Trước phiên tòa xử ông Dương Chí Dũng

(Dân trí) - Thật tình từ sâu thẳm, tất cả chúng ta đều không ai mong muốn điều “tồi tệ” này xảy ra bởi cái quí giá nhất của mỗi con người là cuộc sống. Thế nhưng nếu như không có những hình phạt nghiêm khắc nhất, đủ sức răn đe thì “giặc nội xâm” sẽ tàn phá nát đất nước này. Tổ quốc Việt Nam rồi sẽ ra sao? Con cháu chúng ta sẽ thế nào? Và công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ đi về đâu?

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp) Hôm nay (12/12) tại Hà Nội, sẽ diễn ra phiên tòa xét xử ông Dương Chí Dũng và đồng phạm. Đây là vụ án lớn, thể hiện thái độ kiên quyết chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước nhằm lấy lại niềm tin của đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế trên mặt trận này.   Dư luận nhân dân mong đợi được chứng kiến một vụ án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, có lý, có tình để xóa đi tình trạng càng để lâu càng nhỏ lại, càng lên cao càng bé đi đối với các vụ án tham nhũng như ý kiến của cử tri và Đại biểu Quốc hội vừa qua.   Chợt nhớ lại vụ án Vinamshin đã từng gây nên những tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho nền kinh tế nước nhà. Nó không chỉ làm mất đi số tiền khổng lồ mà cùng với đó là suy giảm niềm tin của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nó đã đẩy một ngành kinh tế chiến lược đồng thời là một mặt trận gìn giữ và bảo vệ biên cương của Tổ quốc tới chỗ rất khó khăn.   Thế nhưng cái án 20 năm tù (bình quân 25 tỉ trên một năm tù) dành cho bị cáo Phạm Thanh Bình nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin có thể nói là không tương xứng. Một trong những lý do chưa “đúng người, đúng tội” là nhờ có chính sách khoan hồng của luật pháp bởi ông Bình có thân nhân tốt, bản thân chưa phạm tội bao giờ.   Đối với các tiêu chí để khoan hồng, có lẽ bị can Dương Chí Dũng là điển hình về thân nhân và nhân thân tốt. Ông Dũng là con một vị Đại tá Công an, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng, một người có nhiều công lao rất đáng ghi nhận. Bản thân ông Dũng là cán bộ lãnh đạo cấp cao, tất nhiên luôn được đánh giá là tốt, gương mẫu và cũng… chưa phạm tội bao giờ.   Từ góc độ pháp luật, việc khoan hồng đối với những đối tượng có thân nhân và (hoặc) nhân thân tốt không chỉ thể hiện sự nhân đạo mà còn giáo dục con người hướng thiện. Tuy nhiên nhìn ở góc độ nào đó, nó hoàn toàn có thể tạo sự mất công bằng trong xã hội, thậm chí tạo sự ỷ thế làm càn.   Ví dụ như hai người cùng phạm trọng tội như nhau nhưng một người là con cán bộ, đảng viên (con cán bộ, đảng viên thường được coi là thân nhân tốt) thì được tha chết còn người kia bị tử hình chẳng hạn. Và nếu cứ như vậy, chả lẽ sẽ có lúc tử tù hầu hết chỉ là con… dân thường!?   Đáng lý là con cái cán bộ, từng được hưởng nhiều ưu ái từ việc học hành, nghề nghiệp cho đến con đường công danh… họ phải sống cho xứng đáng với truyền thống gia đình, xứng đáng với sự đãi ngộ của xã hội và nếu phạm tội, đáng lý phải xử nặng hơn những người vốn thiệt thòi, ít được cưu mang, ưu ái… thế mới là lẽ công bằng.   Vả lại, luật pháp đã qui định ai làm người nấy chịu thì cũng phải công bằng, ai làm người nấy hưởng, sao lại có sự “ăn mày dĩ vãng” bởi có “thân nhân tốt”!?   Đối với lý do “chưa phạm tội bao giờ” cũng rất “mong manh”, nhất là với tội tham nhũng. Để tham nhũng số tiền lớn như những con số mà cơ quan điều tra cho biết, chắc chắn rằng không phải lần đầu và cũng không phải ngày một, ngày hai. Như vậy thực ra họ không phải là chưa phạm tội mà “nói cho vuông” là họ… chưa bị phát hiện bao giờ!   Tuy nhiên đối với vụ án lần này, dư luận đang trông đợi và có quyền hi vọng luật pháp sẽ nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không còn tình trạng “lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột” như lời củaTBT Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ ngày 6/12.   Bởi trước đó, ngày 15/11 Hội đồng xét xử đã dành  hai mức án cao nhất cho các ông Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc công ty ALCII và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH xây dựng Quang Vinh về tội “tham ô tài sản”.   Thật tình từ sâu thẳm, tất cả chúng ta đều không ai mong muốn điều “tồi tệ” này xảy ra bởi cái quí giá nhất của mỗi con người là cuộc sống. Thế nhưng nếu như không có những hình phạt nghiêm khắc nhất, đủ sức răn đe thì “giặc nội xâm” sẽ tàn phá nát đất nước này. Tổ quốc Việt Nam rồi sẽ ra sao? Con cháu chúng ta sẽ thế nào? Và công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ đi về đâu?   Vì vậy mà giờ đây, tất cả mọi người dân đều có chung  mong muốn phiên tòa được xét xử một cách nghiêm minh, có lý có tình, công bằng và đúng pháp luật. Mong rằng không vì “thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ” dẫn đến mất công bằng, không “đúng người, đúng tội”.   Bùi Hoàng Tám  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!