Bạn đọc viết:

Bóng hình Nga qua Chiếc khăn xanh và Đàn sếu bay qua...

(Dân trí) - Tôi đã rơi nước mắt khi xem và nghe được giai điệu cùng hình ảnh minh họa cho bài hát "Chiếc khăn màu xanh". Ở nước Nga những cuộc chia tay thường gắn với hình tượng chiếc khăn màu xanh. Chất thiền của bài hát "Khi đàn sếu bay qua" cũng quá gần gũi…

Bóng hình Nga qua Chiếc khăn xanh và Đàn sếu bay qua... - 1
Chiếc khăn màu xanh (ảnh minh họa: vietthienduong.com)
 
Hình ảnh bà mẹ theo bước các chiến binh và vẫy mãi chiếc khăn làm tôi quá xúc động. Biết khi nào mẹ con đoàn tụ… khi người con trai cần thể hiện bản lĩnh đàn ông trong hoàn cảnh đất nước đang bị quân thù dày xéo… khi tiếng súng của quân Đức đã quá gần thủ đô Matxcơva thân yêu.

 

Dù biết có thể người thân của mình sẽ không về, nhưng chiếc khăn màu xanh vẫn là niềm hi vọng của người mẹ thay cho lời nhắn nhủ thiết tha: Mong con hãy yên lòng cầm súng bảo vệ Tổ quốc, Mẹ và Tổ quốc luôn ở bên con….

 

Chợt nhớ đến những hình ảnh các bà mẹ Việt Nam tiễn con lên đường bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược...và nước mắt cứ rơi . Tôi xem lại chương trình này đã nhiều lần và cảm xúc vẫn như lần đầu khi giai điệu "Chiếc khăn màu xanh" vang lên.

 

Càng xúc động hơn khi được biết rằng, một số binh sĩ Xô Viết ngoài trận mạc ngày ấy đã thêm tiêu đề Chiếc khăn xanh vào tiếng hô xung trận chính thức: "Vì Tổ quốc, vì Stalin, vì Chiếc khăn xanh!" Bài hát là bằng chứng của những năm tháng anh hùng, xông pha vào cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, và là những  ca từ gắn bó với các chiến sĩ dù họ ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh ác liệt nào…
 
Bóng hình Nga qua Chiếc khăn xanh và Đàn sếu bay qua... - 2
Khi đàn sếu bay qua (ảnh minh họa: my.opera.com)

 

Chất thiền của bài hát "Khi đàn sếu bay qua" tôi nghe sao quá gần gũi với người Việt. Quan niệm của đạo Phật "sống gửi thác về" thể hiện rõ ràng trong ca từ của bài hát. (Ca khúc này là từ bộ phim "Khi đàn sếu bay qua" đã đoạt giải thưởng Cành cọ Vàng liên hoan phim quốc tế Canne năm 1958. Nội dung bài hát tưởng nhớ những người lính đã hy sinh trong Thế chiến lần thứ hai, rằng họ không chết mà hóa thân thành những con sếu bay ngang bầu trời. Vì thế mỗi khi có đàn sếu bay qua mọi người đều lặng lẽ dõi mắt trông theo…)

 

Vâng, linh hồn của những người lính hi sinh cho Tổ quốc đã hóa thân vào những đàn sếu bay qua bầu trời… Điều đó là niềm an ủi, động viên cho người còn sống… Và chắc ai đó cũng nghĩ rằng: biết đâu được khoảng trống còn lại trong đàn sẽ là chỗ của tôi, nếu một mai tôi cũng hy sinh cho Tổ quốc...

 

Xin cảm ơn chương trình đã cho thế hệ những "người già" chúng tôi sống lại giây phút hào hùng xưa để lại biết ơn những người dân Xô Viết, những người dân Nga bình dị, bao dung, nhân hậu và quả cảm.

 

Lê thị Thanh Giang 

email:  tienlong@hhn.com.vn