Ở ta, tất cả đều… có thể, dù điều đó là hài hước!

(Dân trí) - Ở ta, tất cả đều có thể. Biết đâu Công ty Văn Huy lại chả được… phạt cho tồn tại, dù điều đó là hài hước, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một công trình khá kiên cố mọc lên ở nơi toạ lạc của lăng mộ Vua Trần Anh Tông vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận và chính quyền địa phương.

Mấy ngày qua, trên báo Dân trí đăng tải loạt bài viết về khu Lăng mộ Đức vua Trần Anh Tông, một công trình lịch sử được xếp hạng cấp đặc biệt của quốc gia, góp phần làm nên giá trị văn hoá của dải đất non thiêng Yên Tử đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tại đây, Công ty TNHH Văn Huy ngang nhiên đưa thiết bị máy móc vào khu di tích này để tiến hành xây dựng ồ ạt, gây bức xúc dư luận.

Đọc thông tin trên, không thể không thở dài bởi những vụ việc xâm hại, thậm chí phá dỡ hoặc thay đổi gần như hoàn toàn diện mạo các khu di tích văn hóa, lịch sử ở ta không hiếm. Nhiều những công trình mang tính lịch sử đã hoặc đang đứng trước nguy cơ “cải lão hoàn đồng”, “trẻ hóa đội ngũ” đến ngạc nhiên, bất chấp dư luận cũng như những qui định của pháp luật.

Vì sao lại có hiện tượng này? Tất nhiên, lỗi đầu tiên và trước hết thuộc về chức năng quản lý của chính quyền địa phương. Họ, hoặc quan liêu, hoặc làm ngơ. Không có chuyện những “con voi chiu lọt lỗ kim” dễ dàng như thế, nếu không có sự bao che, thậm chí tiếp tay.

Đối với vụ việc tại lăng Đức vua Trần Anh Tông, được biết ngày 15/9/2015, UBND thị xã Đông Triều đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Cty Văn Huy 45 triệu đồng đồng thời yêu cầu Cty Văn Huy phải tháo dỡ công trình xây dựng, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 15/9/2015. Tuy nhiên cho đến nay, hơn 9 tháng trôi qua, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như một sự thách thức.

Lý giải về sự tồn tại này, ông Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch thị xã Đông Triều cho biết, sở dĩ đến thời điểm này công trình của Cty Văn Huy chưa được tháo dỡ là do Cty này đã có đơn xin được… hợp thức hoá công trình sai phạm. Bài ca “phạt cho tồn tại” một lần nữa, có nguy cơ tái diễn ở đây.

Nếu như sự việc được chấp nhận, tức là “phạt cho tồn tại” thì quả là… hài hước và đùa giỡn với pháp luật bởi mấy lý do.

Thứ nhất, việc xây dựng trong khu lăng tẩm Đức vua Trần Anh Tông hoàn toàn có thể bị qui kết tội danh xâm phạm mồ mả được qui định tại Điều 245, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, theo đó “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mổ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Thứ hai là tội xâm phạm di tích văn hóa, lịch sử “đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Theo đó, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Như vậy với việc san lấp và xây dựng trái phép trên, Công ty Văn Huy hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Song ở ta, tất cả đều có thể. Biết đâu Công ty Văn Huy lại chả được… phạt cho tồn tại, dù điều đó là hài hước, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám