1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara

(Dân trí) - Những bộ xương có tuổi thọ 5.000 năm của một người phụ nữ bé nhỏ và 2 đứa con, được đặt trên một chiếc giường đầy hoa, vừa được phát hiện tại sa mạc Sahara, phía bắc châu Phi.

Phần mộ của họ được tìm thấy tại khu vực Gobero, sa mạc Tenere (Nigeria) ở Sahara. Khi được phát hiện, tay của 3 mẹ con vẫn bện vào nhau trong một cái ôm vĩnh cửu. Một người con gái trong số 2 người con đeo một chiếc vòng tay được chạm từ răng của một con hà mã.

 

Nhà nghiên cứu Paul Sereno ở đại học Chicago và các đồng nghiệp đã tình cờ phát hiện ra những bộ xương nói trên khi họ đang tìm kiếm dấu tích của khủng long tại đất nước Nigeria.

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 1

Tay của bà mẹ đã bện vào nhau trong một cái ôm vĩnh cửu.

 

Tại Gobero, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu tích của một nghĩa địa và đây là nghĩa địa lớn nhất từng được phát hiện từ trước tới nay tại sa mạc Tenere. Họ cũng chứng minh được rằng, hai nền văn minh đã tồn tại ở đó, cách nhau hàng nghìn năm, khi khu vực này ẩm ướt và xanh tươi.

 

Khoảng 200 phần mộ của con người đã được tìm thấy tại nghĩa địa ở Gobero trong năm 2005 và 2006. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy dấu tích của các loài động vật, những con cá lớn và cá sấu.

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 2

 

“Ở khắp mọi nơi, bạn có thể bắt gặp xương của các con thú hiện không sống trên sa mạc. Tôi nhận ra màu xanh từng bao phủ Sahara”, nhà nghiên cứu Paul Sereno nói.

 

Nghĩa địa Gobero có vị trí gần nơi có thể trước kia là một cái hồ vào thời điểm có người sinh sống.

 

Những dấu tích của con người tại Gobero cho thấy, họ đã từng sống ở đó thời kỳ ẩm ướt nhưng cách biệt nhau. Khoảng cách giữa đó là thời kỳ khô ráo.

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 3

Bộ xương của một người con gái. 

 

Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp xác định niên đại đồng vị cacbon để xác định xem người cổ đại đã sống ở đó khi nào. Và họ nhận thấy rằng, con người sống ở đó gần đây nhất là khoảng 1.000 năm trước quá trình xây các kim tự tháp tại Ai Cập.

 

Nhóm đầu tiên - được biết tới là người Kiffian, săn động vật hoang dã và dùng cây lao móc để đâm những con chim lớn. Họ thống trị vùng này thời Sahara ẩm ướt nhất, trong khoảng 8.000-10.000 năm về trước.

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 4

Nhà khảo cổ học Helene Jousse cầm một mẩu xương bụng của một con rùa được tìm thấy tại sa mạc Sahara.

 

Các nhà nghiên cứu cho hay người Kiffian cao và có người đạt tới chiều cao trên 1,82m.

 

Nhóm thứ 2 là người Tenerian sống trong khoảng 4.500-7.000 năm trước. Người Tenerian nhỏ hơn, vừa săn bắt, câu cá và vây bắt súc vật.

 

Những đám tang của người Tenerian bao gồm cả việc “khoe” trang sức và nghi lễ. Ví dụ, một cô gái đeo một chiếc vòng tay được chạm từ răng hà mã. Một người đàn ông Teneria trưởng thành được chôn cất trong tư thế đầu gối lên một phần của chiếc bình làm bằng đất sét; một người đàn ông khác được mai táng trên mai của một con rùa.

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 5

 Các bộ xương người tại khu vực Gobero, sa mạc Tenere của Nigeria.

 

Và thi thể của bà mẹ và 2 người con trong vòng tay vĩnh cửu được chôn trên một chiếc giường đầy hoa. Các nhà nghiên cứu đã giữ nguyên tư thế vốn có hàng nghìn năm nay của họ.

 

Mặc dù ngày nay Sahara là sa mạc, nhưng cách đây vài nghìn năm, Sahara có khí hậu ẩm ướt, có nhiều sông, hồ lớn. Con người và thú vật cũng đã từng sinh sống tại đó.

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 6

 

Cái ôm vĩnh cửu của 3 mẹ con trên sa mạc Sahara - 7

Lưu Ly

Theo AP