Nhận diện lãng phí

(Dân trí) - Nhưng lãng phí lớn nhất là lãng phí con người, điều này không có trong bất cứ văn nào và không có quy định bằng pháp luật để điều chỉnh. Nhân tài, người có năng lực bị đẩy ra, không được sử dụng, dành chỗ cho chạy chọt, mua quan, bán chức.

 

 

(Minh họa: Vũ Toản)

(Minh họa: Vũ Toản)

 

 
Tại cuộc họp ngày 18-12 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cùng các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước nhằm thảo luận thực trạng và đặt vấn đề sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đại biểu đã chỉ ra nhiều hình thức lãng phí. Có ý kiến nhận định lãng phí còn tệ hại hơn tham nhũng, tiêu cực.

 

Nhận định trên hoàn toàn có lý. Xét về mặt nào đó, đối với tham nhũng, ít ra tiền bạc rơi vào túi ai đó. Còn đối với lãng phí, tiền của mất đi không vào bất cứ túi ai, nó tan thành mây khói.

 

Về hành vi, tham nhũng chỉ có thể xảy ra với một số người, đó là nhóm  có chức vụ, còn lãng phí thì bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Đáng sợ hơn là không ít trường hợp, người có hành vi lãng phí không biết việc mà mình gây ra. Hàng triệu người lãng phí thì thiệt hại không thể tính được, nhiều hơn tham nhũng là điều đương nhiên.

 

Vì quản lý kém cỏi, công trình xây dựng kéo dài, đội giá thành xây dựng lên gấp 2, 3 lần. Nhiều công trình xây dựng chậm đưa vào sử dụng, không khai thác được vì thiếu sự đồng bộ của các công trình liên quan, kết nối, lãng phí đó rất lớn và rất phổ biến.

 

Nhà đất, tài sản công sử dụng không đúng mục đích, nhiều cơ sở để hoang, xuống cấp, mất giá trị, đó cũng là lãng phí. Ví dụ, các chuyên gia từng phân tích, những khu đất đắc địa nhất ở các quận trung tâm TP. HCM lại sử dụng làm trường đại học, vừa lãng phí vừa gây ùn tắc giao thông khu vực nội thành. Nếu đưa hết các trường ra tập trung thành đô thị đại học ở ngoại thành, những cơ sở  lô đất vàng trường đại học, cao đẳng đó dùng cho mục đích kinh tế thì sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề này đã bàn nhiều năm nhưng chưa làm được.

 

Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là những nơi siêng năng hội họp nhất. Chi phí cho hội họp, đi lại, ăn ở, tiệc tùng triền miên, tốn kém tiền bạc và thời gian ghê gớm. Vì hội họp nhiều nên xao lãng việc công, lãng phí này tính làm sao cho xuể.

 

Mua sắm chi tiêu công, ô tô, bàn ghế, đơn vị nào cũng muốn hoành tráng, sếp nào cũng muốn xe đắt tiền. Nhà xây to, phòng điều hòa, máy vi tính đời mới nhưng không ít người ngồi chơi game chờ hết giờ. Lãng phí đó đang diễn ra hằng ngày.

 

Nhưng lãng phí lớn nhất là lãng phí con người, điều này không có trong bất cứ văn nào và không có quy định bằng pháp luật để điều chỉnh. Nhân tài, người có năng lực bị đẩy ra, không được sử dụng, dành chỗ cho chạy chọt, mua quan, bán chức.

 

Dân gian có các tiêu chí tìm việc theo thứ tự ưu tiên trước sau gồm: Hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ. Con ông cháu cha là số một, kế tiếp thì phải có tiền, thứ ba mới đến quan hệ, còn tiêu chuẩn trí tuệ là thứ sau cùng.

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!