30 lá thư thấm đẫm yêu thương của người lính trận

(Dân trí) - Anh ôm chặt em vào ngực anh, trái tim anh cùng đập với trái tim em. Thao thức quá, nhớ em tê dại, hôn em trăm nghìn cái hôn. Anh của riêng mình em…”, liệt sỹ Phan Huy Chương viết trong bức thư gửi vợ ngày 20/12/1963...

Trước mặt người lính là Tổ quốc, trong tim họ là quê hương, là gia đình, là vợ và các con. Những bức thư gửi về từ chiến trường luôn đầy ắp yêu thương và tin tưởng về ngày đoàn tụ. Họ dự liệu cả cái chết và sẵn sàng đón nhận nó nhưng vẫn đau đáu nỗi đau của người vợ ở quê nhà…

30 bức thư gửi vợ của người lính trận

Hơn 50 năm trôi qua, những bức thư của liệt sỹ Phan Huy Chương (SN 1933, Tp Vinh, Nghệ An) luôn được bà Phan Thị Bé giữ gìn, nâng niu như báu vật. Những bức thư đã úa màu thời gian, nhiều chỗ không còn đọc được nữa nhưng mỗi khi nhớ chồng, mỗi khi chông chênh trước cuộc sống, bà lại mang ra đọc rồi khóc.

Mỗi dòng chữ chất chứa yêu thương, tin tưởng, hờn trách, giận dỗi trong từng lá thư đã vực người phụ nữ vượt qua giông bão, hơn nửa thế kỷ thay chồng nuôi con…

Bà Phan Thị Bé - vợ liệt sỹ Phan Huy Chương
Bà Phan Thị Bé - vợ liệt sỹ Phan Huy Chương

14 tuổi, Phan Huy Chương (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) vào trường Thiếu sinh quân; 17 tuổi trở thành bộ đội chính quy. Năm 1957, anh bộ đội cảm mến cô dân công đẹp người, đẹp nết Phan Thị Bé, hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau 3 cô con gái.

Năm 1959, Phan Huy Chương được cử đi học đại học rồi về giảng dạy tại Trường Văn hóa Quân khu 4. Năm 1966, chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, ông từ chối suất du học Liên Xô, xong phong vào chiến trường, khi đó, người con gái út mới hơn 4 tuổi.

Ngày 21/11/1967, người lính Phan Huy Chương đã ngã xuống tại bến phà Bạc, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào.

30 lá thư của chồng gửi về từ chiến trận được bà Bé giữ gìn, nâng niu. Đó là liều thuốc giúp bà vượt qua khó khăn, thay chồng nuôi con
30 lá thư của chồng gửi về từ chiến trận được bà Bé giữ gìn, nâng niu. Đó là "liều thuốc" giúp bà vượt qua khó khăn, thay chồng nuôi con

Gia tài ông để lại cho vợ là 3 đứa con nhỏ dại và 30 bức thư thấm đẫm yêu thương. Bức thư đầu tiên gửi về cho vợ vào năm 1963, khi ông đang công tác tại Trường Văn hóa quân khu 4. Bức thư cuối cùng bà Bé nhận được đề ngày 6/3/1967, trước khi ông hi sinh gần 8 tháng.

30 bức thư, có khi nồng nàn, có khi khắc khoải nhớ thương, có khi là động viên, khích lệ người vợ trẻ và các con, cũng có khi là những hờn giận như những cặp vợ chồng trẻ khác. Nhưng bao trùm lên tất cả là niềm tin vào thắng lợi, vào ngày đoàn viên, sum họp khi đất nước thống nhất.

Anh thương em, anh nhớ em, anh ôm em vào lòng. Anh hôn em nhiều cái, em có hồi hộp không. Anh sẽ gục đầu vào vai em, vào má em. Em ơi! Em của lòng anh thương nhớ, em của riêng anh mà thôi.

Những lá thư thấm đẫm yêu thương và lời hẹn ước anh sẽ về với em, khi nước nhà thống nhất của người lính gửi vợ ở quê nhà
Những lá thư thấm đẫm yêu thương và lời hẹn ước "anh sẽ về với em, khi nước nhà thống nhất" của người lính gửi vợ ở quê nhà

Anh ôm chặt em vào ngực anh, trái tim anh cùng đập với trái tim em. Thao thức quá, nhớ em tê dại, hôn em trăm nghìn cái hôn. Anh của riêng mình em…”, liệt sỹ Phan Huy Chương viết trong bức thư gửi vợ ngày 20/12/1963.

Qua những bức thư, ông động viên vợ học văn hóa, phấn đấu vào Đảng, học đi xe đạp, góp ý với bà cách bày dạy, nuôi nấng con cái, chăm sóc mẹ già, đối xử với con cháu, với những người xung quanh. Bà thay chồng nuôi con, chèo chống gia đình giữa bom đạn, giữa thiếu thốn bủa vây, chữ nghĩa cũng không được nhiều nên không năng viết thư cho chồng được.

Ông viết thư về nhà, câu chữ đầy giận hờn, trách móc nhưng ẩn chứa sau mỗi câu, mỗi chữ là khát khao được yêu thương, được chia sẻ, là những hờn giận vợ chồng như những cặp đôi bình thường khác.

Cũng có những lá thư hờn giận, thể hiện một khía cạnh rất đời của người lính khát khao yêu thương và chia sẻ
Cũng có những lá thư hờn giận, thể hiện một khía cạnh rất "đời" của người lính khát khao yêu thương và chia sẻ

Mình định không gửi thư nữa, mình nén cái tức giận vô cùng của mình trong con tim mình, mình thấy căm uất lắm. Mình thấy mình bị khinh thị quá. 2 tuần rồi, mình gửi cho cậu bao nhiêu lần thư có biết không? Thú thật với Bé, mình thấy đau khổ quá…

Cũng có khi ông viết thư làm công tác tư tưởng cho vợ. “Em phải xác định lấy chồng bộ đội thời chiến phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ để chồng yên tâm giết giặc. Mà đi giết giặc thì có ai bảo rằng không bị giặc giết đâu?

Chiến tranh là vậy. Anh phải xác định tư tưởng cho em trước… Anh là chỉ huy, là Bí thư chi bộ, là chính trị viên trong đơn vị, phải gương mẫu, dũng cảm hơn ai hết…”.

Hơn 40 năm qua, những bức thư vẫn được bà nâng niu, giữ gìn như báu vật
Hơn 40 năm qua, những bức thư vẫn được bà nâng niu, giữ gìn như báu vật

Là người lính, họ có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Với họ, sống là phải anh dũng, hi sinh phải vẻ vang để bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người lính ra trận đều xác định cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào và sẵn sàng đón nhận nó. Họ không tiếc máu xương của mình mà chỉ lo lắng, day dứt cho người ở lại.

Dẫu có đau khổ đến mấy mong em vẫn chịu đựng được. Dẫu sau này cuộc sống chung có rộn ràng bao nhiêu, cuộc sống riêng có âm thầm, day dứt đến đâu thì em vẫn phải tự hào, vẫn phải xác định sống, phải làm việc hơn nữa, chăm lo con cái để chúng lớn lên xây dựng Tổ quốc tươi đẹp…”, ông viết trong bức thư gửi vợ đề ngày 31/3/1965.

Có những bức thư ông tâm sự nhiều với các con, về cuộc sống, về cuộc chiến đấu và trách nhiệm của mỗi người dân trước vận mệnh của dân tộc. Ông mường tượng ngày hòa bình thống nhất, ông sẽ về, đưa các con đi chơi, bày dạy các con học, sẽ mỉm cười mà chứng kiến những đứa con xinh đẹp mà giỏi giang của mình lớn lên… Nhưng niềm mơ ước nhỏ bé, bình dị của người cha ấy đã không trở thành sự thật.

Mới đây, một số bức thư liệt sỹ Phan Huy Chương gửi cho vợ đã đã được gia đình trao tặng Bảo tàng Quân khu 4 để phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước...
Mới đây, một số bức thư liệt sỹ Phan Huy Chương gửi cho vợ đã đã được gia đình trao tặng Bảo tàng Quân khu 4 để phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước...

Rất thương và nhớ em quá đỗi, nhưng biết làm sao được khi Tổ quốc lâm nguy… Anh đã chiến đấu chống Pháp 5 năm, giờ vẫn sống và hiện tiếp tục chiến đấu. Anh sẽ về với em, khi nước nhà thống nhất. Em hãy tin ở anh!”, ông động viên người vợ của mình. Nhưng người lính ấy đã không trở về!

Ngày ông Phan Huy Chương hi sinh, bà Phan Thị Bé mới hơn 30 tuổi, cái tuổi vẫn hừng hực xuân sắc và 3 đứa con thơ dại. Vất vả, thiếu thốn, khổ đau nhưng bà vẫn đẹp, vẫn vững vàng trước cuộc sống. Nhiều người đến với bà nhưng bà cự tuyệt bởi bà vẫn luôn tin ông sẽ trở về…

Nửa thế kỷ qua, bà vẫn chờ đợi ông như thế!

Hoàng Lam