Tinh giản ngay những ai còn chần chừ

(Dân trí) - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được bàn luận nhiều tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ ngày 18.2.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Không ai không nhận ra khủng hoảng kinh tế kéo dài trong mấy năm vừa qua, trong đó, những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước là đòn bồi khiến cho nền kinh tế đất nước suy giảm nặng nề hơn.

 

Có những nguyên nhân từ khách quan, nhưng không ít những nguyên nhân từ nội tại của nền kinh tế.

 

Chính vì không minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước mới tạo ra những lỗ hổng cho tham ô, tiêu cực. Giả sử như cổ phần hóa Vinashin và Vinalines, thì chắc chắn sẽ không có thảm họa đánh chìm hàng ngàn tỉ đồng như đã xảy ra.

 

Có một điều ai cũng biết, ở các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, cho dù sập tiệm và nợ nần khủng khiếp, thì một số lãnh đạo đơn vị đó vẫn giàu sang sung sướng, sống xa hoa.

 

Xin thưa với các vị rằng, tiền ở đâu ra nếu không phải là của doanh nghiệp đó. Không chịu cổ phần hóa là vì còn có những món lợi to lớn từ “cái xác” của doanh nghiệp nhà nước.

 

Doanh nghiệp nhà nước đem lợi cho những con người được giao phó quyền hành. Vì vậy, quyết tâm cổ phần hóa trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

 

Không phải là không nhận ra lý thuyết đơn giản này, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự ràng buộc của lợi ích nhóm, đã làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Cái giá phải trả cho sự chậm trễ đó là nền kinh tế quốc gia gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong thời gian này, phải giảm mạnh hơn nữa số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn và giữ cổ phần chi phối. 

 

Sự khác biệt rõ rệt nhất tại hội nghị này với các lần trước là chỉ ra được vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị. Chậm hay nhanh việc cổ phần hóa là do ý chí của những cán bộ có trách nhiệm. Cho nên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, “ai không thông, còn chần chừ thì phải điều chuyển sang làm công việc khác, nhưng dứt khoát không được đề bạt vị trí cao hơn”. 

 

Thế là đã rõ, nếu ai không thực hiện cổ phần hóa thì bước sang một bên cho người khác làm, đừng ngồi đó cản trở sự tiến bộ chung.

 

Nhưng thế thôi e chưa đủ, mà nên nghỉ luôn cho dân nhờ.

 

Vừa qua, Bộ Nội vụ có đề xuất tinh giản biên chế 20% trên tổng số công chức viên chức nhà nước, cứ đưa những người này vào trong con số 20% là hợp lý nhất. Hoặc bổ sung con số này vào “đội ngũ 100 ngàn”, công cuộc tinh giản biên chế không cần phải chờ đến hết 2020như dự án của Bộ Nội vụ vừa xây dựng.

 

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!