1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vấn đề hạt nhân của Iran: Lún sâu vào bế tắc

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vừa lún sâu thêm vào bế tắc khi Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) gồm đại diện của 35 quốc gia, ngày 13-9, thông qua nghị quyết chỉ trích chương trình hạt nhân của Iran với 31 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

 

Bản nghị quyết, do Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ cùng với Đức) đề xuất (hôm 10-9), lên án chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad không thực hiện những yêu cầu của cộng đồng quốc tế cũng như những nghị quyết của HĐBA LHQ về ngừng làm giàu urani và không giải tỏa được những quan ngại xung quanh chương trình hạt nhân được cho là để nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
 

 

Tehran

Tehran tiến hành nhiều cuộc thử vũ khí mới khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân thêm căng thẳng.

 

Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh Israel tuyên bố đã hết kiên nhẫn và đe dọa sẽ tấn công Iran khi cho rằng những nỗ lực ngoại giao và trừng phạt với Tehran đã không có hiệu quả. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ngày 11-9) đã có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề Iran. Hai nhà lãnh đạo "thống nhất" tiếp tục nỗ lực ngăn cản chương trình hạt nhân của Tehran được cho là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, tại cuộc họp mới nhất của ngoại trưởng các nước Liên minh Châu Âu (EU), ở đảo Síp, các nước: Anh, Pháp và Đức đã kêu gọi cộng đồng EU áp đặt biện pháp trừng phạt mới với Iran sau khi các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, về chương trình hạt nhân của Tehran không mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào. Còn Canada thông báo đã đóng cửa đại sứ quán nước này tại Iran, đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao với Tehran. Trong một động thái căng thẳng khác, Washington vừa loan báo, từ ngày 16 đến 27-9, Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với sự tham dự của 25 quốc gia, do Mỹ dẫn đầu, gần vùng biển Iran. Đây là cuộc diễn tập rà phá mìn của hải quân lớn nhất từ trước đến nay tại Vùng Vịnh nhằm đáp lại đe dọa đóng cửa tuyến đường vận chuyển dầu huyết mạch qua eo biển Hormuz của Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng đang gấp rút hoàn thành hệ thống radar mới tại Qatar, kết hợp với hệ thống radar được lắp đặt tại Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm hình thành một lá chắn tên lửa hình cung rộng khắp khu vực...

 

Như vậy, áp lực trên mọi phương diện, từ ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự đang ngày một tăng lên chính quyền của Tổng thống M. Ahmadinejad. Dư luận khu vực cho rằng, nghị quyết mới nhất của IAEA về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ là nền tảng mới cho các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ và Châu Âu hướng tới Tehran.

 

Đáp lại, Tehran cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Ngày 10-9, Thư ký Hội đồng cố vấn của Đại giáo chủ Ali Khamenei, ông Mohsen Rezaei đã cáo buộc cuộc tập trận giữa các lực lượng của Mỹ tại Vịnh Persian là một âm mưu nhằm gây chia rẽ Tehran với các nước láng giềng và Iran sẽ vô hiệu hóa tất cả các chính sách của Mỹ nhằm kích động mâu thuẫn và sẽ cố gắng để ngăn chặn các nước khác rơi vào cái bẫy này. Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari khẳng định, sự hiện diện của tàu sân bay hạt nhân của các lực lượng liên khu vực trong Vịnh Persian sẽ gây thiệt hại lớn về môi trường trong vịnh này và mang đến bất ổn trong khu vực. Cùng với đó, ngày 9-9, Thứ trưởng Quốc phòng Iran kiêm người đứng đầu Cơ quan Hàng không vũ trụ thuộc Bộ Quốc phòng, Tướng Mehdi Farahi cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ sớm trình làng tên lửa hành trình mới vô cùng tân tiến mang tên Meshkat, với tầm bắn 2.000km, có thể bắn từ đất liền, trên không và cả trên biển...

 

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran với tất cả những diễn biến đang diễn ra cho thấy thế bế tắc chưa thể được khai thông trong những ngày tới. Nguy cơ đối đầu quân sự đang ngày càng lộ rõ và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Trong khi căng thẳng đã và đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân Iran.

 

Theo Trung Hiếu

Hà Nội mới