Sinh viên gặp nạn khi đi tình nguyện: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Hàng triệu thanh niên, sinh viên, học sinh trong cả nước đang sục sôi với mùa hè tình nguyện. Thế nhưng sự việc 3 nữ sinh ĐH Ngoại thương bị lũ cuốn trôi khi đi tình nguyện lại khiến nhiều người suy nghĩ...

Rơi nước mắt cho lý tưởng đẹp

3 nữ sinh trường ĐH Ngoại thương bị lũ cuốn trôi khi đi tình nguyện hè ở Quảng Ninh. Một tai nạn với nỗi đau không lời nào kết xiết. Nỗi đau của bố mẹ, người thân; nỗi đau của nhà trường; nỗi đau của bạn bè và còn có cả nỗi đau của rất nhiều bạn trẻ đang sục sôi với mùa hè tình nguyện.

Cả ba đều là sinh viên của ngôi trường danh giá hàng đầu cả nước. Và họ, những bạn trẻ mang trong mình nhiệt huyết thiện nguyện với mong muốn góp sức nhỏ của mình để làm đẹp đất nước đã phải ngưng lại những ước mơ, hoài bão.


Người thân, bạn bè khóc tiễn đưa một trong ba nữ sinh ĐH Ngoại thương gặp nạn khi đi tình nguyện (Ảnh: Nguyễn Duy)

Người thân, bạn bè khóc tiễn đưa một trong ba nữ sinh ĐH Ngoại thương gặp nạn khi đi tình nguyện (Ảnh: Nguyễn Duy)

Những làn sóng… phân tích, mổ xẻ về sự việc nổi lên. Đây không phải là lần đầu tiên sinh viên gặp sự cố đang tiếc khi đi tình nguyện. Rồi việc sinh viên tình nguyện với những hoạt động nguy hiểm như phơi mình giữa nắng nóng, làm hàng rào giữa đường phố xe cộ lao vun vút… trong tiếp sức mùa thi cũng đã được nhắc đến rất nhiều với câu hỏi "Nên hay không?"

Và rồi "đi tình nguyện" đồng nghĩa với những phán xét. Nào là tình nguyện được cái gì, tình nguyện vì lợi ích cá nhân, rồi tình nguyện làm gì cho thiệt thân khi có bao nhiêu nguy hiểm không lường được. Và hậu quả đáng sợ nhất là có biết bao nhiêu bạn trẻ bị “nhụt chí” vì những sự cố đau lòng mà sinh viên gặp phải trong hoạt động tình nguyện của mình?

Ý nghĩa của hoạt động tình nguyện không chỉ là việc các bạn trẻ đi về các vùng xa xôi, nghèo khó của đất nước để chia sẻ khó khăn hay để tiếp sức con chữ. Hoạt động tình nguyện cũng không chỉ là việc bao nhiêu người dân nghèo, bao em nhiêu em bé khắp mọi miền được thụ hưởng.

“Sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”, giá trị của tình nguyện lớn nhất không phải ở người nhận mà thuộc về những gì các bạn trẻ tham gia tình nguyện nhận được. Biết bao nhiêu người đã trưởng thành, bao nhiêu bạn trẻ tìm thấy lý tưởng, tìm thấy giá trị, ý nghĩa thật sự của cuộc sốngnhờ việc tham gia tình nguyện. Khi mà một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang thờ ơ với công việc xã hội thì hoạt động tình nguyện càng có giá trị.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi sự cố trong hoạt động tình nguyện xảy ra, "trách nhiệm thuộc về ai?" trở thành câu hỏi được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất. Từ đó những bàn tán trái chiều, có khi theo chiều hướng tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều.

Vấn đề đặt ra không phải để bắt lỗi, để đẩy ai đó phải đứng ra nhận tội về cái chết đau lòng của những sinh viên tình nguyện mà nhìn vào để làm sao cho hoạt động này hiệu quả hơn và xã hội và an toàn hơn với người tham gia.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền, ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra quan điểm về sự việc 3 nữ sinh bị lũ cuốn trôi là một tai nạn không ai muốn. Khó có thể đổ lỗi hay quy trách nhiệm cho ai được. Nói các em chủ quan cũng không đúng vì ngay cả người dân từng ở đó cũng có thể gặp tai nạn như thế này.


Sinh viên chọn tham gia hoạt động tình nguyện mang rất nhiều nhiệt huyết, lý tưởng đẹp của tuổi trẻ (Ảnh: Hoài Nam)

Sinh viên chọn tham gia hoạt động tình nguyện mang rất nhiều nhiệt huyết, lý tưởng đẹp của tuổi trẻ (Ảnh: Hoài Nam)

Nói ban chỉ huy chiến dịch không tập huấn cũng không đúng. Bản thân cô Huyền từng là chỉ huy chiến dịch mùa hè xanh ba năm liền nên cô biết việc tập huấn, nhắc nhở mỗi ngày từ cấp cao tới cấp thấp nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra, chỉ may mắn là chưa trường hợp nào nghiêm trọng thế này.

Nói như vậy không có nghĩa là không ai có tránh nhiệm trong những tai nạn đáng tiếc này mà theo cô Huyền phải nhìn nhận trách nhiệm của tất cả các bên, đặc biệt là phía tổ chức. Tất cả cùng nhìn vào thực tế để làm tốt hơn.

Việc ThS Thu Huyền tha thiết và mong sẽ được lưu tâm nhiều hơn với người Việt là hãy học bơi. Không thể trách móc nhau thêm nữa mà phải khắc phục. Bơi là kỹ năng sinh tồn, nếu biết bơi sẽ hạn chế được nhiều vụ tai nạn đau lòng thế này.

Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM bộc bạch dù rất đau lòng trước sự việc 3 nữ sinh gặp nạn nhưng ông phải nói rằng trước nhất là các em không có kỹ năng phân biệt nguy hiểm/ nguy cơ để tránh sự mất mát, tránh bị lũ cuốn trôi. Cái này đáng lý các em phải được trang bị từ trong gia đình và sau đó là trường phổ thông và cả trước khi tham gia hoạt động tình nguyện.

Có thể lắm, nhiều bạn trẻ hừng hực khí thế đi về những vùng quê khắc nghiệt nhất lớn lên ở thành phố, chỉ biết lũ lụt, mưa bão qua… vô tuyến, họ chưa từng nhìn thấy, được trải nghiệm sự tàn khốc và nguy hiểm của địa hình, thiên nhiên ở vùng khác biệt.

Có lần, một nhóm 5 sinh viên học tại một trường ở Hà Nội đi du lịch ở thác Khe Kèm, Nghệ An. Tất cả không sao hết chỉ duy nhất một bạn nữ… bị trượt chân ngã, chấn thương ở đầu. Hỏi ra mới biết 4 bạn còn lại là người địa phương, duy nhất bạn nữ là gái thành phố. Bạn không biết rằng khi bước trên đá trơn cần phải bấm đầu ngón chân để chống trượt. Những bạn còn lại có lẽ không lường được bạn mình không biết điều tối thiểu đó để chú ý hướng dẫn, đề phòng.

Hoạt động tình nguyện ngày càng phổ biến và là nơi nuôi dưỡng lý tưởng của nhiều bạn trẻ. Vậy nên, để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả, hoạt động này cần sự chuyên nghiệp từ phía tổ chức. Và hơn hết, không chỉ trong hoạt động tình nguyện mà mọi lĩnh vực người tham gia cần trang bị kỹ năng bảo vệ tốt nhất cho mình để hạn chế rủi ro.

Đừng để việc nuôi dưỡng lý tưởng, tâm hồn người trẻ lại trở thành nỗi sợ và sự đề phòng.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)