Mong Tổng thống Obama bỏ đi từ “có thể”!

(Dân trí) - Rất mong rằng khi về hưu, ông sẽ đến Việt Nam và nếu được, ông nên bỏ đi từ “có thể” bởi người dân Việt Nam chúng tôi luôn luôn đón đợi sự quay trở lại của ông để tiếp tục xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Khi bạn đọc những dòng chữ này, cũng là lúc Tổng thống Obama đang ở Nhật Bản, sau khi kết thúc chuyến thăm và làm việc 3 ngày tại Việt Nam.

Có thể nói thời gian qua là những ngày sôi động đối với đời sống xã hội Việt Nam bởi hai sự kiện. Thứ nhất là Kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Thứ hai, là sự hiện diện của Tổng thống Obama tại Hà Nội.

Không chỉ nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tổng thống Obama còn được đông đảo người dân từ mọi miền của đất nước hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp chào đón ông với tình cảm và quý trọng thật lòng.

Chính tình cảm đó đã khiến người đứng đầu Nhà trắng phải thốt lên: “Sự thân thiện của người Việt Nam đã chạm tới trái tim tôi”. Theo Thứ trưởng Ngoại giao kể lại, trước khi lên máy bay rời Việt Nam, Tổng thống Obama đã đặt tay lên trái tim mình và nói: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Tôi cảm thấy gần gũi với các bạn hơn bao giờ hết”.

Vì sao Tổng thống Obama lại thốt lên như vậy hay nói cách khác, vì sao ông lại được dân chúng Việt Nam yêu mến, thân thiện và tiếp đón nồng hậu đến vậy?

Lý do thì nhiều, song theo mình thì có mấy nguyên do sau.

Thứ nhất, chuyến thăm của Tổng thống Obama hôm nay và chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 là thông điệp lớn về tinh thần nhân văn cao cả. Nó đã chứng minh không chỉ đối với hai quốc gia mà còn minh chứng cho một chân lý, không khoảng cách nào không thể khỏa lấp, không hận thù nào không thể vượt qua nếu có sự chân thành, thật tâm từ hai phía.

Lý do thứ hai, việc Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí không chỉ góp phần giúp Việt Nam bảo vệ Tổ quốc mà còn khẳng định sự tin cậy của một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới với một dân tộc Việt Nam yêu hòa chuộng hòa bình.

Lý do thứ ba, những phát biểu về chủ quyền Việt Nam,về tinh thần độc lập và vẹn toàn lãnh thổ như “Việt Nam là nước có chủ quyền, không một quốc gia nào có thể áp đặt, tương lai vận mệnh đất nước Việt Nam do người dân Việt Nam quyết định”… đã làm ấm lòng mỗi người dân Việt Nam. Để chứng minh cho tinh thần này, Tổng thống Obama còn trích dẫn câu thơ “Rành rành định phận ở sách trời” trong “Bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên về chủ quyền lãnh thổ của Lý Thường Kiệt.

Lý do thứ tư, qua những lời phát biểu, Tổng thống Obama cho thấy mong muốn thật lòng với một Việt Nam phát triển đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ phát triển kinh tế, đến các vấn đề về giáo dục, sức khỏe, môi trường…

Và thứ năm, Tổng thống Obama đã chinh phục người dân Việt Nam bằng sự thân thiện, gần gũi và cởi mở.

Vì thế, để đáp lại tấm lòng cũng như thiện chí của ông, dân chúng Việt Nam đã đón ông bằng sự nhiệt thành và nồng hậu.

Công bằng mà nói, ông đã đến Việt Nam hơi muộn để bây giờ nuối tiếc như lời ông nói: “Tôi lẽ ra nên thăm Việt Nam sớm hơn” dù ông đã biện giải “Có thể lý giải thế này. Ở Mỹ, chúng tôi có câu 'Save the best for last' (Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối). Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, tươi đẹp”.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa, ông sẽ rời Nhà trắng. Đây là chuyến ra nước ngoài cuối cùng của ông với tư cách Tổng thống Hoa kỳ. Có lẽ nhiều và rất nhiều người dân Việt Nam vẫn mong muốn ông sẽ quay lại mảnh đất này và ghi nhớ lời ông nói: “Tôi hy vọng khi về hưu tôi có thể cùng gia đình đến Việt Nam. Tôi có thể dành thời gian tham quan Việt Nam, hiểu biết thêm về con người, thưởng thức ẩm thực và có lịch trình thoải mái hơn”.

Rất mong rằng khi về hưu, ông sẽ đến Việt Nam và nếu được, ông nên bỏ đi từ “có thể” bởi người dân Việt Nam chúng tôi luôn luôn đón đợi sự quay trở lại của ông để tiếp tục xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám