Nền nếp gia phong ngày tết nên gìn giữ!

(Dân trí) - Chuyện kể tự xa xưa. Nhưng đấy lại là chuyện thật của hôm nay, một trong những gia đình Hà Nội cổ giữ nề nếp gia phong 7 đời còn tồn tại cái dư vị cúng bái tiên tổ ngày Tết.

Nền nếp gia phong ngày tết nên gìn giữ! - 1


Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
 Nhâm Thìn - Năm kỳ vọng của mọi người dân Việt Nam con cháu tiên rồng. Câu chuyện nàng Âu Cơ đẻ ra 100 trứng đưa 50 người con lên non, tiễn 50 người con xuống biển vốn là truyền thuyết lịch sử đầu tiên con Lạc cháu Hồng người Việt và sang năm mới Rồng bay hứa hẹn trang sử lưu liên sẽ được tôn vinh mãi mãi. Vào những ngày áp Tết thật náo nhiệt, mọi người hồ hởi đi phố phường sắm đồ đạc, chỉnh trang nhà cửa đón năm mới. Thanh phụ thì bận rộn tất tưởi mang niềm hứng khởi tìm mua đồ cúng lễ sao cho mâm cỗ gia tiên đủ lệ bộ bắt mắt. Nhưng thời nay riêng về làm cỗ bàn tại nhà ít ai còn giữ được cổ lễ như ngày xưa ấy. Hình thức trang hoàng rất lộng lẫy; lấp lánh ánh đèn, sáng loáng rực rỡ. Thôi thì không còn thứ từ ngữ nào tả hết được cách bầy biện của từng căn nhà hiện đại tân tiến hôm nay. Cỗ thời nay cũng khác tựu chung con cháu đều thành tâm với tổ tiên nên không thể trách cứ họ được?
Nhà tôi vẫn giữ truyền thống ngày Tết đã tới 7 đời. Gia đình có bảy đôi đằng ngoại và sáu đôi đằng nội; già có trẻ có con nít đều đủ đầy. Tết nào nhà ngoại cũng mổ con lợn béo vào đêm 22 tháng Chạp. Trước nhất ông bà (bố mẹ vợ) đều sốt sắng cùng con cháu tề tịu chung vui suốt từ trưa đến tối mịt để xem giết mổ và cùng ăn cỗ lòng tiệc mọn, râm ran nói chuyện vui cười đến tận nửa đêm. Tiệc đón ông Công ông Táo cả thẩy con cháu tới 3, 4 chục người đại diện cho các nhà cử đến. Buổi sáng dọn rửa mâm đồng, bao sái bàn thờ kẻ dọn bàn bày cỗ, trang trí nhà cửa. Thói quen thành nếp nhà tôi cùng các nhà đều vui Tết ngay từ 22 tháng Chạp đến 17 tháng Giêng. Tất nhiên chẳng ai bỏ bễ công việc làm ăn tuân thủ theo kỉ cương phép nước thời gian nghỉ Tết. Ngày 23 vô cùng ý nghĩa nhất. Mỗi chị em dâu đều theo chị cả phân định cỗ bàn. Chị giải thích với con cháu rằng: Đất lề quê thói nhà nhà gia phong phải được giữ gìn nghi lễ nghiêm túc, phù hợp với thời nay nhưng chúng mình không thể không cúng trời đất, tiên tổ, Phật đài, mẫu địa những nghi lễ tín ngưỡng nhất loạt phải được giữ gìn. 22 tháng Chạp xôi hoa cau, oản vừng dừa. Sắm sang cỗ bàn cho ngày hôm sau rồi mới vui vầy trong bữa nhậu dân giã, cháo lòng tiết canh cả nhà. 23 tháng Chạp phải thực hiện 7 bát 9 đĩa để cúng ông Táo về chầu giời, thả cá phóng sinh cho đủ con số 17.
Nền nếp gia phong ngày tết nên gìn giữ! - 2


Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Bảy cô dâu mỗi cô mỗi món gồm: Bát canh bí cổ cánh gà, bát miến đậu xanh lòng gà mộc nhĩ, bát măng lưỡi lợn thịt cuốn hành, bát hoa lơ bóng bì tôm he nấm mọc thả, bát chim tần hạt sen đậu xanh miến xối, bát cari gà khoai tây, bát ốc chuối đậu măng chua cay.

Chín đĩa dành phần cho các con rể con trai sắp bầy gồm: Gà luộc lá chanh cốm, vịt quay, thịt lợn hồng xíu, chả quế, giò lụa, thịt rọi luộc điểm chuối xanh khế chua thính thơm, nem vuông cua bể tế đất, xôi cau tế trời, oản vừng dừa tế sao trụ trời. Từ xưa tới nay gia đình tôi vẫn giữ nề nếp cúng vậy. Riêng ban cúng Phật chỉ có quả Phật thủ trăm tay nghìn mắt, lê to 7 quả bầy quanh đĩa đại đặt trước ban. Ngoài trời cúng miếng thịt luộc lợn sấn, đĩa xôi cau, 5 trụ xôi vừng dừa, áo mũ ông Công ông Táo, kèm thau 7 con cá chép đen hoặc đỏ phóng sinh sau lễ trước 12 giờ. Những ngày tiếp theo tất niên cánh sớ dâng gia tiên thì bầy ngũ quả, cơm canh các món xưa 6 bát 5 đĩa, cút rượu cho đủ con số 17. Đêm giao thừa xôi gấc đỏ kê hoa gặp hoa hồng nhang vòng trầm đốt suốt đêm đón năm mới. Những ngày tiếp theo nghi lễ cho đủ khói nhang cánh sớ cúng gia tiên. Riêng ngày hóa vàng thường tề tịu các gia đình ăn cỗ hóa lễ Tết trang trọng đông vui gồm các món cả kim lẫn cổ. Cổ ăn trước, kim ăn sau.
Nền nếp gia phong ngày tết nên gìn giữ! - 3

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Các con cháu trong gia đình đều thích món cổ xen lẫn hoài niệm xưa do ông bà cha mẹ giãi bầy tâm sự. Ăn nhậu ở đâu không biết, nhưng các con cháu gia đình chúng tôi đều hồ hởi thưởng thức rất ngon lành những món cổ một cách tự giác hào hứng các món ăn cổ truyền hòa quyện trong tập tục gia phong trong những nghi thức đi tảo mộ, thanh minh, cúng tế trời đất có một ý nghĩa thiêng liêng về tâm linh không bao giờ mất. Trước ngày rằm tháng giêng thường phá lệ chúng tôi rủ nhau trẩy hội Chùa Hương cầu mong mọi điều may mắn cho một năm tốt lành cho cả nhà. Và rồi mỗi người lại trở về với sinh hoạt hàng ngày ở nơi cư trú. Vẫn mang dư âm ngày Tết nhớ nhung họ hàng mỗi ngày lễ thóc vọng trong năm để lại chờ nhau sum họp đón Tết năm sau. Thiết nghĩ đó là cái hồn nhà, hồn nước ai ai cũng có, chúng ta cũng nên giữ mãi vẻ đẹp quý giá mà quê hương đất tổ ban cho!

Thái Thịnh