Niềm vui nhỏ, nỗi buồn lớn, cái khó của Bộ trưởng Nhạ

(Dân trí) - Thật ra, niềm vui này nếu đứng một mình, nó lớn, rất lớn. Nhưng tiếc thay, nó lại rơi vào đúng thời điểm có một nỗi buồn còn lớn hơn. Và thế là, nó bị…. nhỏ lại!

Niềm vui nhỏ, nỗi buồn lớn, cái khó của Bộ trưởng Nhạ - 1

Xin nói về tin vui trong kỳ thi Olympic của học sinh Việt Nam trước.

4 Huy chương vàng Olympic Vật lí, 4 Huy chương vàng Olympic Toán, 3 Huy chương vàng Olympic Hóa học, đó là “kỳ tích” của các học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế năm 2017…

Đây là những tin vui không chỉ cho nền giáo dục nước nhà mà là niềm vui chung của đất nước bởi đây cũng là thành tích cao nhất trong lịch sử 43 năm (1974) kể từ lần đầu tiên, Việt Nam tham dự các cuộc thi này. Cả khi có một kỳ thi chúng ta là nước chủ nhà (2007).

Nó không chỉ thể hiện trí thông minh, tinh thần ham học mà còn là bản lĩnh của tuổi trẻ Việt Nam. Dù còn có ý kiến cho rằng, thành tích của các cuộc thi này thực chất chỉ là trò “luyện gà nòi” đi chăng nữa, thì cũng không thể phủ nhận, niềm vinh quang mà các em đã và đang mang về cho đất nước.

Xin chúc mừng các em, chúc mừng các thầy cô và xin được chia vui với gia đình các em.

Có một tin vui nữa, đó là nhiều địa phương đã trao tặng các emvà thầy cô trực tiếp hướng dẫn các em với những khoản tiền không nhỏ. Tất nhiên chỉ là so với các em và đối với sự kiện này từ trước đến nay thôi.

Ví như tỉnh Nghệ An đã tặng số tiền lên tới 114 triệu đồng cho em Trần Hữu Bình Minh (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu), trong đó 78 triệu đồng cho thành tích HCV Olympic Vật lý Quốc tế và 36,3 triệu đồng với HCB Olympic Vật lý châu Á.

Tỉnh Thanh Hóa còn “sang” hơn, tặng hẳn 100 triệu đồng cho em Lê Quang Dũng - HCV Olympic Toán Quốc tế…

Như nói ở trên, số tiền này lớn là với các em và với tiền lệ. Còn thực tế, nó chí bằng một sô diễn của mấy cậu ca sĩ, mấy cô chân dài…

Nhưng so sánh vậy lại là khập khiễng bởi ở Việt Nam, trí tuệ nhiều khi nằm ở vị trí cuối cùng trong hàng “tứ ệ” cơ mà.

Giờ thì nói về tin buồn, đó là đầu vào của ngành sư phạm quá thấp. Xin không phân tích nữa bởi nhiều người và cả trên Blog này cũng đã nói rồi. Chỉ bàn đôi chút về sự trăn trở của Bộ trưởng bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nhạ nói: “Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”.

Đây là ý tưởng tốt nhưng rất khó, cần phải quyết tâm không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Đành an ủi như người xưa, rằng “trong cái rủi, có cái may”, đây cũng là tiếng trống thấu đến “trời xanh” về sự báo động đỏ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Thành công trong phát triển kinh tế có thể chỉ là thành công thời điểm. Thành công trong giáo dục mới là thành công bền vững. Như lời ông Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nói đại ý “Thất bại trong giáo dục là thất bại toàn diện”.

Sau lời cảnh tỉnh này, hi vọng giáo dục Việt Nam sẽ có bước đi ngoạn muc và sư phạm sẽ trở thành ngành được yêu thích của các bạn trẻ.

Bùi Hoàng Tám