Tết có… “Vui như Tết”?

(Dân trí) - Khi niềm vui của người này kéo theo nỗi buồn của người khác, thì niềm vui làm sao có thể đúng nghĩa và trọn vẹn? Nhất là khi điều đó lại diễn ra ngay trong chính những người ruột thịt luôn yêu thương và muốn mang lại hạnh phúc cho nhau...


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Với người Việt Nam, Tết là dịp đất trời chuyển đổi Đông đi Xuân đến, là lúc kết thúc một chu kỳ công việc và mở ra một chu kỳ mới, là ngày đoàn tụ gia đình, ai ai dù ăn đâu làm đâu cũng cố tìm mọi cách để được về sum họp với người thân, để hàn huyên chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.

Tết còn là dịp để người Việt tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô đã sinh thành dưỡng dục nên mình. Tri ân những người gắn bó, có công có ơn với mọi vui buồn, thành đạt của cuộc đời mình. Tết còn là dịp để người người đi lễ đền, chùa cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới, tham dự các lễ hội truyền thống, thăm viếng danh lam thắng cảnh của quê hương để cảm nhận và bày tỏ sự biết ơn với trời đất đã cho ta sự sống, với tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Mỗi khi Tết đến xuân về, lòng người còn được tiếp thêm sinh khí từ trời đất, từ tình ruột thịt thân thương bỗng trở nên tràn đầy cảm xúc, tràn đầy năng lượng. Trẻ thấy mình lớn thêm, già thấy mình trẻ lại. Và vì thế, từ xa xưa người Việt Nam đã có thành ngữ “Vui như Tết”. Thế nhưng, sự thực cái Tết của thời hiện đại có thật là ngày vui trọn vẹn, ngày truyền cảm hứng, ngày tiếp thêm năng lượng sống cho tất cả mọi người?

Chưa nói đến những tập tục đã trở thành hủ tục như: rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan, hối lộ cầu cạnh… mà tất cả chúng ta đều đồng lòng coi là vấn nạn và muốn loại bỏ khỏi cái tết Việt. Gần một tháng qua, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi, với những quan điểm đối nhau chan chát về Tết. Sự đối đầu trong quan điểm diễn ra không chỉ giữa người già và người trẻ, mà còn diễn ra cả giữa người già với người già và người trẻ với người trẻ.

Đó là chuyện có nên thay đổi tập tục cỗ bàn tiếp khách để những người phụ nữ không phải đầu tắt mặt tối trong bếp những ngày tết? Đó là chuyện có nên bắt con dâu chỉ được ở nhà chồng trong ngày 30 và mồng 1 tết và các cô gái sau khi lấy chồng thì không còn được ăn tết cùng bố mẹ đẻ kể cả khi bố hoặc mẹ chỉ còn lại một mình? Và đó còn là chuyện có nên đi du lịch bỏ mặc cha mẹ, khói hương tổ tiên vào những ngày tết không?

Đằng sau những cành đào lộng lẫy, những ban thờ rực rỡ và những mâm cỗ thịnh soạn kia, đằng sau nụ cười và những lời chúc tụng rổn rảng kia… có không ít giọt nước mắt âm thầm của những người phụ nữ. Đơn giản vì trước khi là mẹ, là vợ, là con dâu trong gia đình, họ là những đứa con. Đức hy sinh của người phụ nữ đã khiến họ phải giấu kín nỗi buồn của mình. Liệu có bao nhiêu người khi thụ hưởng sự hy sinh đó thấu hiểu và biết đáp lại bằng việc chia đôi những cái tết sum họp ấy cho cả hai bên nội, ngoại? Chỉ vì chuyện đón giao thừa ở nhà nội hay nhà ngoại mà có biết bao cặp vợ chồng trẻ đã xảy ra bất hòa, đổ vỡ.

Khi niềm vui của người này kéo theo nỗi buồn của người khác, thì niềm vui làm sao có thể đúng nghĩa và trọn vẹn? Nhất là khi điều đó lại diễn ra ngay trong chính những người ruột thịt luôn yêu thương và muốn mang lại hạnh phúc cho nhau. Có khó gì đâu, chuyện con dâu về ăn tết với bố mẹ đẻ, gia đình trẻ đi chơi xa hay cỗ bàn tiệc tùng ngày tết. Chỉ cần biết nghĩ thêm cho người bên cạnh một chút thôi, bớt ích kỷ đi một chút thôi, biết coi niềm vui, nỗi buồn của người bên cạnh cũng chính là niềm vui, nỗi buồn của bản thân, thì mọi việc đơn giản lắm, khỏi cần phải tranh cãi.

Mỗi người một ý, ai cũng có cái lý của mình, nhưng người ta vẫn thường nói “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Làm sao để “Vui như Tết” thực sự là cảm nhận của tất cả mọi người Việt mỗi khi tết đến xuân về?

Cát Thụy