Một suy nghĩ về phong trào “Thanh niên tình nguyện”

(Dân trí) - Không phải không có lý khi nhiều người cho rằng đã đến lúc cần xem lại các phong trào tình nguyện và đặt câu hỏi có nên tồn tại các hình thức như những chuyến đi dài ngày, qua đêm? Có nên tiếp tục duy trì những chương trình có nhiều nguy hiểm, mất an toàn?...

Một suy nghĩ về phong trào “Thanh niên tình nguyện” - 1

Vụ ba nữ sinh tử vong khi tham gia chương trình Thanh niên tình nguyện tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã đặt ra hàng loạt câu hỏi xung quanh phong trào này.

Đã có một số trường đại học không mặn mà và thậm chí, tạm dừng hoạt động này như trường Đại học Ngoại thương, nơi có ba sinh viên vừa tử vong.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải thay đổi hình thức tự nguyện vì lỗi thời, không phù hợp. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng không nên duy trì phong trào này bởi nó mang nặng tính hình thức, “phong trào” mà ít đem lại hiệu quả.

Vậy, nhìn nhận phong trào này như thế nào cho thỏa đáng?

Trước hết, không thể phủ nhận công sức và hiệu quả nhiều năm qua của hàng ngàn, hàng vạn sinh viên cả nước trong tất cả các phong trào tình nguyện.

Họ, những trái tim nhiệt huyết đã tích cực và hào hứng tham gia các chương trình từ hiến máu nhân đạo, mùa hè xanh, bảo vệ môi trường, đem ánh sáng đến với các vùng cao, hỗ trợ thí sinh trong thi cử...

Việc làm tình nguyện của họ không chỉ mang lại lợi ích và tác động xã hội mà còn hun đúc trong tâm hồn các em một tinh thần hi sinh cao cả.

Song, dường như công sức và sự đóng góp của các em chưa được đánh giá đúng mức, nhiều người còn cho rằng đây chỉ là phong trào, vui là chính.

Từ đó, đã có nhiều đóng góp và cả sự hy sinh của phong trào này chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, phong trào trên có vẻ như nhiều năm qua không được liên tục điều chỉnh, cải tiến nên trong nhiều trường hợp, đã trở nên hình thức và lỗi thời.

Người viết bài này đã từng trực tiếp nghe một người khá lớn tuổi khuyên các sinh viên làm nhiệm vụ giữ trật tự giao thông rằng “các cháu về đi mà học hành, nắng nóng thế, đây đâu phải là việc của các cháu”.

Giật mình nhìn lại, thấy gần một chục sinh viên nắm tay nhau tạo thành một dải ngăn cách (thực ra, tác dụng chỉ làm thay một sợi dây) giữa nắng nóng với khói, bụi và hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên nhiều khi đến 40 – 50 độ C của mùa hè Hà Nội, thấy không thể không chạnh lòng.

Có lẽ, không phải không có lý khi nhiều người cho rằng đã đến lúc cần xem lại các phong trào tình nguyện và đặt câu hỏi có nên tồn tại các hình thức như những chuyến đi dài ngày, qua đêm? Có nên tiếp tục duy trì những chương trình có nhiều nguy hiểm, mất an toàn? Thậm chí, cần cân đối cả nguồn tài chính cũng như công sức của các em so với hiệu quả mà nó mang lại.

Về cá nhân, người viết bài này cho rằng không nên “dập tắt ngọn lửa tình nguyện” trong trái tim các em. Việc phủ nhận còn là sự xúc phạm đến phong trào. Song, cần phải xem xét lại toàn bộ phương pháp của phong trào này để đảm bảo vừa hiệu quả, vừa an toàn nhất. Cần có những chính sách tốt với tất cả các sinh viên tình nguyện vì Tổ quốc từ trước đến nay và tôn vinh xứng đáng những đóng góp của phong trào.

Tuy nhiên, một phòng trào dù tốt đến đâu nhưng nếu như không đảm bảo an toàn sinh mạng cho những người tham gia thì đó là thất bại bởi cuộc sống là thứ quý giá nhất trên cõi đời này, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

.