Bạn đọc viết:

Khoảng cách Tình - Lý trong vụ việc với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa

(Dân trí) - Nói về khoảng cách giữa Tình người với Lý lẽ đã có không ít minh chứng từ chính cuộc sống thường nhật hôm nay. Có lẽ nào thời hiện đại rồi mà khoảng cách giữa văn bản với tình người vẫn nhiều khi quá tách bạch vậy sao?

Thiếu tá Trần Duy Nghĩa
Thiếu tá Trần Duy Nghĩa

 

Ngày 29/8 vừa qua, tôi đã bật khóc khi đọc bài báo “Đặc cách “thí sinh đạp xe 300 km đi thi” vào ĐH” viết về cậu học sinh Ngô Văn Thuận ở Nghệ An. Tôi rất cảm động về hoàn cảnh và nghị lực của Thuận, nhưng cái làm tôi bật khóc là cách đối xử đầy tình người của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Đọc xong tôi lại nghĩ về những câu chuyện cổ tích - nơi có những cảnh đời thường là tới lúc bi cực nhất, lại  có ông Bụt hiện lên cho con người khốn khổ những điều ước để được biến thành sự thật.

 

Còn từ câu chuyện chuyện “cổ tích thời nay” về thí sinh Thuận này, tôi lại xin mạn phép bàn luận thêm một câu chuyện nhỏ thời trước. Đó là trong truyện “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao tôi từng được học thời phổ thông,  cái mà tôi muốn nói đến là: nếu không phải vì bị gia đình Bá Kiến đối xử như thế, thì có lẽ Chí Phèo đã có một cuộc sống khác vì anh từng cũng có 1 mơ ước nho nhỏ về một người vợ tảo tần và một gia đình bình dị nhưng hạnh phúc. Tôi nghĩ, đó chính là cái khoảng cách hay cái ranh giới có thể làm đảo lộn số phận một con người.

 

Bàn đến chuyện thời nay, “ranh giới” có thể đảo ngược số phận như vậy, theo tôi nghĩ, cũng đã xuất hiện với gia đình em Thuận. Và nó đã được thay đổi nhờ 1 quyết định đi vào lòng người của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Nhưng trong thực tế,  không phải ai cũng may mắn được như Ngô Văn Thuận. Và khi đọc bài báo “Từ đoạn kết có hậu với Thuận, nghĩ về nỗi lòng người mẹ già ở Yên Bái...”,  tôi lại nghĩ rất nhiều về cái khoảng cách vô hình giữa cái lý và cái tình vẫn còn tồn tại khá nhiều hiện nay…

 

Đúng như một chiến sỹ công an đã viết: “Với trường hợp người mẹ già của thiếu tá Nghĩa ở Yên Bái, tôi và đại đa số người dân chắc đều chung ý nghĩ rằng:  đ/c Nghĩa đã mất rồi thì dù có được công nhận là liệt sĩ hay không, có thật đúng với quy định hay chưa… thì cũng chẳng còn "lợi dụng" được gì nữa đâu”(trích trong bài  Lời mời Bộ trưởng LĐTBXH đối thoại trực tuyến với một chiến sĩ công an trên báo Dân trí).

 

Đọc những dòng chữ trên mà trong tôi cảm thấy thật chua xót. Có lẽ nào cái khoảng cách mà tôi đang nghĩ đến chính là: giữa văn bản và tình người vẫn có sự tách bạch nhau quá  vậy sao, không thể chỉnh sửa gì cho phù hợp với thực tế hơn được sao?

 

Không biết trước khi đặt bút ký đặc cách cho thí sinh Ngô Văn Thuận, Bộ trưởng Thanh có họp ban này, bệ nọ không và đã đọc hết tất cả các văn bản quy phạm chưa? Nhưng tôi và đại đa số người dân đều ủng hộ vì thấy rõ đây là một quyết định đem lại lợi ích chính đáng cho 1 người dân, 1 gia đình. Quyết định đó không bao giờ có thể gây hại gì cho dân, cho nước được.

 

Qua bài viết này tôi cũng chẳng mong gì nhiều ngoài việc cùng góp thêm 1 tiếng nói đồng ý với hơn 75% bạn đọc đã bày tỏ ủng hộ cho đồng chí Trần Duy Nghĩa được công nhận là Liệt sĩ. Chúng ta đừng lấy những khái niệm như trong toán học để áp dụng cho những tình huống có sự ràng buộc giữa Tình và Lý trong cuộc sống.

 

Tôi xin dẫn trích đoạn một bài hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để chúng ta cũng suy ngẫm: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”

 

Nguyễn Trung Dũng (Quảng Ngãi)