“Thôi chết, tôi nhầm!” - Thế là xong?

(Dân trí) - Đá qua đá lại, chuyện nào cũng giải quyết với tuyên bố “tôi nhầm” rồi phủi tay như chưa từng có vấn đề gì xảy ra thì dân chỉ có thiệt! Còn đâu đạo lý, lẽ công bằng, còn đâu tính nghiêm chỉnh của luật pháp?

“Thôi chết, tôi nhầm!” - Thế là xong? - 1

“Vụ việc đã nhiều năm qua chưa giải quyết xong, các đồng chí cứ bàn qua bàn lại tạo bức xúc cho người dân là đúng rồi”, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đã nói như vậy trước báo giới về vụ “chính quyền mượn đất của dân, 17 năm sau tuyên bố không trả” xảy ra tại huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) mà báo Dân trí đã phản ánh qua rất nhiều kỳ báo trong nhiều năm qua.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu đại diện huyện Đông Hải báo lại Thường trực Huyện ủy, UBND huyện sớm giải quyết vụ việc này và chỉ rõ địa chỉ là Sở TN&MT phải chủ động giải quyết. “UBND tỉnh ghi nhận ý kiến phản ánh của báo và sẽ đôn đốc các ngành chức năng xử lý sớm”, ông Trung nói rõ.

Phát biểu này của ông Dương Thành Trung không chỉ gieo hy vọng cho gia đình ông Lê Hưởng sau 17 năm mòn mỏi khiếu nại mà còn là niềm tin, chờ đợi của người làm báo, của bạn đọc về lẽ công bằng.

Theo phản ánh, tháng 4/1999, UBND thị trấn Gành Hào lập biên bản “về việc mượn đất tư nhân làm quỹ đất UBND thị trấn Gành Hào để di dời 6 hộ dân trong khu vực trường cấp IB để xây dựng phòng học”, trong số đó có phần đất 480 m2 của ông Lê Hưởng.

Trong văn bản này có nêu rõ: “Để ổn định cho tiến độ thi công công trình được tốt, nay UBND thị trấn Gành Hào tạm mượn thửa đất của ông Lê Hưởng tọa lạc tại khu vực IV, diện tích ngang 20 m, dài 24 m (tổng 480 m2) nằm ở phía Đông Nam khu vực trường cấp IB. Sau này, UBND thị trấn Gành Hào sẽ tạo điều kiện đền bù hoặc hoán đổi trả lại mặt bằng hoặc giá trị tương đương cho ông Lê Hưởng”.

Giấy trắng mực đen rõ ràng, có cả chữ ký của Chủ tịch UBND thị trấn, Chánh văn phòng Đảng ủy, Cán bộ địa chính của địa phương này. Thế nhưng đã hơn 18 năm trôi qua, thời gian đã khiến giấy tờ cũ kỹ, bạc màu thử thách sự kiên nhẫn của lòng người mà lời cam kết vẫn chỉ là những vết mực dần mờ nhạt. Chưa có bất cứ một sự đền bù hay hoán đổi mặt bằng nào thoả đáng được thực hiện.

Càng oái oăm hơn nữa, UBND huyện Đông Hải sau này lại ban hành các văn bản (ngày 26/1/2016 và 16/3/2017) trả lời đơn yêu cầu của ông Lê Hưởng, với nội dung: “Không thừa nhận biên bản lập ngày 27/4/1999 về việc mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào; Không thừa nhận yêu cầu bồi thường 480m2 đất của ông Lê Hưởng”.

Còn người ký biên bản “mượn đất” là ông Phạm Văn Minh – Chủ tịch thị trấn Gành Hào thời kỳ đó thì lại lý giải “do phần đất thuộc Nhà nước quản lý chưa xác định kỹ nên làm biên bản nhầm” và biên bản được lập do chính ông này ký là không phù hợp.

Có vay mượn thì có trả - ấy là lẽ thường tình trong cuộc sống, huống hồ đây lại liên quan đến uy tín của cơ quan chính quyền với nhân dân. Thế mà, thật khó tin sau 17 năm, một văn bản điều hành bỗng dưng bị tuyên bố “vô hiệu”, còn người ký văn bản thì nói “nhầm”, khác gì đâu một trò đùa?

Đá qua đá lại, chuyện nào cũng giải quyết với tuyên bố “tôi nhầm” rồi phủi tay như chưa từng có vấn đề gì xảy ra thì dân chỉ có thiệt! Còn đâu đạo lý, lẽ công bằng, còn đâu tính nghiêm chỉnh của luật pháp?

Còn biết bao nhiêu trường hợp “găm, giữ” đã xảy ra như thế này? Than ôi, nào chuyện xã “quên” trả tiền hỗ trợ từ 6 năm trước cho hàng nghìn hộ dân ở Diễn Châu, Nghệ An (Dân trí, 27/04/2017), rồi xã “quên” trả sổ đỏ cho dân suốt 20 năm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng (Pháp luật TPHCM, 14/9/2018), “quên” cả quyết định đình chỉ vụ án tời gần 40 năm ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh…

Hoá ra, chẳng thiếu chuyện bi hài, khó tin có thể xảy ra về hành xử nhập nhèm của chính quyền ở một số địa phương với dân. Có những người “bền gan, vững chí” đi khiếu nại, nhưng cũng có biết bao người khác có thể đã buông xuôi, để sự việc “chìm xuống”?

Một độc giả của Dân Trí đã cảm thán rằng: “Mượn thì dễ trả thì khó - Qua thời quan thế biết tìm ai - Có lỗi thì chẳng ai sai - Thôi thì để vậy cho người ta kêu”.

Bích Diệp