Nhiều địa phương kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ

(Dân trí) - Sáng 26/7, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, tổng kết 20 năm thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và tổng kết chương trình sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách. Cùng ngày, tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức họp mặt người có công tiêu biểu và tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích tốt trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, trong 20 năm qua, TP Đà Nẵng đã xác nhận và giải quyết chính sách cho hơn 73 ngàn lượt người có công với cách mạng, trong đó có 2.220 liệt sĩ, 1.427 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 249 cán bộ “Lão thành cách mạng”, 547 cán bộ “Tiền khởi nghĩa”, 1.770 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong, truy tặng…

Thành phố cũng có trên 15.451 lượt học sinh, sinh viên là con em của thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo. Kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên đến nay trên 100 tỷ đồng.

Hàng năm, TP Đà Nẵng cũng mua hơn 20.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp đến từng đối tượng chính sách với kinh phí thực hiện trong 20 năm qua trên 87 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi lễ

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, từ năm 1997 đến nay, các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn TP Đà Nẵng đều đã được các cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận phụng dưỡng với nhiều mức khác nhau.

Năm 2002, thành phố đã kêu gọi nâng mức phụng dưỡng lên 300 ngàn đồng/tháng, năm 2007 nâng mức phung dưỡng lên 500 ngàn đồng/tháng và đến năm 2010 nâng mức phụng dưỡng lên 1 triệu đồng/tháng.

Để nâng cao đời sống gia đình chính sách, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định thì công tác cải thiện nhà ở được xem như là bước đột phá nên UBND TP Đà Nẵng sớm đặt vấn đề triển khai. Kết quả đến nay đã có 25.688 lượt hộ chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở với nhiều hình thức khác nhau, tổng kinh phí thực hiện trên 520 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 4.936 hộ chính sách xây mới và sửa chữa nhà ở, kinh phí thực hiện trên 141 tỷ đồng.

UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã chung tay thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa
UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã chung tay thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ - cho biết, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn. Cả hệ thống chính trị và xã hội đã tích cực thực hiện công tác chăm sóc người có công nhưng vẫn còn nhiều gia đình chính sách, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng còn gặp khó khăn trong cuộc sống.

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã và đang làm nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước đó, trong hai ngày 20 – 21/7, các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có chuyến hành hương “về nguồn” dâng nén nhang tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà.

Theo đó, đoàn đã dâng hương và tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại: Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, dâng hương tại mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp…

Đây là hoạt động ý nghĩa hướng đến ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ trẻ báo chí Đà Nẵng. Đồng thời củng cố thêm niềm tin và sức mạnh để ngòi bút thêm vững vàng, sắc bén trong công cuộc tuyên truyền, đóng góp xây dựng và phát triển của Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.

Dưới đây là một số hình ảnh do PV Dân trí trong chuyến đi “về nguồn” đầy ý nghĩa ghi lại:

Thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình
Thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình
Thế hệ trẻ báo chí Đà Nẵng đã dâng hương tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của các anh hùng-liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình-độc lập nước nhà
Thế hệ trẻ báo chí Đà Nẵng đã dâng hương tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của các anh hùng-liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình-độc lập nước nhà
Đoàn báo chí Đà Nẵng dâng hương tri ân các anh hùng-liệt sĩ đã có công với đất nước tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Đoàn báo chí Đà Nẵng dâng hương tri ân các anh hùng-liệt sĩ đã có công với đất nước tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Thắp hương tưởng niệm các anh hùng-liệt sĩ của khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng
Thắp hương tưởng niệm các anh hùng-liệt sĩ của khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng

Ngô Linh

Sóc Trăng: Biểu dương những tấm gương tiêu biểu, người có công với cách mạng

Các Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự buổi họp mặt.
Các Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự buổi họp mặt.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 49.355 người có công với cách mạng; trong đó, có 2.177 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 49 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có 6.757 người; 88 bệnh binh; 15.309 liệt sĩ; 8.757 người có công giúp đỡ cách mạng; hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có 2.287 người; đang hưởng trợ cấp thường xuyên 12.118 người.

Trong những năm qua, công tác chăm lo cho người có công được tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời và chính xác. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình có công với cách mạng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành quan tâm chu đáo. Công tác xây dựng, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên các liệt sĩ ngày càng khang trang, thể hiện sự tôn nghiêm, ghi ơn đối với người có công với nước.

Tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ xây mới 3.720 căn nhà, sửa chữa 1.014 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, với tổng kinh phí trên 134 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng đến cuối đời và hỗ trợ, ưu tiên giáo dục, giải quyết việc làm đối với con liệt sĩ, thương binh,…

Tại buổi họp mặt, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích tốt trong công tác và phong trào đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trần Văn Chuyện- Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các thương binh, bệnh binh và những người đã chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nghĩa, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thường xuyên phát động phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa để trở thành phong trào rộng khắp trong toàn dân.

“Nhân dân Sóc Trăng luôn ghi nhớ công lao to lớn, sự hi sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng,… Nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là một trong những hoạt động thiết yếu, chủ động hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống trong xã hội”, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Khánh Hồng - Bạch Dương