Khó quá thì... cưa đôi !

(Dân trí) - Một điều đọng lại, chưa có đáp án rõ ràng là sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) tuần trước, những khúc mắc của khối DN tư nhân về các chính sách thuế, hải quan chưa được trả lời trực tiếp, đầy đủ. Cho dù, trước hội nghị này, đó thực sự là vấn đề rất nóng.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong hàng trăm kiến nghị của các DN gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp trước cuộc đối thoại này, một phần khá lớn là những kiến nghị, ý kiến về những bất hợp lý trong chính sách thuế, hải quan, về cung cách làm việc, ứng xử với DN của cán bộ 2 ngành này.

Có thể thấy ngay hàng loạt bất cập ấy: Giải quyết hoàn thuế quá chậm, có DN được hoàn 6 tỉ đồng nhưng kéo dài 6 tháng không giải quyết chỉ đơn giản được giải thích vì... ngân sách khó khăn, chưa có trả. Hay việc xác định chi phí tính thuế thu nhập DN luôn có tranh cãi, mà cơ quan thuế luôn có xu hướng áp đặt và phần thắng, luôn thuộc về cán bộ thuế.

Có Hiệp hội DN phản ánh, mấy năm nay, chính sách, quy định mới ban hành nhiều nhưng cán bộ thuế trình độ hạn chế, không đủ khả năng giải thích, hướng dẫn cho DN, hoặc hướng dẫn theo nhiều cách khác nhau nên khiến DN hiểu không đúng. Không đúng thì lại bị... phạt.

Tương tự, với ngành hải quan, có hiệp hội DN cho rằng, thời gian thông quan còn dài, nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành phức tạp, chồng chéo...

Một mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nhập khẩu nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng.

Ngay tại hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa rồi, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đứng lên nói:"Thưa Thủ tướng, trong quý 1 vừa rồi, chúng tôi có 5 mét vải mẫu chuyển từ nước ngoài về mà phải mất 138 lần đi kiểm tra theo Thông tư 37/TT-BCT (của Bộ Công Thương). Rất ức chế !".

Công bằng mà nói, nếu xét theo các tiến bộ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành thuế và hải quan trong 2 năm qua, đã có những cải thiện nhất định. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính cũng đã giúp giảm hàng trăm giờ làm thủ tục thuế, hải quan cho DN.

Nhưng nếu nhìn từ phía DN, với những câu chuyện thực tế như trên cho thấy, những cải cách đó vẫn là chưa đủ. Mà chuyện thuế má, phí, lệ phí, thủ tục hải quan...với DN là chuyện sống còn. Vì đó là tiền, là chi phí...gắn liền với hiệu quả, lợi nhuận của họ. Cho dù, những nỗ lực cải cách của ngành thuế, hải quan đã được ghi nhận thì nó vẫn chưa xoá đi được thực tế là VN vẫn còn là một trong những quốc gia có số giờ mà DN phải làm thủ tục thuế, hải quan nhiều nhất trên thế giới. Mà những chuyện phiền hà, bất cập như đã nêu ở trên, ít nhiều phản ánh tình trạng này.

Do đó, yêu cầu tiếp tục cải cách về thủ tục hành chính với ngành thuế, hải quan, nâng cao năng lực trình độ cán bộ, công chức của 2 ngành này vẫn được đặt ra bức thiết. Và sâu xa hơn nữa, chính là làm sao đụng tới được vấn đề cốt lõi: Giải quyết được vấn nạn nhũng nhiễu, tham nhũng trong 2 lĩnh vực quan trọng nhất này- của Bộ Tài chính quản lý mới khắc phục được sự trì trệ, chậm chạp trong thực tế triển khai công việc liên quan đến DN. Và đó mới là cải cách thực sự.

Không phải tự nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong lần đầu tiên chủ trì đối thoại với cộng đồng DN, đã nói rằng:"Đừng tưởng Thủ tướng không biết, cưa đôi với nhau, tôi biết hết". Bởi tất cả những khó khăn, ách tắc mà DN gặp phải, đa số xuất phát từ cán bộ, công chức không muốn làm cho nhanh, cứ phải gây khó, gây rắc rối để buộc DN phải "chung chi", phải "cưa đôi"...

Đáng tiếc, trong cuộc đối thoại với các DN cuối tuần rồi, những DN được đứng lên nói, đa số là DN lớn, những Vietjet, Vinamilk, BIDV, Vinatex-những "đại gia" tuy có, nhưng thực sự không có nhiều, bức xúc về thuế, hải quan như các DN qui mô vừa và nhỏ.

Nhưng mong rằng, với sự quan tâm, thấu hiểu những chuyện như "cưa đôi" mà Thủ tướng đã nói ra, ông và các thành viên trong Chính phủ mới sẽ nghiên cứu, đọc hết trong hàng trăm, hàng ngàn kiến nghị, phản ánh của DN đến trước và sau hội nghị trên...để ra những quyết sách mạnh mẽ mới, chỉ đạo ngành thuế, hải quan và nhiều bộ, ngành khác nữa, giải quyết triệt để những khúc mắc trên của DN, tạo môi trường kinh doanh ngày càng tự do, thông thoáng, để DN, người dân làm ăn thuận lợi, phát triển.

Mạnh Quân