Hãy đưa ra lý do thu Phí thuyết phục!

(Dân trí) - Tiếp mạch chuyện Phí, tâm điểm của dư luận giờ đây xoay quanh lý do nào dẫn tới sự cương quyết của BT Thăng cùng giới chức ngành GTVT khi bảo vệ tới cùng quyết định thu phí. Người dân muốn có được lý do mang tính thuyết phục.

Hãy đưa ra lý do thu Phí thuyết phục!
Nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ GTVT đề xuất thu phí giao thông (ảnh minh họa: VNEconomy)

 

Đóng phí, tiền ở đâu ra?

 

Với những lý giải được BT Thăng và giới chức ngành GTVT đưa ra, thì hình như mọi khoản thuế và phí áp với phương tiện giao thông cá nhân đều rất vừa phải, rất hợp lý, vừa sức dân… Nhưng nói thì dễ, chứ toàn những trăm ngàn, triệu tới hàng chục triệu đồng thì chỉ cần đem so sánh với mức lương chính thức vẫn đang được áp dụng với những người làm công ăn lương. Hoặc so với mức thu nhập chính đáng của đại đa số người dân, ai cũng có thể thấy rõ đó là những khoản tiền không hề nhỏ chút nào. 

 

Vậy ngoài số ít người có thu nhập cao và được cho là giàu có ra, số đông lớn hơn rất nhiều người dân biết lấy tiền đâu ra để đóng khoản phí “nhẹ hều” như suy nghĩ của các vị ấy được. Xe thì chắc chắn không ai lại bỏ cả đống tiền ra mua rồi xếp xó, đi phương tiện công cộng thì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” cũng chẳng mấy ai dũng cảm dám đi đâu, nếu không vì không còn lựa chọn nào khác. Mà muốn dân đi thì các vị đề xuất ý kiến phải gương mẫu thực hiện trước chứ! Mình không muốn làm, sao cứ ép người khác?

 

Thế nên, từ câu hỏi về nguồn tiền đóng phí lại dẫn dắt tới bao câu hỏi khác mà có vẻ như những người đề ra chuyện thu phí cũng không thể có được câu trả lời thích đáng cho dân đâu. Lại toàn nói chung chung thôi. 

 

“Tại sao gần như 100% dân chúng phản ứng rất quyết liệt trước việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT, mà các ông cứ phải cố làm cho bằng được? Chúng tôi băn khoăn rằng: phải chăng các ông đang có vấn đề rất nghiêm trọng mà chỉ có cách thu phí mới có thể giải thoát. Nếu đúng như thế thì các ông cứ thẳng thừng mà thu, vì chúng tôi đâu có thể làm gì khác được. Vì chúng tôi là những dân thường thấp cổ bé họng… Vậy thì các ông cứ thu, còn chúng tôi dù có phải nhịn ăn cũng vẫn phải đóng phí thôi vì thực tế là không thể không sử dụng phương tiện cá nhân được. Nhưng đất nước Việt Nam sẽ phát triển đi lên hay thụt lùi đây...” - Ly Minh: duchanlx@gmail.com

 

“Tôi thấy BT Thăng dường như không quan tâm đến ý kiến, suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của người dân VN. Bởi thế, ông cứ kiên quyết phải làm, làm cho bằng được cái mà thực ra là chuyện của ông, của Bộ GTVT, nhưng mọi hậu quả sau đó lại đổ lên đầu người dân. Nhưng không sao, BT đã khẳng định rằng ông ấy sẽ chịu trách nhiệm, nhưng chịu như thế nào thì chúng ta không thể biết, mà ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân thì chúng ta cũng đành phải chịu thôi. Nhưng sao có thể cứ làm còn thì… mặc dân, dân chịu? Mà các ông cũng đi lại bằng phương tiện xe ô tô đó chứ... Nhưng xe các ông đi, sao các ông lại không phải đóng 1 đồng phí nào, kể cả tiền xăng cũng không phải lo? Xe công thì cũng là sử dụng tiền của nhà nước, mà của nhà nước cũng là từ nguồn tiền đóng thuế của dân ” - Thanh Tùng: tungccfst@yahoo.com.vn

 

“Làm gì thì làm phải lấy dân làm gốc, như thế mới có thể vững bền được. Các ông chắc có nhiều nguồn thu nhập nên không quan tâm đến mấy loại thuế và phí đó, chứ như dân chúng tôi thì lấy tiền đâu ra? Mà để giảm ùn tắc có nhiều cách chứ, sao lại cứ phải thu thêm phí? Nếu không tìm được phương án nào hay hơn thì xin các vị nhường vị trí lại để người khác người ta làm, có lẽ người ta có phương án hữu hiệu hơn đấy…” – Trong Nguyen:  trongnguyenvt84@gmail.com

 

Tài trang trải cuộc sống

 

Chất vấn ngược lại những lý lẽ được BT Thăng và ngành GTVT viện dẫn ra để bảo vệ cho quan điểm thu phí của mình, người dân đặt câu hỏi tiếp về nguồn thu nhập, cách chi tiêu nếu đúng là “các vị ấy cũng chỉ sống bằng đồng lương” mà vẫn đủ trang trải mọi khoản chi phí cho cuộc sống thì quả là tài... thánh thật!

 

“Bộ Trưởng Thăng có sống bằng đồng lương đâu mà thông với cảm với ai đây . Lương của các kỹ sư (có thể loại giỏi, làm được việc) cũng chỉ có vài ba triệu thôi. Còn Bộ trưởng lương chính mới gấp 3 , 4 lần kỹ sư nhưng liệu ông có sống được bằng đồng lương đó không? Thật khốn khổ cho người dân khi lương đã ít lại còn phải đóng quá nhiều phí, lệ phí mà đâu chỉ có đóng cho mỗi ngành GTVT?”- Hà Huy: hahuy194@yahoo.com.vn

 

“Bộ Trưởng Thăng giờ đã là người nổi tiếng quá rồi, nhất là từ khi ông đưa ra các loại phí và thuế, nhân dân ai cũng bàn tán  về ông hết. Người ta cứ hỏi đóng thuế và phí nhiều  đó có phải là thể hiện lòng yêu nước như ông nói không? Hay đang tận thu để bù đắp vào các khoản thất thoát do quản lý yếu kém dẫn đến thua lỗ của các tập đoàn lớn? Nhưng nếu các khoản thuế và phí này mà được thực hiện thì những người dân như tôi thực sự rất khổ đấy. Mong ông hãy là một quan chức tốt và hãy xem xét lại để tìm ra phương án nào khả thi hơn ...” - Dangle:  Dang0405@gmail.com

 

“Nói đi thì cũng phải nói lại. Thực ra thu phí, nếu nói như BT Thăng cũng đúng..Nhưng dân thì cũng có đủ loại người, loại hoàn cảnh sống giàu, nghèo khác nhau. Không phải ai cũng dễ dàng kiếm được đồng tiền. Những người dân dù cho có thu phí hay không thu phí thì việc đi lại vẫn phải tiếp tục. Chứ không lẽ vì thu phí mà ta lại không đi nữa… Rõ ràng trung tâm thủ đô của chúng ta là chỗ tập trung dân cư, việc làm là dành cho tất cả mọi người, vậy nên mọi người vẫn phải đi làm để có thu nhập. Vì vậy lượng phương tiện tham gia giao thông cũng không thể giảm được trong khi mọi người vẫn phải đổ về trung tâm để có việc làm, để có thu nhập.

 

Tôi mong BT hãy xem xét kỹ tình hình của dân, lấy dân làm gốc. Những người làm công ăn lương nhà nước như chúng tôi 1 tháng = 1.86 * 830 = 1.543.000đ. Xin hỏi BT chúng tôi phải sống sao để lo đủ chi tiêu, đóng đủ mọi thứ phí  đề ra đây?” - Ly: hoa_thien_ly_88@yahoo.com.vn

 
Hãy đưa ra lý do thu Phí thuyết phục!
Đã có bao trạm thu phí rồi, giờ lại thu tiếp phí BTĐB? (ảnh minh họa: VOV)
 

Tính khả quan

 

Câu hỏi vẫn còn nhiều lắm. Trong khi đó có những điều người dân có thể khẳng định ngay như: tính khả thi của chuyện thu phí, mục đích đề ra, khả năng thất thoát tiếp nguồn tiền, sự lãng phí khi phải nuôi thêm một bộ máy nhân viên thu phí nữa… Dưới đây là ý kiến của một số bạn đọc trẻ cũng đang rất băn khoăn với những câu hỏi của bài toán giao thông:

 

“Tôi là một người dân trẻ tuổi, cũng đang rất quan tâm tới vấn đề GT mà hiện tại là chuyện thu phí. Tôi hiện giờ vẫn đi xe máy, chưa có đủ khả năng tài chính để mua ôtô. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc thu phí như thế không lấy gì làm khả quan cho tình trạng giao thông hiện nay.

 

Tôi xin được hỏi: hiện giờ BT Thăng đang giữ chức vụ đứng đầu ngành GTVT, BT đề xuất quy định thu phí như thế. Nhưng sau khi BT hết nhiệm kì sẽ có người khác lên, liệu có lại sẽ có những ý kiến khác không? Và nếu có thì người dân như chúng tôi lại phải theo ý kiến người mới lên đảm nhiệm vị trí đó hay sao…

 

Theo tôi nghĩ, điều cần thiết hiện nay là những vị giữ trọng trách đứng đầu các ngành cần tham mưu cho Chính phủ để có được sự hoạch định chính sách lâu dài, có tính chiến lược, có những bước giải quyết từng nút thắt. Chứ không nên cứ đề ra quy định để cấm việc này việc kia, như vậy tôi cho là không thể giải quyết được vấn đề đâu.

 

Ví dụ như trong  2 hay 3 năm tới chúng ta sẽ xây dựng thêm được nhiều cầu vượt tạm, hay chúng ta sẽ phân làn giao thông tại nhiều nơi trọng điểm một cách khoa học hơn....và rất nhiều vấn đề cần giải quyết từng bước 1, chứ đừng ngắt đoạn như thế. Thử hỏi nếu việc thu phí được chấp thuận, Bộ trưởng có dám chắc giảm ùn tắc không khí ô tô nhiều người muốn bán, phí tăng cao thì lại không ai dám mua. Như thế xe vứt không thì phí hoài, nên ai có xe thì vẫn phải đi thôi.

 

Còn nhu cầu đi lại, làm việc, học tập đều phải diễn ra hàng ngày chứ làm sao có thể cất xe ở nhà hay đi bộ được. Việc người dân như tôi phản ứng như vậy là bình thường, vì nếu thực sự thu phí mà đường sá tốt hơn đúng theo tiêu chuẩn thì chẳng ai phản đối. Nhưng khi mà mỗi ngày trên  "mình" phải chịu nhiều khoản thuế và phí như thế, mà đường thì vẫn thế thì đúng là chả ai đồng tình đâu” – Nguoi bat binh:  đungl_2009@yahoo.com.vn

 

“Tôi đồng tình với đại đa số các ý kiến trên. Ba mẹ tôi là những trung nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ ngày tôi còn bé cho đến khi tôi tốt nghiệp cao đẳng mới có của dư ra một chút để mua 1 cái xe làm “chân”. Mua xe chịu thuế và phí rồi, giờ lại có thêm phí chắc ba mẹ tôi phải bán xe mất.

 

Riêng tôi nay dù đã là 1 giáo viên nhưng là ở 1 vùng quê còn khó khăn nhiều, thu nhập hàng tháng chẳng là bao so với chi phí sinh hoạt. Lại còn con nhỏ, hàng trăm thứ tiền phải lo... Liệu từ nay tôi có còn yên tâm công tác? Có phải những đòi hỏi đó là quá sức với người dân ít nhất là trong thời điểm hiện nay? Lương chưa tăng, giá cả hàng hóa, xăng, dầu... nhiều thứ đã tăng trước. Xe máy là phương tiện đi lại thiết yếu đã đóng thuế qua xăng và tiền mua xe, giờ lại đóng phi qua km vận hành và dung tích xylanh? Mà cứ đà này chắc VN còn lâu mới là nước công nghiệp phát triển?

 

... Các vị đã sai từ đầu,  giờ bắt dân bù đắp thì có công bằng cho dân không? BT nói là vì dân, vì  nước, là làm lợi cho nước, cho dân. Vậy khi nào dân được hưởng và có chắc dân được hưởng? Công trình thì bị rút ruột, quan chức thì không ít người vẫn tham nhũng, quan liêu... sao không giải quyết triệt để những vấn nạn đó (dù biết rằng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh). Xin ngài BT, một người đứng đầu ngành, 1 đảng viên… hãy suy nghĩ thật kỹ để tham mưu với Chính phủ, Quốc hội những đề xuất mà trong đó ngài thực sự đưa lợi ích của dân lên hàng đầu. Xin đừng chỉ vì cái lợi trước mắt của riêng ngành mình mà làm dân khổ thêm nữa, cuộc sống đã khó khăn lắm rồi…. Nếu quyết thì dân cũng sẽ đóng, nhưng tôi nghĩ là làm mất lòng dân thì khó mà đưa đất nước đi lên được…” - Võ Hoài Dương:  thanhvien01092002@yahoo.com
 
Hãy đưa ra lý do thu Phí thuyết phục!
Đa số người dân không tin tưởng rằng đóng thêm phí thì tình trạng giao thông sẽ được cải thiện
 

Lòng tin và ý thức

 

Biết rằng mọi chuyện gần như đã an bài, nên đã là người dân thì ai cũng sẵn sàng thực thi mọi nghĩa vụ với đất nước. Nhưng không thể không có những yêu cầu tối thiểu được đặt ra, mà người dân tin chắc rằng cũng trong tầm tay của ngành GTVT thôi nếu làm việc nghiêm túc, không tư lợi. Bởi nếu chỉ nghe nói mà không thấy hiệu quả của việc làm thì cũng khó có được lòng tin lắm thay.

 

“Đóng phí, dân sẵn sàng NHƯNG CẦN:

 

1. Trong năm nay Bộ GTVT làm vài con đường đã có trong kế hoạch để cho dân thấy rõ:

 

 - Kinh phí đầu tư đúng giá trị, không tham nhũng, bớt xén.

 - Đúng tiến độ, không kéo dài thời gian để bổ sung thêm tiền của dân.

 - Đúng chất lượng thiết kế, mỹ quan, bảo đảm an toàn giao thông. Không lồi lõm, chắp vá sau 18 tháng sử dụng.

 

2. Công khai kinh phí, thời gian thi công và hoàn thành cho dân biết ngay khi khởi công và khi hoàn thành.

 

3. Xử lý nghiêm minh những tiêu cực tham nhũng trong ngành giao thông mà Bộ trưởng cũng đã thấy, đã nói.

 

Như vậy sau khi làm tốt vài công trình này, chắc chắn DÂN SẼ TIN vào cách làm CÔNG MINH của Bộ GTVT thì sẽ SẴN SÀNG đóng phí.

 

Còn hiện nay thật sự không đồng tình chủ trương đóng phí vì thực tế:

 

1. Đường giao thông làm mới hoặc duy tu nâng cấp kinh phí thì cao, chất lượng thì thấp, thời gian kéo dài, sử dụng chưa đầy năm thì lồi lõm, chắp vá như áo rách mất mỹ quan, mất an toàn giao thông.

 

2. Phần lớn công trình giao thông đều có tiêu cực, bớt xén kinh phí nên chất lượng kém. Việc này ai cũng biết nhưng hầu như chẳng thấy cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Một số vụ việc tiêu cực đã rõ nhưng xử lý không đến nơi đến chốn, chẳng thấy những người sai phạm, tham nhũng nào bỏ tiền ra bồi thường làm lại công trình cho đúng giá trị. Lại lấy tiền của dân ra sửa chữa.

 

3. Làm trạm cân tiền tỷ để bảo vệ đường giao thông nhưng cứ hỏng lên hỏng xuống, cán bộ tiêu cực với xe quá tải, gắn chíp phá cân đã rõ ràng nhưng chẳng thấy xử lý người vi phạm.

 

4. Đường có thu phí nhưng hư hỏng, ổ gà, ổ voi lồi lõm chẳng thấy ai quan tâm sửa chữa. Mà cứ như chờ khi dân phản ánh, báo chí lên tiếng mới đến chắp vá kiểu làm cho qua chuyện.

 

Vì vậy nên DÂN CHƯA TIN, vì chưa tin nên CHƯA THỂ ĐỒNG TÌNH đóng phí theo đề xuất của Bộ trưởng được đâu” - Nhu An:  nhuanbh@gmail.com

 

Tóm lại, vấn đề ở đây chính là dân chưa thể có lòng tin nên chưa thể ủng hộ chuyện thu phí. Mà để củng cố lòng tin của dân, xem ra cũng đâu phải chuyện quá khó với ngành GTVT. Cái chính là có muốn làm thật sự hay không, mà muốn vậy thì lại phải lật lại vấn đề: đưa ra đề xuất thu phí có phải thực sự đặt lợi ích của dân lên trên hết hay không? Ngành GTVT hãy đưa ra lý do thu phí thật sự thuyết phục, dân sẽ hoàn toàn ủng hộ.
 

Kiều Anh