hạ cười cho thúi mũi). Rồi nữa, e là không thể hiện nhanh thì các chủ nợ nghĩ mình đã hết tiền, đến đòi cũng chết. Cho nên cũng mọi người chớ vội nói câu : “Hoành tráng lắm vào, cũng đáng lắm!”....

 

Khi báo chí đăng tin về các khoản nợ của bà và công ty (thực chất của mình bà Diệu Hiền là chủ yếu) là 1.200 tỷ. Có lẽ thông tin này cũng khá là “nhạy cảm” và thông thường thì các ngân hàng cũng không thích thú lắm khi để lộ thế này, bởi nó có thể gây tâm lí hoang mang cho người bị nợ và hậu quả cho việc thu nợ cũng… khôn lường lắm.

 

Sống trên đời, tôi xin đảm bảo rằng, tiền thì ai cũng phải đi vay, người ít thì triệu, nhiều thì tỷ, vài trăm, nghìn tỷ và chắc chắn càng đại gia, càng giàu thì số lượng nợ ngày càng khổng lồ.
 

Nhẩm tính mỗi ngày bà Hiền phải gánh nợ một tỷ đồng. Thử hỏi tâm trạng của bạn sẽ ra sao nếu mỗi sáng mở mắt, một tỷ đè ngay lên đầu bạn? Áp lực này có chịu nổi không và sẽ chịu trong bao lâu. Câu trả lời thì ai cũng biết. Xét về bản thân nợ vài trăm cũng đã mất ăn mất ngủ, chứ nếu là hàng nghìn tỷ mà không có khả năng thanh khoản thì chắc chỉ có nước nhắm mắt chờ đợi....

 

Nợ của bà Diệu Hiền chưa thể gọi là vỡ nợ… bởi bà và công ty chưa có dấu hiệu chạy trốn và chưa tuyên bố vỡ nợ. Dù sao chúng ta cũng nên nhìn sự việc tích cực một chút. Bà Diệu Hiền vay tiền để kinh doanh cụ thể, chứ không vay tiền kiểu “không biết làm gì” (?) rồi vỡ nợ như các vụ xảy ra trên địa bàn thủ đô Hà Nội những tháng cuối năm vừa qua.

 

Nhưng thực tế vẫn đặt ra câu hỏi 2.700 tỷ tổng tài sản của công ty có giải quyết được số nợ này không? và các đối tác có sẵn sàng nhảy ngay vào "đống lửa đang cháy ngùn ngụt" tại công ty của bà không? Ai sẽ giải quyết được những vấn đề tồn đọng này để tránh sự sụp đổ dây chuyền với những con người và những công ty khác đã, đang làm ăn với bà Diệu Hiền???

 

Khi bị nợ dâng đến đầu, con người ta thường có hai cách giải quyết: Một là chạy trốn; hai là lánh đi để tránh thị phi, sống yên ổn một chút, rồi để hậu quả người nhà tự gánh chịu, tự giải quyết. Xong nợ lại về làm ăn, nhưng đứng trên danh nghĩa người khác. Cách thứ hai là cái cách mà các nhà doanh nghiệp theo như tôi biết họ vẫn làm, tức là người ta vẫn chưa từ bỏ. Mong là bà Diệu Hiền sẽ là trường hợp thứ hai.

 

Khi khó khăn thì tình người càng hiện ra rõ hơn. Lúc này bà Hiền chắc cũng cảm thấy thương thân mình, gia đình chồng con. Chắc bà cũng nghĩ: có khi không cần “đao to búa lớn”, cứ làm ăn bình thường mà vợ chồng con cái đoàn tụ thì mới là hạnh phúc....

 

Tôi nghĩ, tất cả chưa muộn nếu bà dám đối mặt và biết đâu đó còn cho mình cơ hội gây dựng lại từ đầu!!!

 

 An Đông

Dongnh.hqv@techcombank.com.vn