Bộ trưởng không nên… im lặng!?

(Dân trí) - Về pháp lý, có lẽ Bộ trưởng cần có trách nhiệm trả lời các kiến nghị của công dân gửi Bộ trưởng đã được đăng trên báo chí. Về đạo lý, Bộ trưởng không nên giữ mãi sự im lặng trước lời khẩn cầu của người mẹ già 84 tuổi bị mất con.

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

 
Nhiều người đã rơi nước mắt khi đọc bức tâm thư của bà Trần Thị Liên, 84 tuổi, gửi cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, để xin công nhận liệt sĩ cho con trai  của bà là Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, cán bộ Công an TX Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tử vong trong khi thi hành nhiệm vụ ngày 4.2.2011.

Vì đã gõ cửa quá nhiều cơ quan nhưng chưa được chấp thuận, cho nên trong thư, người mẹ 84 tuổi nói rằng: “Lúc này, tôi không biết phải làm gì, đành kêu lên Bộ trưởng đèn trời soi xét”. Câu  “đèn trời soi xét” là của thần dân xin quan trên trong xã hội quân chủ, không phải là của một công dân trình bày hay đề nghị với quan chức trong xã hội dân chủ. Biết là vậy, nhưng dân mình đến cửa quan thường với tư cách của một thần dân hơn là một công dân. Người dân không sử dụng đúng tư cách công dân của mình có lẽ không phải lỗi tại dân, mà tại vì tư duy quan lại đang đóng dấu trong não trạng của quá nhiều quan chức hiện nay.

Việc của cá nhân công dân Trần Thị Liên đã được dư luận quan tâm bởi vì nó liên quan đến sự ứng xử của quan chức với công dân và việc quyết định một vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của một bộ trưởng. Nói thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ LĐ –TB&XH đã làm cho dư luận thất vọng. Có thể trong trường hợp hy sinh của Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, còn thiếu những yếu tố nào đó theo quy định áp dụng công nhận liệt sĩ, nhưng nếu máy móc, rập khuôn thì ai cũng làm được. Chính vì có những trường hợp phát sinh trong thực tiễn đời sống mà các quy định của pháp luật chưa điều chỉnh hết thì mới cần đến bản lĩnh, quyết đoán của tầm bộ trưởng, để có các hiệu quả quản lý hợp đạo lý, đúng pháp lý.

Ngoài sự thất vọng như vừa nêu, dư luận còn bày tỏ sự không đồng tình đối với cách hành xử của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH với báo chí. Về vụ việc này, có nhiều báo, đài  đưa tin. Riêng loạt bài trên báo Dân trí, đã có hàng chục ngàn người đọc với hàng ngàn comment gửi vê bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ thiếu tá Nghĩa. Trên bảng thăm dò của Dân trí, tỉ lệ ủng hộ cũng lên tới 75%.

Thưa Bộ trưởng, con số 75% trên hàng vạn người là con số không hề nhỏ, thậm chí lớn và rất lớn, đáng để bất cứ một vị bộ trưởng nào quan tâm. Hầu như tất cả các comment gửi về tòa soạn Dân trí đều mong muốn nhận được ý kiến từ Bộ trưởng, vị “tư lệnh ngành” chứ không phải của bất cứ quan chức nào thuộc Bộ LĐ–TB&XH. Nhưng thật đáng tiếc, các ý kiến từ quần chúng nhân dân đến nay hình như chưa được Bộ trưởng lắng nghe và phản hồi. Đến cả lời khẩn cầu kính cẩn của một “thần dân” mong “đèn trời soi xét” cho đến giờ phút này vẫn chưa được Bộ trưởng hồi âm.  

Có thế nói, chính bởi sự im lặng này khiến quần chúng nhân dân cảm thấy thiếu sự tôn trọng cần có ở một vị lãnh đạo cao cấp và có cảm giác ý kiến của mình không được đế ý, quan tâm.

Mặt khác, Điều 5.2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Báo chí quy định: Cơ quan báo chí có trách nhiệm: “Đăng ý kiến công dân và yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân”.

Giờ đây, không phải chỉ là những ai quan tâm đến sự việc Thiếu tá Nghĩa có được công nhận là liệt sĩ hay không mà đông đảo quần chúng nhân dân đang chờ đợi phản hồi từ Bộ trưởng.

Như vậy là có thể nói xét về pháp lý, Bộ trưởng cần có trách nhiệm trả lời các kiến nghị của công dân gửi Bộ trưởng đã được đăng trên báo chí như Điều 5.2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Báo chí quy định. Các quy định của pháp luật là để đảm bảo quyền dân chủ của công dân. Muốn có dân chủ thật sự thì phải đối thoại, không phải độc thoại.

Về đạo lý, Bộ trưởng không nên giữ mãi sự im lặng trước lời khẩn cầu của người mẹ già 84 tuổi gần đất xa trời vừa bị mất con. 

Có lẽ Bộ trưởng không nên im lặng, phải không các bạn?

 

Lê Chân Nhân

  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

 

Cám ơn các bạn!