1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lời biển gọi

Bao đời đứng trước biển, “mỗi người VN, dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ…

Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến…
Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh ở trên bản đồ: Những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ rộng lớn hơn nhiều”*. Đó là một phần máu thịt của tổ quốc, mà ông cha ta đã từng xác lập chủ quyền.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm 1161, “Lý Anh Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần tiễu ở các nơi ven biển miền tây nam để giữ yên cõi xa”. Năm 1171, vua “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”. Năm 1172, “mùa xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Rồi tấm bản đồ Hồng Đức, được thực hiện dưới thời Vua Lê Thánh Tông, rồi dựa vào đó “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được thực hiện dưới thời nhà Nguyễn đã thể hiện hình hài đất nước theo phương vị nằm ngang, nhấn mạnh thế “dựa núi, nhìn biển” với những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ rất gần đất liền.

Trong cảm thức người Việt, hướng núi và hướng biển luôn thường trực. Dựa vào địa hình là “yếu tố trội” nhưng là yếu tố bảo thủ nhất, biến đổi chậm nhất theo thời gian, chọn “hướng núi”, là một sự lựa chọn trong thế chẳng đặng đừng vào buổi ấy. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Việt, cảm thức biển vẫn khôn nguôi “biển có bâng khuâng gọi thầm”**? Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh sĩ thế kỷ XVI cùng với bản lĩnh người anh hùng đi mở cõi Nguyễn Hoàng, khởi đầu cho sự chuyển đổi tâm thế dân tộc: Hướng ra biển. Vì, đi về phía biển là đi tìm một chân trời.

Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều thế lực quyết chặn con đường biển của ta để khỏi chặn đứng tham vọng bành trướng của chúng. Năm 938, Hoằng Tháo - tướng nhà Hán - theo đường biển xâm lược nước ta, bị Ngô Quyền đánh tan trên sông Bạch Đằng. Năm 1077, quân Nam Hán theo đường biển tiến vào bị Lý Thường Kiệt đánh tan trên sông Như Nguyệt. Năm 1288 Trần Hưng Đạo đại phá mấy chục vạn giặc Nguyên theo đường biển kéo vào, bắt sống Ô Mã Nhi cũng trên sông Bạch Đằng là những minh chứng. “Sách trời” là ý dân, mà “ý dân là ý trời”.

Cho nên, vào thời điểm hiện nay, càng phải có ý thức động viên tình cảm yêu nước của thế hệ trẻ, cổ vũ, tạo cho họ điều kiện để thực hiện quyền được yêu nước. Làm thất thoát, để thui chột tình cảm ấy là có tội với đất nước, không xứng đáng với cha ông bao đời giữ gìn từng tấc đất, từng thước biển, từng hòn đảo để có giang sơn gấm vóc hôm nay. Đáp lời biển gọi là thế chiến lược của dân tộc ta trong thời đại của thế kỷ XXI. Muốn vậy, phải có bản lĩnh “có cứng mới đứng đầu gió” để “sóng cả không ngả tay chèo”!    

--------------------
* Lê Bá Thảo. “Thiên nhiên Việt Nam”. tr.8
** Trịnh Công Sơn. “Sóng về đâu?”
Theo GS Tương Lai
Lao Động