1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỳ diệu cô bé có 2 trái tim

(Dân trí) - Hannah Clark, cô bé xứ Wales từng làm nên lịch sử năm 2 tuổi do được cấy thêm 1 trái tim, nay lại tiếp tục gây kinh ngạc khi trái tim ốm yếu của em tự khỏi. Em đã bình phục hoàn toàn sau khi các bác sỹ “gỡ” trái tim hiến tặng ra.

 
Kỳ diệu cô bé có 2 trái tim - 1
Cô bé Hannah Clark năm 2006.

Vào năm 1995, các bác sỹ Anh đã đưa ra một giải pháp có tính đột phá để cứu bé gái 2 tuổi bị bệnh tim: Họ cấy thẳng một trái tim hiến tặng lên trên trái tim ốm yếu của em.

 

Sau 10 năm sống với hai “máy” bơm máu, trái tim bị bệnh của bé Hannah Clark, ở Mountain Ash, gần Cardiff, đã làm được điều kỳ diệu mà nhiều chuyên gia nghĩ là hoang đường: tự khỏi, đủ để các bác sỹ quyết định “gỡ” bỏ trái tim hiến tặng ra.

 

Chi tiết về cuộc cấy ghép “cách mạng” của Clark và quá trình chăm sóc sau đó đã được đăng tải trên mạng của tạp chí y khoa Lacet vào ngày hôm nay.

 

Hành trình kỳ diệu

 

Sir Magdi Yacoub, một bác sỹ phẫu thuật hàng đầu, người đã thực hiện cuộc cấy ghép đầu tiên cho Hannah khi cô bé 2  tuổi, cho biết ông “rất ngạc nhiên và vui sướng” trước kết quả trên.

 

Cuộc phẫu thuật đầu tiên vào năm 1995 đã cứu cuộc sống của bé Hannah, bởi cô bé khi đó bị bệnh to tim, bệnh làm cho trái tim của cô bé có kích thước gấp đôi bình thường và có nguy cơ sẽ bị yếu đi trong vòng một năm.

 

Trái tim hiến tặng có thể đảm nhận được hầu hết vai trò bơm máu đi khắp cơ thể Hannah, cho phép trái tim của riêng cô bé có “thời gian” nghỉ ngơi.

 

Nhưng 10 năm sau, khi 12 tuổi, Hannah, đã mắc bệnh ung thư hiểm nghèo, do tác dụng phụ của thuốc chống miễn dịch mà cô bé phải uống sau khi được cấy thêm một trái tim.

 

Các khối u bắt đầu phát triển và lan khắp cơ thể, buộc cô bé phải cần đến hóa trị liệu.
 
 
Kỳ diệu cô bé có 2 trái tim - 2
Sơ đồ ngực của Hannah khi có 2 trái tim (trái) và khi trái tim hiến tặng được "gỡ bỏ".
 

Nhưng có một thực tế là, để chữa được các khối u, các bác sỹ phải giảm liều thuốc chống miễn dịch xuống. Song điều này lại khiến cơ thể của cô bé bắt đầu từ chối trái tim được hiến tặng.

 

Các bác sỹ ở bệnh viện Great Ormond Street tại London đã quyết định chỉ còn một lựa chọn duy nhất là ngưng hoạt động của trái tim hiến tặng hay dỡ bỏ nó ra khỏi “lưng” của trái tim của chính Hannah.

 

Họ phát hiện ra rằng trái tim của chính Hannah đã tự bình phục, đủ để tự hoạt động mà không cần dùng thuốc hàng ngày.

 

Và 3 năm sau, các bác sỹ phẫu thuật của Hannah cho biết cô bé đã bình phục hoàn toàn. Bác sỹ Sir Magdi mô tả sự bình phục đó là “kỳ diệu”.

 

Bản thân Hannah cho biết cô bé thấy mình vô cùng may mắn. “Cháu đã không được ở đây nếu không có người hiến tặng đó và không có các bác sỹ làm phẫu thuật cho cháu. Cháu rất biết ơn họ”.

 

“Cháu giờ không phải uống thuốc nữa ngoại trừ phải dùng ống hít vì cháu bị hen suyễn. Và cháu thực sự nóng lòng muốn bắt đầu công việc với các con vật. Cháu không thể làm thế trước kia bởi lông của chúng có thể ảnh hưởng tới ngực cháu”.

 

Giáo sư Peter Weissberg, thuộc Liên đoàn tim mạch Anh, cho biết các bác sỹ chuyên khoa tim từ lâu đã không biết liệu một trái tim bị hư tổn vì bệnh to tim liệu có thể bình phục nếu được “nghỉ ngơi” hay không. Và nay “câu trả lời đã có ở trường hợp của Hannah”, ông nói.

 

Ông cũng cho biết các chuyên gia hiện đang nỗ lực hoàn thiện một thiết bị được gọi là hỗ trợ tâm thất, có thể được dùng cho trẻ để tạm thời đảm nhiệm công việc của một trái tim yếu trong khi chờ nó bình phục.

 

Một thiết bị tương tự cũng đã được dùng cho những người lớn mắc bệnh tim và đang đợi cấy ghép tim của người hiến tặng.
 
Xem video Hannah Clark 16 tuổi hiện nay:
 

 

Phan Anh

Theo BBC, AP